Giám đốc Công an Đà Nẵng thông tin về tội phạm lừa đảo qua mạng

GD&TĐ - Thiếu tướng Vũ Xuân Viên – Giám đốc Công an Đà Nẵng cho rằng, công an cảnh báo rất nhiều về tình trạng lừa đảo qua mạng nhưng người dân vẫn bị lừa.

Công an khởi tố một đối tượng về hành vi "Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác".
Công an khởi tố một đối tượng về hành vi "Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác".

Ngày 14/7, tại ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng đã bắt đầu trả lời chất vấn các vấn đề nóng về tình trạng lừa đảo qua mạng, tín dụng đen, ma túy, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật… trên địa bàn thành phố.

Với tình trạng thanh thiếu niên tụ tập gây gổ, đánh nhau, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho biết, đây là biểu hiện rộ lên vài năm gần đây trên cả nước, cách hành xử na ná nhau.

Số lượng người được huy động rất nhanh, ở Đà Nẵng cao nhất có vụ tới 50 người, hung khí sử dụng từ mã tấu, 3 chĩa, dao phóng lợn, bom xăng…

Thống kê cho thấy, tại Đà Nẵng xảy ra 27 lần các băng nhóm nhỏ tụ tập gây gổ, trong đó lực lượng 911 đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời 14 vụ. Trong số 13 vụ xảy ra, có 2 vụ nổi bật tại Sơn Trà và đường Đỗ Quang, quận Thanh Khê, công an TP đều truy nóng, xử lý triệt để. Đối tượng trên 18 tuổi đều bị bắt giam.

Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2022, Công an thành phố đã nhận được 16 tin báo khủng bố đòi nợ. Qua xác minh, cơ quan công an đã khởi tố 2 vụ, bắt 2 đối tượng về các tội sử dụng mạng viễn thông tổ chức lừa đảo, sử dụng tài khoản thông tin cá nhân trái phép trên không gian mạng.

Trong 16 vụ việc khủng bố đòi nợ, khi công an xác minh, hầu như các đối tượng sử dụng sim rác nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn.

“Các đối tượng lừa đảo hầu hết là người ngoại tỉnh. Cách đây 2 ngày bắt 6 đối tượng là người Hà Nội vào Đà Nẵng mở tài khoản ngân hàng bằng căn cước công dân giả, cũng nằm trong chuỗi các đối tượng lừa đảo qua mạng”, Thiếu tướng Viên nói.

Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng cho biết thêm, có nhiều vụ khi điều tra thì sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, kể cả ngân hàng, nhà mạng cũng có vấn đề, gần như hỗ trợ cho công an không kịp thời.

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên dẫn chứng: Có nhiều vụ phát hiện đối tượng lừa đảo người dân, tiền vẫn còn trong tài khoản của một ngân hàng, nhưng liên hệ thì các ngân hàng phối hợp rất chậm. Sau đó khoảng nửa tiếng thì các đối tượng chuyển qua khoản 30 ngân hàng khác, ngân hàng cuối cùng là các đối tượng rút tiền hoặc tiền đã chuyển ra nước ngoài.

“Nếu có sự phối hợp nhanh, nhịp nhàng thì sẽ phong tỏa được, rất nhiều trường hợp không phong tỏa kịp, không giữ được tiền”, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho biết.

Lãnh đạo Công an TP. Đà Nẵng đánh giá, hiện nay việc thông tin cá nhân bị lộ, dùng để mở tài khoản ở ngân hàng hết sức lỏng lẻo.

Theo đó, 6 đối tượng vừa bị Công an Đà Nẵng bắt cũng đi làm thuê, mở tài khoản cho các tổ chức tội phạm. Sau khi mở xong thì giao cho các tổ chức tội phạm sử dụng.

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho biết thêm, Công an thành phố cảnh báo rất nhiều về tình trạng lừa đảo qua mạng nhưng người dân vẫn bị lừa. Giải pháp đưa ra là 2 ngày đăng báo 1 lần, cảnh báo các phương thức thủ đoạn lừa đảo qua mạng để người dân biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ