Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, năm học 2023-2024 là năm thứ 2 TPHCM sử dụng cách tính điểm hệ số 1 đối với cả 3 môn thi (Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ) tại Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập.
Theo đó, TPHCM có gần 114.000 học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2022-2023. Trong đó, có hơn 18.000 học sinh không đăng ký tham dự Kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Qua thống kê, toàn thành phố có hơn 96.000 học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 được phân bổ cho các trường THPT căn cứ theo tình hình cơ sở vật chất của các trường.
Trong đó, Sở GD&ĐT TPHCM đã chỉ đạo các trường ở khu vực có áp lực dân số cao như Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, quận 12,... thu hẹp phòng chức năng, giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày để tăng phòng học cho học sinh, nâng cao số lượng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 hàng năm.
Năm học 2023-2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập tăng hơn so với năm học trước dựa vào khả năng tiếp nhận thực tế của các trường THPT, đảm bảo tỷ lệ 70% học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 công lập
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ chỉ đạo tất cả các trường tư thục, Trung tâm giáo dục thường xuyên nếu có nguyện vọng thay đổi phải tạo điều kiện cho các em rút hồ sơ.
Thống kê đến 17 giờ ngày 1/8, đã có hơn 72.000 học sinh nộp hồ sơ nhập học. Như vậy, đến nay còn khoảng 3.891 em học sinh không nộp hồ sơ vào các trường THPT đã trúng tuyển. Do đó, Sở GD&ĐT TPHCM đã xin chủ trương UBND TP để tuyển chỉ tiêu bổ sung.
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, thời gian đăng ký xét tuyển bổ sung từ 7 giờ 30 ngày 4/8 đến 17 giờ ngày 8/8, các trường THPT cử người trực cả thứ 7, chủ nhật để tạo thuận lợi cho phụ huynh và học sinh nộp hồ sơ.
Khi đến nộp hồ sơ, người học nộp bản chính kết quả thi tuyển sinh lớp 10 do trường THCS cấp, mỗi học sinh chỉ có 1 bản nên chỉ đăng ký xét tuyển bổ sung vào 1 trường THPT công lập.
Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023. |
Trường hợp nhiều học sinh cùng có điểm thi bằng nhau, ban chỉ đạo tuyển sinh của các trường THPT công lập cân nhắc mức điểm xét tuyển, dựa trên điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường để cân đối số lượng tuyển sinh sao cho thuận lợi tổ chức dạy học.
Hiệu trưởng trường THPT là chủ tịch hội đồng tuyển sinh và sẽ chịu trách nhiệm về kết quả xét tuyển bổ sung của các trường THPT công lập.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, hiện nay các trường ngoài công lập cũng như các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên chưa học chính thức. Mới chỉ nhận hồ sơ học sinh và dạy những môn tự chọn. Bởi Bộ GD&ĐT mới vừa ban hành khung kế hoạch năm học vào hôm qua (2/8).
“Do đó, đối với vấn đề các thí sinh lo ngại, Sở GD&ĐT sẽ có chỉ đạo đối với các trường ngoài công lập, Trung tâm giáo dục thường xuyên tạo mọi điều kiện để các em rút hồ sơ nếu có nhu cầu thay đổi.
Còn nếu sau khi xét bổ sung không đậu, các em muốn quay lại học tại các trường này, Sở GD&ĐT không có can thiệp vì nó phụ thuộc vào nhu cầu tuyển sinh của các trường”, ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Trước đó, tại Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2021-2022, tỷ lệ nộp hồ sơ nhập học là 92,5%. Năm học 2022-2023, tỷ lệ này là 92,9% và năm nay 93,5%. Như vậy, năm nào cũng xảy ra tình trạng học sinh không nộp hồ sơ sau khi trúng tuyển.
Sau lần xét tuyển bổ sung này, ngành giáo dục sẽ tính toán lại, có phương án tuyển sinh phù hợp để những năm kế tiếp kết thúc tuyển sinh trong tháng 7, tạo điều kiện cho các trường chủ động sắp xếp, bố trí lớp học cho năm học mới từ đầu tháng 8. Ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các trường ngoài công lập tạo điều kiện nếu phụ huynh có nhu cầu rút hồ sơ.