Giải tỏa áp lực nghề nghiệp: Góc nhìn từ nhà giáo

GD&TĐ - Tìm kiếm với từ khóa “Áp lực giáo viên” cho ra hơn 58 triệu kết quả. Áp lực mà xã hội, học sinh, phụ huynh, hệ thống quản lý, kinh tế.... tác động tới GV đang bào mòn những đam mê của nghiệp “trồng người”.

Cô Trần Thị Minh Ngọc - GV Trường THPT Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).
Cô Trần Thị Minh Ngọc - GV Trường THPT Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).

Và chìa khóa để giải tỏa áp lực ấy bắt nguồn từ nhiều phía, trong đó có tình yêu nghề, yêu trò của mỗi người thầy…

Không gây áp lực

Một ngày đến trường của cô Nguyễn Thị Khánh - GV chủ nhiệm lớp 1G Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ (Hà Nội) bắt đầu từ 7 giờ sáng và thường kết thúc vào 7 - 8 giờ tối. Ngỡ tưởng với khoảng thời gian làm việc trong ngày nhiều như vậy sẽ gây áp lực lớn với một GV dạy HS vừa chuyển từ mầm non lên, xong với cô Khánh, lại là bình thường. Gia đình ổn định, con cái trưởng thành nên cô có thể dành thời gian toàn tâm, toàn ý với học trò, đồng hành cùng các con tiến bộ mỗi ngày…

Cô Khánh chia sẻ: Năm học nào cũng vậy, thời gian đầu luôn là khó khăn nhất với cô và trò. Tuy nhiên, năm học này, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều HS vào lớp 1 khi chưa có thời gian làm quen với cô, với lớp nên khó khăn nhìn thấy rõ nét hơn. 

Tuy nhiên, cô Khánh cho rằng: Nếu chỉ nhìn vào những khó khăn trước mắt và phản ánh của dư luận về SGK mới, bản thân GV khó tránh khỏi áp lực, hoang mang trong công việc. GV áp lực sẽ khiến phụ huynh HS và các con bị áp lực theo. Chất lượng dạy và học sẽ không đạt hiệu quả và mục tiêu như mong muốn. Vì vậy, mỗi GV tự tìm ra “chìa khóa” giải tỏa áp lực, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ của ban giám hiệu (BGH) nhà trường. GV tiếp cận cái mới trên nền tảng kiến thức sẵn có để điều chỉnh phương pháp, kế hoạch dạy học một cách phù hợp thì hiệu quả dạy học sẽ không khó để đạt được.

Với Chương trình SGK lớp 1 mới, bằng kinh nghiệm và sự sát sao từng HS trong lớp, cô Nguyễn Thị Khánh chủ động xây dựng kế hoạch dạy học một cách phù hợp, linh hoạt điều chỉnh nội dung sao cho gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với HS. Cô chú trọng vào những nội dung cơ bản mà không bị máy móc, bó buộc bảo đảm đủ chương trình, bài học trong SGK, với mục tiêu HS dần biết nhận biết chữ, số, biết nhớ âm, ghép vần và tính toán đơn giản. Điều quan trọng là HS không sợ học, các con vừa học kiến thức, vừa được tham gia các hoạt động trải nghiệm và bảo đảm điều kiện ăn, ngủ bán trú tốt nhất. 

Với đánh giá tổng thể mức độ cần đạt khi kết thúc chương trình không cao hơn so với chương trình cũ, tuy nhiên tiến độ chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 mới đòi hỏi nhanh hơn, yêu cầu cao hơn, cô giáo Khánh không tạo áp lực cho HS, không phê bình mà chú trọng động viên, khuyến khích kịp thời tạo động lực và hứng thú học tập cho trẻ. Tùy theo khả năng tiếp nhận của HS trong lớp, cô chủ động tăng giảm thời lượng ở phần âm, vần để rèn thêm kỹ năng đọc, viết cho các em một cách hợp lý. Theo cô Khánh, nếu thầy cô quá lo chạy theo chất lượng mà không linh hoạt theo thực tế thì áp lực sẽ dồn lên HS và phụ huynh.

Điều quan trọng là GV không chạy theo thành tích, bảo đảm kết quả cuối năm, HS biết đọc, biết viết, có thói quen trình bày, phản biện, trao đổi, làm việc nhóm, độc lập tự chủ và yêu thích việc học... Cô và trò thoải mái, không áp lực và hạnh phúc khi đến lớp. Đây sẽ là tiền đề quan trọng cho các “chặng” tiếp theo của việc học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhận diện để tháo gỡ

Giải tỏa “áp lực nghề nghiệp” để có được niềm vui trong mỗi giờ giảng, mang hạnh phúc đến với học trò đang là điều mà mỗi nhà giáo hướng đến để bồi đắp tình yêu nghề cũng như hoàn thành sứ mệnh của người “chèo đò” tri thức…

Cô Nguyễn Hiền Lương, Trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình (Hà Nội) nhìn nhận: Trước hết, áp lực đến từ nội dung kiến thức, chương trình. Nhìn chung nội dung chương trình giáo dục hiện nay còn nặng về lý thuyết, chưa gắn nhiều với thực tiễn xã hội do đó tính ứng dụng chưa cao. Mặc dù GV trong vài năm gần đây đã rất tích cực đổi mới phương pháp dạy học để nhằm giảm bớt áp lực cho HS, nhưng có lẽ vẫn chưa đáp ứng được sự kì vọng của xã hội. 

Theo cô Nguyễn Hiền Lương, không ít phụ huynh có tâm lý giao khoán việc dạy con cho GV và nhà trường. Họ quá bận rộn nên không có thời gian quan tâm, giáo dục con cùng nhà trường, do đó mọi trách nhiệm đổ hết lên đầu GV. Câu nói mà nhiều giáo viên được nghe quen thuộc là “Trăm sự nhờ cô”… Bên cạnh đó, có phụ huynh lại lo lắng thái quá cho con mình. Nên GV chỉ sai sót một chút là có khả năng bị phụ huynh HS “thưa kiện” hoặc chia sẻ thông tin chưa chính xác trên các trang mạng xã hội. Người ta nói GV bây giờ là một nghề “nguy hiểm” quả không sai.

Xã hội cũng đang tạo ra những áp lực lên vai GV. Với sự phát triển của truyền thông - mạng xã hội, các tồn tại của ngành Giáo dục dù là nhỏ nhất cũng được đưa lên với những tiêu đề giật gân. Do đó, thời gian qua, xã hội đang nhìn vào những tồn tại của ngành Giáo dục, làm hình ảnh của GV dần xấu đi trong mắt mọi người…. 

Cô Hiền Lương cũng nhấn mạnh đến áp lực đến từ chính bản thân mỗi GV. Thầy cô luôn muốn làm tròn các vai xã hội của mình. Ai cũng mong muốn HS phải yêu thích bộ môn của mình, phải học đều các môn, ngoan ngoãn lễ phép...

Theo đó, mọi áp lực dồn tất cả lên vai GV. Khiến cho nhiều lúc chính người trong cuộc cảm thấy chán nản, mệt mỏi; đam mê, nhiệt huyết với nghề giảm sút. Thậm chí có GV còn định bỏ nghề. Rồi GV đã dồn tất cả những áp lực ấy lên đôi vai bé nhỏ của học trò lúc nào không hay. Hậu quả, GV sẽ thường xuyên cáu giận, quát nạt, thậm chí trừng phạt khi HS không làm đúng yêu cầu, quy định của nhà trường. Và như vậy, với HS mỗi ngày đến trường không còn là một ngày vui. Lớp học không còn là lớp học hạnh phúc.

Hạnh phúc vì sự trưởng thành của trò

Cô Trần Thị Minh Ngọc - GV Trường THPT Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng: Nhìn ở một góc độ tích cực, tự đặt áp lực cho bản thân có tác dụng thúc đẩy mỗi cá nhân phát triển theo định hướng mà mình mong muốn. Tuy nhiên, nhìn theo góc ngược lại, áp lực tự thân phần nào đó, biến GV thành con người khác, thậm chí đôi lúc vượt qua cả ranh giới đạo đức gây ra những vụ việc đau lòng. Một số thầy cô giáo trong các vụ việc đưa ra lí do biện minh cho hành vi của mình là do áp lực thành tích của nhà trường. Nhà trường nào cũng có các quy chế thi đua gắn liền với thành tích. Tuy nhiên, nếu người thầy không đặt nặng thành tích một cách hình thức mà coi trọng việc giáo dục, sự việc này khó xảy ra. 

Nếu chỉ nhìn vào những khó khăn trước mắt và phản ánh của dư luận về SGK mới, bản thân GV khó tránh khỏi áp lực, hoang mang trong công việc. GV áp lực sẽ khiến phụ huynh HS và các con bị áp lực theo. Cô Nguyễn Thị Khánh

Chia sẻ về cách thoát khỏi áp lực, cô Minh Ngọc nhấn mạnh: Cần nhìn nhận một cách khách quan, áp lực thành tích trong giáo dục từ đâu mà có, phải chăng từ chính mỗi GV. Trường này ganh đua thành tích với trường khác, GV này ganh đua với GV khác. Nếu mỗi GV, đề cao chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động giáo dục, dành tâm huyết và đam mê cho hoạt động giáo dục mà không vì thành tích, chắc chắn mọi áp lực sẽ rời xa và hoa thơm trái ngọt mà chúng ta tạo ra là “những đứa trẻ sẽ thành nhân...” - sản phẩm trung tâm và quan trọng nhất của nghề giáo, cao quý hơn mọi thành tích mà mỗi cá nhân đạt được trong quá trình dạy học. 

Theo cô Minh Ngọc, khi bản thân GV triệt tiêu được áp lực thành tích, chất lượng mỗi giờ dạy nâng lên và chất lượng các cuộc thi GV dạy giỏi cũng sẽ được khẳng định. Cô Minh Ngọc phân tích: Các GV đi thi GV dạy giỏi đều căng thẳng và áp lực mặc dù BGH luôn động viên, tạo điều kiện và không hề đặt áp lực về thành tích. Có GV mất cả tháng trời chuẩn bị giáo án, dạy thử rất nhiều lần và đến ngày gần thi thì mất ngủ, sụt cân, thậm chí cứ mỗi lần thi là đau dạ dày... và chỉ mong kỳ thi qua mau. 

Cô Ngọc trăn trở: “Câu hỏi đặt ra là tại sao GV căng thẳng và áp lực đến mức tự gây tổn thương thân thể khi không bị áp chỉ tiêu thành tích, không bị ép buộc đi thi mà tự mình quyết định thi hay không thi. Nếu các thầy cô coi trọng mỗi tiết dạy, soạn bài, tìm phương pháp tối ưu cho bài giảng thường xuyên để đến khi thi chúng ta chỉ cần tập trung, tìm hiểu HS kỹ hơn để cải thiện kỹ thuật và phương pháp phù hợp chắc chắn không bị căng thẳng.

Nếu GV hạ cái tôi của mình xuống, không lấy thể diện cá nhân, nhà trường gánh trên đôi vai của mình mà mang tư tưởng cầu thị, coi cuộc thi là dịp để học hỏi, trao đổi, thử sức của bản thân mình, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm hay sáng kiến giải pháp sư phạm…, GV sẽ có tâm thế thanh thản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều”…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nga có nhiều cách để trả đũa phương Tây nếu bị tịch thu tài sản.

Đòn đáp trả Mỹ tịch thu tài sản?

GD&TĐ - Biện pháp đáp trả của Nga có thể không so sánh bằng với việc tịch thu tài sản mà phương Tây áp đặt nhưng vẫn có thể gây ra nỗi đau.