Giảm áp lực

GD&TĐ - Ngành Giáo dục Vĩnh Long và Đồng Tháp sẽ không tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Thay vào đó thực hiện xét tuyển dựa trên học lực, hạnh kiểm 4 năm THCS, nhằm giảm áp lực cho học sinh.

Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tổ chức thi tuyển như các năm trước, nhưng năm nay có thêm cả hình thức xét tuyển trong trường hợp số lượng thí sinh đăng ký dự thi (số liệu sau khi thí sinh đã điều chỉnh nguyện vọng lần 2) ít hơn chỉ tiêu tuyển sinh được giao.

Xu hướng mở rộng xét tuyển được thực hiện ở các địa phương có số trường THPT đáp ứng chỗ học và chất lượng dạy học, kiểm tra, đánh giá cấp THCS tương đối đồng đều. “Phương thức xét tuyển vẫn đảm bảo được chất lượng, nhưng giảm chi phí cho ngành Giáo dục và xã hội. Một thí sinh đi thi phải ôn tập, phụ huynh lo đủ thứ, chứ đâu chỉ hội đồng tuyển sinh làm việc”, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.

Ở các tỉnh/thành dân số cơ học tăng nhanh, số chỗ học công lập hạn chế, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vẫn tiếp tục được tổ chức, hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Tuy vậy, để giảm áp lực cho học sinh, các địa phương đã giảm số môn thi hoặc thay đổi hình thức đăng ký, tăng cường truyền thông, hỗ trợ. Mới đây, UBND TP Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT về phương án thi ba môn tuyển sinh lớp 10 là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ.

Với môn Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn để dự thi. Các năm trước (trừ năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19), Hà Nội áp dụng phương án thi bốn môn gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và môn thứ tư (lựa chọn ngẫu nhiên vào tháng 3 hàng năm trong số các môn học còn lại).

Tại TPHCM, năm học này, tất cả thí sinh đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 theo hình thức trực tuyến. Trước khi đăng ký, thí sinh và phụ huynh được Sở GD&ĐT cung cấp thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10, hình thức dạy học, mức học phí… của từng trường THPT trên địa bàn. Ngoài ra, khi đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 trực tuyến, bản đồ GIS (Geographic Information Systems) sẽ giúp cho thí sinh biết được khoảng cách từ nhà đến trường THPT mà mình sẽ đăng ký nguyện vọng.

Tuyển sinh vào lớp 10 là sự kiện đặc biệt quan trọng với học sinh và phụ huynh. Ở nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, kỳ thi tuyển sinh 10 còn áp lực hơn cả thi vào đại học, do chỉ tiêu vào công lập hạn chế. Làm thế nào để giảm áp lực của kỳ thi mà vẫn giữ được mục tiêu là đánh giá công bằng, khách quan, toàn diện, đảm bảo chất lượng giáo dục ở bậc học THPT và góp phần phân luồng học sinh sau bậc học THCS… là bài toán không dễ giải.

Chuyển động tuyển sinh lớp 10 năm nay cho thấy rõ xu hướng nỗ lực giảm áp lực cho học sinh của các tỉnh/thành. Tuy nhiên, sĩ tử có thực sự giảm được áp lực hay không, còn phụ thuộc vào cả nguyên nhân chủ quan. Thực tế cho thấy, kỳ vọng của cha mẹ đã và đang khiến nhiều em oằn mình trước kỳ thi. Lịch học thêm dày đặc, bữa ăn vội trên xe, những đôi mắt thiếu ngủ của tuổi 15 để lại nhiều ám ảnh. Trong khi đó, sau THCS, nếu không đậu vào các trường THPT công lập, học sinh còn có thể xét tuyển vào trường tư thục, hoặc vừa học hệ giáo dục thường xuyên vừa học nghề hệ 3 năm…

Sự nỗ lực trong công tác tổ chức của ngành Giáo dục, chính quyền địa phương, đồng hành của phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong giảm áp lực tuyển sinh 10, nhưng quan trọng nhất vẫn là tăng chỗ học khối công lập, rút ngắn khoảng cách về điều kiện, chất lượng giáo dục giữa các trường, có chính sách hỗ trợ trường tư giảm học phí… Giải quyết được những việc này thì tuyển sinh vào lớp 10, dù là thi hay xét tuyển, cũng sẽ giảm áp lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ