Giám đốc sở GD&ĐT thành lập ban coi thi, chấm thi

Giám đốc sở GD&ĐT thành lập ban coi thi, chấm thi

Trường ĐH không tham gia coi thi, chấm thi...

Dự thảo Quy chế ghi rõ: Thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; Làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả để tuyển sinh.

UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương; Thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh; Duyệt phương án, kế hoạch và kinh phí tổ chức kỳ thi do sở GD&ĐT trình; Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho sở GD&ĐT, thanh tra tỉnh, công an tỉnh và các sở ban, ngành có liên quan của tỉnh, UBND cấp huyện/thị về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn về kỳ thi do Bộ GD&ĐT ban hành.

Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là chỉ đạo tổ chức kỳ thi; thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia; Chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế thi; Xây dựng đề thi phục vụ kỳ thi hằng năm.

Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Quy chế là giao giám đốc sở GD&ĐT ra quyết định thành lập hội đồng thi và các ban của hội đồng thi từ in sao, vận chuyển đề thi, coi thi đến các ban làm phách, chấm thi bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm… Lực lượng giảng viên từ trường ĐH không tham gia công tác coi thi, chấm thi...

Giám đốc sở GD&ĐT thành lập ban coi thi, chấm thi ảnh 1
Thí sinh Hà Nội trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Hữu Cường

Phản ánh trung thực kết quả học tập của học sinh

Đáp ứng mục đích, yêu cầu đặt ra của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết: Trước hết, Sở GD&ĐT tập trung chỉ đạo các trường dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh nghiêm túc, hiệu quả chương trình chính khóa. Tổ chức ôn tập phù hợp với định hướng đổi mới kỳ thi của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho công tác tổ chức kỳ thi, sở sẽ làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền để nhân dân, phụ huynh, học sinh hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của kỳ thi; Quán triệt, tập huấn để giáo viên, học sinh lớp 12 nắm vững và thực hiện đúng quy chế thi. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện, thị, thành phố chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và nhân lực để kỳ thi diễn ra thuận lợi, an toàn.

“Phú Thọ sẽ bảo đảm đầy đủ các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT và kỳ thi sẽ được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Kết quả kỳ thi sẽ phản ánh trung thực kết quả học tập của học sinh, là dữ liệu tin cậy để các trường ĐH có thể căn cứ để tuyển sinh.

Quy chế thi tốt nghiệp THPT quy định về thi tốt nghiệp THPT, bao gồm: Quy định chung; chuẩn bị tổ chức thi; đối tượng, điều kiện dự thi, tổ chức đăng ký dự thi, trách nhiệm của thí sinh; công tác đề thi; coi thi; chấm thi; phúc khảo và chấm thẩm định; xét công nhận tốt nghiệp THPT và cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông; chế độ báo cáo và lưu trữ; công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý các sự cố bất thường và xử lý vi phạm; tổ chức thực hiện.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ