(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay do nhu cầu về giáo viên giảng dạy trình độ THPT cả trường công lập và ngoài công lập vẫn còn, nên hầu hết sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH sư phạm đều xin được việc làm trong khoảng 1 năm sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là sinh viên các ngành khoa học tự nhiên.
Sinh viên trường ĐH sư phạm Huế |
Tuy nhiên, đối với sinh viên các trường cao đẳng sư phạm, do việc tính toán nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương chưa được quan tâm thỏa đáng, “cung” đang nhiều hơn “cầu” nên nhiều sinh viên tốt nghiệp cao đẳng chưa tìm được việc làm.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của việc này, theo Bộ GD&ĐT là do công tác tư vấn hướng nghiệp, việc làm trong hệ thống các trường sư phạm chưa được quan tâm, đẩy mạnh.
Theo Quyết định số 68/2008/QĐ-BGD ĐT ngày 9/12/2008 của Bộ GD&ĐT, tất cả các trường đều phải thành lập 1 trung tâm, bộ phận công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và phải có ít nhất 1 cán bộ chuyên trách làm việc này.
Tuy nhiên, sau gần một năm triển khai Quyết định, theo báo cáo của các trường, hầu hết các trường sư phạm chưa thành lập và chưa có cán bộ chuyên trách công việc này. Việc tư vấn việc làm chỉ được thực hiện thông qua hoạt động của Phòng Công tác HSSV, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và mới chỉ dừng lại ở việc liên hệ với một số Sở GD&ĐT để giới thiệu sinh viên thực tập, nắm bắt nhu cầu để tư vấn cho sinh viên.
Để làm tốt công tác hướng nghiệp, việc làm cho HSSV, theo Bộ GD&ĐT, các nhà trường phải có sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí, thành lập, kiện toàn về tổ chức; đồng thời bố trí cán bộ có năng lực, nhiệt tình, quy định chức năng nhiệm vụ cụ thể cho bộ phận chuyên trách làm công tác hướng nghiệp, việc làm.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề việc làm cho sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp, Nhà nước (Bộ GD&ĐT; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cần có đánh giá, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trong toàn ngành giáo dục theo từng năm và từng giai đoạn để định hướng, phân bổ chỉ tiêu cho các trường ĐHSP. UBND các tỉnh, thành phố cần thành lập Trung tâm sự báo, phân tích nhu cầu nhân lực của địa phương để định hướng cho việc đào tạo của các trường sư phạm trực thuộc tỉnh.
Kết quả khảo sát của Dự án Giáo dục đại học về việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp vào năm 2001 và năm 2005 cho thấy: Tùy theo ngành, khối ngành được đào tạo, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp (tính trong vòng 3 tháng sau khi tốt nghiệp) chiếm khoảng từ 45% đến 62%. Tính trong khoảng thời gian 2 năm sau khi tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm dao động từ 90% đến 100%. Trong đó, một số ngành có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm chiếm tỷ cao như: khối ngành xây dựng – kiến trúc; kinh tế - quản trị kinh doanh; kỹ thuật-công nghệ,… Theo báo cáo của các nhà trường, hiện nay đã có 84 trường ĐH, CĐ thành lập trung tâm quan hệ doanh nghiệp, tư vấn việc làm độc lập trực thuộc hiệu trưởng và hơn 70 trường thành lập trung tâm, bộ phận hương nghiệp, tư vấn việc làm trực thuộc phòng công tác học sinh, sinh viên hoặc phòng đào tạo. Tuy nhiên, ở một số trường ĐH, CĐ và TCCN, công tác hướng nghiệp, quan hệ với đơn vị sử dụng lao động và tư vấn việc làm cho HSSV chưa được quan tâm thỏa đáng. |
Hiếu Nguyễn