Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ lý giải nguyên nhân thiếu thuốc

GD&TĐ - Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ khẳng định đã hoàn thành các thủ tục mua sắm phục vụ cho lấy máu, đồng thời đảm bảo đầy đủ thuốc và vắc xin.

Đại biểu đặt hỏi về các dự án đầu tư y tế và dự án mua sắm thuốc, vật tư trang thiết bị y tế.
Đại biểu đặt hỏi về các dự án đầu tư y tế và dự án mua sắm thuốc, vật tư trang thiết bị y tế.

Chiều 7/12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 13 của HĐND TP Cần Thơ, các đại biểu đặt hỏi về các dự án đầu tư y tế và dự án mua sắm thuốc, vật tư trang thiết bị y tế bị chậm.

Đại biểu Trần Văn Đạt kiến nghị lãnh đạo Sở Y tế báo cáo rõ nguyên nhân cũng như giải pháp tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi người dân, nhất là người dân tham gia bảo hiểm y tế nhưng phải mua thuốc bên ngoài.

Trả lời chất vấn đại biểu về vấn đề triển khai đầu tư các dự án y tế, ông Hoàng Quốc Cường - Giám đốc Sở Y tế cho biết, dự án bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ đã trình phương án xin Bộ, ban, ngành trung ương hướng dẫn thanh lý hợp đồng ngưng vốn vay ODA.

Sau khi có chủ trương, Sở sẽ phối hợp tham mưu UBND thành phố kiến nghị Bộ ngành hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn và đề xuất tái khởi động lại dự án.

Ngoài ra, đối với 2 dự án y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Sở đã hoàn tất các thủ tục đầu tư và đang trình Sở Xây dựng xem xét, thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, sớm trình UBND phê duyệt.

Theo ông Cường, việc triển khai chậm trễ các dự án trong thời gian qua là do Sở gặp khó khăn về mặt nhân sự, thiếu người và thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý nên chưa đáp ứng yêu cầu công việc.

Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 13 của HĐND TP Cần Thơ.
Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 13 của HĐND TP Cần Thơ.

Thông tin về vấn đề thiếu thuốc, người dân tham gia BHYT phải ra ngoài mua thuốc, lãnh đạo Sở Y tế cho biết: Từ tháng12/2023, Sở đã thực hiện mua sắm, đấu thầu. Tuy nhiên, việc xây dựng các gói thầu về thuốc, tư trang thiết bị y tế vẫn còn chậm chạp.

Nguyên nhân là “số lượng gói thầu rất lớn mà thời gian mua sắm kéo dài vì vướng thủ tục phải qua 3 vòng, 9 bước. Kể cả Sở và các Sở ban ngành liên quan mất rất nhiều thời gian và công sức để giải trình”, ông Cường giải trình.

Theo ông Cường, năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện đấu thầu tập trung, Sở chỉ đạo bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ thực hiện và đến nay 10 gói thầu tập trung đã có kết quả, ký hợp đồng, thời gian tới có đầy đủ thuốc, vắc xin dịch vụ cho tới năm 2025.

Trong thời gian chưa có kết quả đấu thầu, Sở y tế đã kêu gọi rất nhiều đơn vị có thiết bị y tế hỗ trợ cho bệnh viện huyết học truyền máu Cần Thơ, chúng ta cũng không để xảy ra bất kỳ tình huống nguy kịch nào do thiếu máu.

Riêng đối với Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, Giám đốc Sở Y tế khẳng định đã hoàn thành các thủ tục mua sắm thiết bị, sinh phẩm phục vụ cho lấy máu.

Trong tuần tới, ngành y tế sẽ tiến hành lấy khoảng 2.000 đơn vị máu tại thành phố, và khoảng 10.000 đơn vị máu ở các tỉnh khu vực ĐBSCL trong tháng 12.

Thông tin về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, ông Hoàng Quốc Cường cho biết, sẽ phối hợp cùng Sở Tài chính tham mưu UBND sớm ban hành sửa đổi về việc phân cấp phân quyền mua sắm đầu thầu, việc giải quyết điểm nghẽn này là giải pháp căn cơ cho việc thực hiện mua sắm đầu thầu y tế trong những năm tiếp theo.

Liên quan đến trách nhiệm trong việc chậm trễ trong mua sắm đấu thầu, Sở sẽ lập đoàn thanh tra với công tác mua sắm đấu thầu và sau khi có kết luận sẽ báo cáo UBND thành phố.

Ông Phạm Văn Hiểu - Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ cho rằng, sự chậm trễ của ngành y tế có yếu tố khách quan do thực hiện quy định mới, nhưng có phần chủ quan trong thực hiện đấu thầu, mua sắm. Đến giờ này, dù đã nỗ lực khắc phục, đảm bảo thuốc, vật tư y tế… nhưng lãnh đạo HĐND thành phố đề nghị ngành y tế thực hiện tổ chức kiểm điểm, sự chậm trễ phải được kiểm điểm làm rõ để rút kinh nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ