Giám định ADN trả lại tên cho liệt sĩ

Giám định ADN trả lại tên cho liệt sĩ

Thách thức với mẫu xương lâu năm, thoái hóa

Trung tâm giám định ADN – Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là nơi duy nhất hiện nay có công nghệ giám định ADN hài cốt liệt sĩ hiện đại, với thời gian nhanh chóng. PGS TS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, cho biết, các cán bộ nghiên cứu, nhà khoa học đã nỗ lực để hoàn thành kết quả thực hiện nhiệm vụ định danh liệt sĩ. 

Ngoài giám định theo quy trình thường quy, bước đầu các nhà khoa học đã áp dụng kỹ thuật giải trình tự gene cho phép một lần chạy máy đạt 62 mẫu. Cán bộ của trung tâm đã làm chủ toàn bộ hệ thống thiết bị và hoàn thiện công nghệ.

Trung tâm đã xây dựng, tối ưu hóa quy trình tách chiết ADN từ các mẫu xương. Trong đó có các quy trình tách chiết ADN từ xương lâu năm bằng phương pháp hữu cơ. Tách chiết ADN từ xương lâu năm bằng hệ máy tự động EZ1 – Advantage. Tách chiết ADN từ xương lâu năm bằng phương pháp tủa Isopropanol. 

Hiện các nhà khoa học của trung tâm bước đầu thử nghiệm xây dựng quy trình giám định mới trên hệ máy giải trình tự thế hệ mới với mục đích tăng độ chính xác với những mẫu xương lâu năm và mẫu xương thoái hóa.

Hài cốt khi khai quật thu mẫu đã qua quá trình lưu giữ trong điều kiện tự nhiên nóng ẩm nhiều năm, hầu hết đã mục nát. Bởi vậy, sau một thời gian thử nghiệm, các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ sinh học quyết định mẫu răng là thích hợp. Vì liệt sĩ thường hy sinh lúc trẻ tuổi, răng còn tốt, nhất là răng nanh, hầu như còn nguyên vẹn sau vài chục năm chôn cất. 

Các phần còn lại chỉ dùng được trong điều kiện hài cốt còn tương đối mới. Đến nay có những mẫu răng của liệt sĩ hy sinh từ những năm 1940, tức là qua 70 năm chôn cất vẫn dùng để giám định được.

Bên cạnh đó, do ADN trong nhân tế bào hầu như đã bị phân hủy theo thời gian, các nhà nghiên cứu cũng xác định, tách chiết ADN ty thể đối với tế bào xương. Răng là cách duy nhất cho phép giám định gene hài cốt lâu năm của người Việt Nam, vì ADN ty thể mạch vòng, có hàng trăm bản trong mỗi tế bào và khá bền vững với thời gian. 

Các nhà nghiên cứu đã có những cải tiến kỹ thuật để bảo đảm sự ổn định của ADN ty thể được tách chiết phục vụ nhân dòng và phân tích trình tự.

Sẽ định danh cho hơn 4.000 liệt sĩ

Từ tháng 7/2019 đến nay, trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với Cục Người có công – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để tiếp tục lấy mẫu giám định hài cốt liệt sĩ tại một số nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước (Vị Xuyên, Sông Mã, Việt Lào…) và đã thu thêm 389 mẫu.

Từ tháng 8/2019 đến tháng 7/2020, trung tâm tiến hành 2870 lượt phân tích mẫu hài cốt liệt sĩ và 180 lượt phân tích mẫu thân nhân. Kết quả thu được 669 trường hợp cho ra dữ liệu ADN có chất lượng tốt có thể được dùng cho so sánh đối khớp. 

Tối ưu hóa quy trình giám định trên các hệ máy sẵn có của trung tâm, tăng công suất tách chiết và phân tích từ 60 mẫu/tháng lên 96 mẫu/tuần. Xây dựng 4 cơ sở dữ liệu các dân tộc Kinh, Mông, Ê Đê, Tu Dí nhằm phục vụ cho công tác giám định và tăng độ chính xác cho các kết quả giám định.

Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng các quy trình đã tối ưu để định danh cho hơn 4.000 liệt sĩ, phần nào đáp ứng yêu cầu của nhân dân và kỳ vọng của Chính phủ.

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công cho biết, giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ là một phương pháp khoa học và mang lại kết quả cao. Việc Trung tâm Giám định ADN phối hợp với Cục Người có công trong việc giám định ADN hài cốt liệt sĩ thời gian qua đã góp phần trả lại rất nhiều danh tính liệt sĩ. 

Đã giải mã được nhiều hệ gen của hài cốt liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ để lưu trữ vào ngân hàng ADN. Trung tâm cần đẩy nhanh hơn nữa việc tiến hành giám định ADN hài cốt liệt sĩ. Vì càng để lâu chất lượng các mẫu hài cốt liệt sĩ càng suy giảm cũng như thân nhân của liệt sĩ tuổi già, sức yếu.

NCS.ThS Hoàng Hà, Viện Công nghệ sinh học cho biết, mẫu răng và mẫu xương ống còn nhiều ADN nhất nên khả năng giám định cao nhất. Tuy vậy cũng rất nhiều mẫu không còn do thời gian mất đã quá lâu, an táng ở những nơi có vùng ngập nước, hài cốt bị phân hủy nhanh.

Ở những vùng núi cao, đặc biệt là có khí hậu lạnh thì chất lượng hài cốt dùng để giám định ADN có chất lượng cao hơn. Tuy vậy, khi khai quật về phòng thí nghiệm, có những mẫu thực địa mà cán bộ phải rửa mất một tuần mới xong để đưa vào phân tích.

Ông Nguyễn Xuân Tế (Thái Thụy – Thái Bình) năm nay đã 82 tuổi cho biết, anh trai ông là liệt sĩ Nguyễn Văn Đới hy sinh tháng 2/1955 ở Thanh Hóa. Ông phải mất đến 3 lần đem mẫu xương đi xét nghiệm ADN mới cho kết quả. 

Năm 2006 ông đi tìm mộ, bia mộ ghi rõ liệt sĩ Nguyễn Văn Đới nhưng không ghi quê quán địa chỉ nên ông phải chứng minh được là thân nhân của liệt sĩ. Sau 2 lần khai quật mộ, lấy mẫu răng, xương đi giám định mà không được, đến lần thứ 3 ông phải nhờ các cán bộ có chuyên môn đi cùng lấy mẫu.

"Tôi mất 23 lần đi Hà Nội, 19 lần đi Thanh Hóa, nhiều năm đi hết nơi này đến nơi cuối cùng mới tìm đúng địa chỉ và đưa được hài cốt anh tôi về", ông Nguyễn Xuân Tế cho hay.

Mặc dù đã đạt được những thành công bước đầu, công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong suốt quá trình hoạt động giám định, Viện Công nghệ sinh học nhận thấy chất lượng và số lượng ADN của các mẫu hài cốt tỷ lệ nghịch với thời gian do xương bị phân hủy rất mạnh, kèm theo là việc nhiễm vi sinh vật và các chất ức chế.

Phần lớn các mẫu hài cốt tính tới thời điểm hiện tại đều có độ tuổi từ 40 đến 100 năm. Như vậy, các đơn vị giám định đang gặp phải một thách thức vô cùng lớn từ bước đầu tiên của công việc giám định, đó là thu nhận được ADN đạt yêu cầu cho các công nghệ phân tích hiện có.

Không có bất kỳ một bộ hóa chất và quy trình nào trên thị trường phù hợp với các mẫu hài cốt liệt sĩ Việt Nam do các mẫu có đặc điểm, tính chất và chất lượng khác biệt. Điều này đòi hỏi Trung tâm Giám định ADN luôn phải tối ưu và phát triển bộ các quy trình khác nhau sao cho phù hợp với các loại mẫu khác nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.