Nhức nhối
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, vấn nạn tín dụng đen rất nan giải, hoạt động này ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn, hình thức mới. Trong năm 2018, lực lượng chức năng đã khởi tố 31 vụ, 88 bị can có liên quan đến hoạt động tín dụng trái pháp luật; kiểm tra, lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính 97 cơ sở cầm đồ và công ty dịch vụ tài chính, phạt trên 100 triệu đồng. Đặc biệt, thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hoá đã triệt phá băng tín dụng đen Nam Long lớn nhất nước với mức tín dụng trên 500 tỉ đồng.
Cũng theo tướng Trung, tín dụng đen có diễn biến phức tạp và đang nóng lên. Các băng nhóm cho vay tín dụng đen với lãi xuất rất cao, khi người vay không trả được nợ, bọn chúng uy hiếp, khủng bố, đánh đập, bắt giữ người trái phép luật.
Ngoài ra, còn có hình thức cho vay dưới dạng cầm đồ. Riêng địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có 786 cơ sở cầm đồ. Ở huyện Hậu Lộc có một công ty đòi nợ thuê tên là Hưng Thịnh Phát, hoạt động với khẩu hiệu “Đã nợ là phải đòi, đã đòi là phải trả”.
Các băng nhóm tín dụng đen thường cho vay không cần thế chấp, lập hồ sơ mua bán tài sản, viết giấy nhận tiền xin việc… nhưng thực chất là hoạt động tín dụng đen với lãi xuất cao. Khi người vay đến cầm cố tài sản, các đối tượng lập hai hợp đồng: Thứ nhất có nội dung cầm cố tài sản với lãi xuất 8%/tháng giao cho chủ tài sản và hợp đồng thứ hai có nội dung thuê lại tài sản có lãi xuất 7% hoặc lớn hơn tổng hai hợp đồng là 15%.
Khi hết thời hạn vay, nếu muốn vay nữa thì phải làm giấy chốt nợ cũ do đó số tiền phải trả cứ thế tăng lên rất nhanh. Khi người vay không trả được nợ, các cơ sở cho vay trái pháp luật dùng những đối tượng có tiền án, tiền sự, thanh thiếu niên hư hỏng để đòi nợ bằng nhiều cách như đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, ném chất bẩn vào nhà... Từ đây, cũng nảy sinh các loại tội phạm khác như cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật.
Tín dụng đen được bảo kê?
Nhiều đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa đã đặt câu hỏi: Dịch vụ trá hình, tín dụng đen hoạt động nở rộ có nhiều nguyên nhân, trách nhiệm của ngành công an ở đâu? Xử lý, phòng chống tín dụng đen như thế nào? Có hay không việc bảo kê tín dụng đen?
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, có nhiều nguyên nhân từ các hoạt động kinh tế, xã hội dẫn đến tín dụng đen, nhưng cũng có nguyên nhân do sự lỏng lẻo của quy chế, chính sách. “Dư luận về việc bảo kê cho tín dụng đen là có. Nhưng để chứng minh việc này là khó khăn. Nhưng tôi hứa sẽ xiết chặt kỷ cương, nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ nào trong ngành tham gia bảo kê cho tín dụng đen, thì kiên quyết xử lý theo đúng quy định...”.
Ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, tín dụng đen đang ngày càng trở nên nóng bỏng. Về việc này, Thủ tướng đã giao Bộ Công an điều tra, truy tố, trấn áp tội phạm tín dụng đen. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều gia đình vướng vào tín dụng đen, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cử tri tỉnh Thanh Hóa đặt vấn cần được chất vấn Giám đốc Công an tỉnh để có lời giải thống nhất, khắc phục, ổn định tình hình. Ông Trịnh Văn Chiến đề nghị các cơ quan đồng cấp tiếp tục điều tra khởi tố các vụ án, xử lý nghiêm trước pháp luật đối với loại tội phạm này.
“Riêng đối với việc có bảo kê cho tín dụng đen hay, nếu phát hiện được ở đâu, thì nhất định phải xử lý nghiêm đến đó theo quy định của pháp luật. Tôi kêu gọi cử tri trong toàn tỉnh nếu có phát hiện bảo kê thì báo cáo lại cho cơ quan chức năng để tiến hành xử lý” - ông Chiến nói.
Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến cũng đề nghị và giao trách nhiệm cho một lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo ngành công an để xử lý vấn đề tín dụng đen; Giao cho Sở KH-ĐT tỉnh Thanh Hóa rà lại toàn bộ vấn đề cấp phép cho công ty tài chính, trong trường hợp có vấn đề pháp lý thì phải xử lý ngay, đồng thời cân nhắc cấp phép mới cho công ty tài chính nếu không đủ điều kiện...