Giảm áp lực nhưng không giảm chất lượng tuyển sinh lớp 10

GD&TĐ - Sau khi lắng nghe ý kiến phụ huynh, HS, các thầy cô giáo cùng nhiều chuyên gia, Hà Nội đã quyết định tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 với 3 môn.

Học sinh vui mừng trước thông tin chỉ thi 3 môn vào lớp 10 THPT.
Học sinh vui mừng trước thông tin chỉ thi 3 môn vào lớp 10 THPT.

Thông tin này nhận được sự đồng tình của đông đảo phụ huynh, học sinh.

Giải tỏa áp lực

Ngay từ đầu năm lớp 9, để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 THPT, em Nguyễn Đức Minh học sinh Trường THCS Mễ Trì đã phải thiết lập cho mình một lịch học dày đặc: 6 buổi học tại trường, 9 ca học thêm, 3 ca học với gia sư tại nhà, rồi tự học đến nửa đêm mỗi ngày. Điều này khiến Minh cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi.

Nếu phải thi thêm môn thứ 4, lịch học của Minh sẽ tiếp tục dày thêm với các buổi học tăng cường. Do đó, khi biết tin sẽ chỉ thi 3 môn là Toán, Văn, Ngoại ngữ, Minh không giấu nổi niềm vui. “Không phải thi môn thứ 4, em sẽ dành thời gian còn lại để ôn thi tập trung 3 môn và giảm áp lực học đi rất nhiều...”, Minh nói.

Chị Nguyễn Thị Hiền, mẹ Minh cho biết: Nhiều tháng qua, khi chứng kiến lịch học dày đặc của con, bố mẹ rất thương. Trong suốt 3 năm, con phải học trực tuyến kéo dài nên kiến thức bị thiếu hụt nhiều. Nếu phải thi môn thứ 4 thì chắc chắn con sẽ tăng áp lực. Do vậy, thông tin thành phố quyết định bỏ môn thi thứ 4, cả gia đình đều vui.

Ủng hộ quyết định của UBND TP Hà Nội, thầy giáo Nguyễn Viết Tiến - Trường THCS Xuân Sơn (TX Sơn Tây) bày tỏ: Hầu hết giáo viên và học sinh trong trường đều ủng hộ phương án thi 3 môn vào lớp 10. Việc giảm bớt số môn thi giúp học sinh giải tỏa áp lực bởi đây là lứa học sinh phải trải qua 3 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cô Phạm Thị Hương Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình) chia sẻ: Quyết định của thành phố đã mang tới niềm vui hân hoan cho các bậc phụ huynh, học sinh và cả đội ngũ giáo viên. Những ngày tháng ôn tập còn lại của các thầy trò cuối cấp sẽ bớt áp lực hơn nhiều.

Cô Hoàng Thị Thu Trinh - Hiệu trưởng Trường THCS Yên Nghĩa (quận Hà Đông) cho biết: Hầu hết giáo viên nhà trường đều ủng hộ quyết định thi 3 môn vào lớp 10. Khi phải thi thêm 1 môn lớp 10 thì sẽ thêm áp lực chứ không đánh giá việc học đều hay học lệch. Tại TP HCM và một số tỉnh, thành khác, việc thi tuyển lớp 10 chỉ tổ chức 3 môn vẫn đảm bảo chất lượng trong nhiều năm qua.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Bảo đảm chất lượng giáo dục

Tuy nhiên theo một số thầy cô, việc bỏ môn thi thứ 4 cũng có tính 2 mặt. Nếu biết sẽ chỉ thi 3 môn là Toán, Văn, Anh học sinh sẽ chỉ chuyên tâm học các môn đó mà lơ là chểnh mảng, thậm chí không học các môn khác. Điều này khiến một bộ phận học sinh hổng kiến thức, thiếu hiểu biết về lịch sử, địa lý hay sinh học, hóa học.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, Trường THPT Vạn Xuân (huyện Hoài Đức) bày tỏ: Quan điểm của tôi nên giữ thi 4 môn vào lớp 10 để đảm bảo chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn tuyển cho các trường THPT. Khi lên bậc học THPT, dù là chương trình GDPT mới hay chương trình cũ thì vẫn cần có kiến thức nền tảng.

Cô Hoàng Thị Ngọc Anh, Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Nam Từ Liêm) nhận định, áp lực đến từ việc chỉ có một tỉ lệ học sinh được vào trường công chứ không phải là thi nhiều hay ít môn. Đối với học sinh dù thi 3 hay 4 môn thì vẫn áp lực như vậy. Quan trọng việc các em phải biết phân bố thời gian, có kế hoạch học tập hợp lý.

Theo thầy Đinh Đức Hiền - Trung tâm giáo dục Học mãi, nhận định: Áp lực kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội diễn ra nhiều năm nay bởi tính cạnh tranh cao, số chỉ tiêu ít, không đáp ứng được tất cả học sinh đều có thể học trường công. Cha mẹ luôn đặt mục tiêu cho con phải đỗ trường công nên gây áp lực lớn cho các em.

Việc thi môn thứ 4 không ảnh hưởng nhiều đến kết quả của kỳ thi bởi Toán, Văn thường được nhân hệ số 2. Thực tế những năm thi 4 môn thì môn thứ 4 lại là môn học sinh đạt được điểm cao nhất vì đề thi nhẹ nhàng. Việc học sinh biết trước sẽ chỉ thi 3 môn chắc chắn các môn học khác không được chú ý, sẽ hổng kiến thức các cấp học trên.

Thầy Hiền đề xuất thời gian tới vẫn giữ phương án thi 4 môn để đảm bảo chất lượng học tập của học sinh nhưng cần thay đổi. Ví như, môn thi thứ 4 không phải môn thi nào đó cụ thể, nên là một phần thi với kiến thức tổng hợp các môn học nhằm đánh giá năng lực học sinh một cách toàn diện, theo đúng định hướng Chương trình GDPT mới.

Không ảnh hưởng đến quá trình ôn tập

Trước khi UBND TP Hà Nội quyết định số môn thi, tại các trường THCS trên địa bàn thành phố, không khí ôn tập cho học sinh lớp 9 diễn ra nghiêm túc, bài bản, đúng tiến độ với kế hoạch đặt ra từ đầu năm học. Việc thi 3 môn hay 4 môn vào lớp 10 không ảnh hưởng đến quá trình học tập và ôn luyện.

Cô Ngô Thị Diệp Lan - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) cho biết, nhà trường không chờ công bố môn thi mới ôn tập cho học sinh mà việc học, ôn tập được triển khai theo kế hoạch giáo dục xây dựng trước đó. Các thầy cô giáo và học sinh luôn sẵn sàng tâm thế đón nhận môn thi thứ 4. Khi thành phố quyết định chỉ thi 3 môn, học sinh cùng thầy cô sẽ rất chủ động triển khai các hình thức ôn tập.

Thời gian tới, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 9 và thi thử theo từng giai đoạn để các em biết sức học của mình. Cùng đó, các thầy cô bộ môn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, thông báo cho phụ huynh về tình hình học tập của con em để phối hợp quản lý, thúc đẩy học sinh ôn tập hiệu quả.

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) cho biết: Ngay từ đầu năm học, trường đã thực hiện phân công chuyên môn các thầy cô giáo có kinh nghiệm, trình độ vững vàng dạy các lớp 9. Với các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, các thầy cô giáo đồng thời thực hiện “dạy mới, ôn cũ” theo các dạng bài thi vào lớp 10.

Hàng tháng, nhà trường đều có các bài kiểm tra khảo sát. Qua đó, thầy cô có biện giúp học sinh hoàn thiện kiến thức, kỹ năng làm bài thi. Việc thành phố quyết định thi 3 môn sẽ càng tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh. Mặc dù còn nhiều ý kiến ủng hộ việc thi môn thứ 4 nhưng xét tổng thể bối cảnh chung, cộng lý do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như đòi hỏi của Chương trình GDPT mới, việc thi 3 môn là phù hợp.

Theo cô Giang, lứa học sinh năm 2008 chịu thiệt thòi không kém các anh chị 2007 khi trải qua 3 năm liên tiếp chịu ảnh hưởng Covid-19. Thời gian học tập trực tuyến kéo dài vào đúng thời gian xảy ra những biến chuyển tâm sinh lý tuổi dậy thì, tâm lý của nhiều học trò bị ảnh hưởng đáng kể khiến thầy cô và cha mẹ thực sự lo lắng trước áp lực của kì thi vào 10 vốn rất cam go phía trước. Với tư cách nhà quản lý, cô hoàn toàn đồng tình với quyết định này và hi vọng nó sẽ trở thành động lực tâm lý giúp học sinh tích cực, tập trung hơn trong ôn tập, đạt được tốt nhất nguyện vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.

Khối ngành khoa học xã hội và nhân văn Đại học Duy Tân