Chỉnh lý, sắp xếp lại thứ tự nhiều điều, khoản của Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh

GD&TĐ - Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý và sắp xếp lại thứ tự nhiều điều, khoản để đảm bảo tính hợp lý của các quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.

Hoàn thiện, bổ sung quy định

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về bố cục của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát các quy định của dự thảo Luật. Đồng thời, hoàn thiện, bổ sung các quy định liên quan đến tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh. Từ đó, làm căn cứ để thiết kế 1 mục riêng về ”các điều kiện bảo đảm về tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh” tại Chương X về Các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý và sắp xếp lại thứ tự nhiều điều, khoản để đảm bảo tính hợp lý của các quy định.

Về Hội đồng Y khoa quốc gia (Điều 25), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn về mô hình, tổ chức, địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, Hội đồng Y khoa quốc gia nên do Bộ Y tế thành lập.

Các đại biểu dự kỳ họp bất thường lần 2, Quốc hội khóa XV.
Các đại biểu dự kỳ họp bất thường lần 2, Quốc hội khóa XV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để chủ trì thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề. Do vậy, để thận trọng và thuận tiện cho Chính phủ trong quá trình điều hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Cơ quan soạn thảo việc ghi nhận hình thức tổ chức này trong dự thảo Luật theo hướng quy định Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức do Thủ tướng thành lập với các nhiệm vụ cụ thể. Giao Thủ tướng quy định tổ chức và hoạt động như thể hiện tại Điều 25.

Để phát huy vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ sở có chức năng đào tạo, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật quy định Hội đồng Y khoa quốc gia chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh.

Thời hạn của giấy phép hành nghề

Về thời hạn của giấy phép hành nghề (Điều 27), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo dự thảo Luật, cứ 5 năm 1 lần, người hành nghề thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép hành nghề chỉ phải cung cấp thông tin chứng minh về sức khỏe, cập nhật kiến thức y khoa liên tục (có nhiều hình thức cập nhật kiến thức khác nhau).

Dự thảo Luật cũng quy định việc gia hạn có thể được thực hiện trực tuyến (chủ yếu sẽ là gia hạn trực tuyến khi ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số). Tuy nhiên, còn một số ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của một số hiệp hội chưa thống nhất với việc quy định thời hạn của giấy phép hành nghề. Một số ý kiến cho rằng, khi người hành nghề có hành vi vi phạm và không thực hiện cập nhật kiến thức y khoa liên tục, cơ quan nhà nước sẽ thực hiện thu hồi, như vậy là cũng có thời hạn. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, việc quy định thời hạn giấy phép hành nghề là bước ”thụt lùi”. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận và cho ý kiến thêm về thời hạn của giấy phép hành nghề.

Kỳ họp bất thường lần 2, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp bất thường lần 2, Quốc hội khóa XV.

Về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (Điều 104), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý cụ thể hơn. Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân được chia thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật với các chức năng, nhiệm vụ theo nguyên tắc tổ chức của các cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh. Từ đó, bảo đảm tính liên tục, liên thông trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh như thể hiện tại Điều 104 của dự thảo Luật.

Theo đó, (i) cấp ban đầu sẽ bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có điều trị nội trú (phòng khám, trạm y tế xã); (ii) cấp cơ bản sẽ bao gồm các bệnh viện huyện, trung tâm y tế huyện, bệnh xá, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tư nhân; (iii) cấp chuyên sâu sẽ bao gồm các bệnh viện tuyến cuối.

Về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh (Điều 67), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt trong điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc quy định về mức hưởng của bảo hiểm y tế không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Hơn nữa, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa làm rõ sản phẩm dinh dưỡng điều trị là thuốc hay thực phẩm chức năng để có cơ chế quản lý phù hợp. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định trong dự thảo Luật sản phẩm dinh dưỡng điều trị cũng như việc bảo hiểm y tế chi trả cho việc sử dụng sản phẩm dinh dưỡng điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em.

Về nguồn ngân sách nhà nước cho công tác khám bệnh, chữa bệnh (Điều 107), có ý kiến đề nghị quy định trong dự thảo Luật “nguồn ngân sách nhà nước không cấp chi thường xuyên cho các bệnh viện tự chủ mà cần được dành để chi cho việc khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng cần phải chi trả thông qua cơ chế đặt hàng và ngân sách nhà nước”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội không quy định nội dung này tại dự thảo Luật.

Về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước (Điều 108), tiếp thu ý kiến đại biểu, Chính phủ đã có báo cáo rà soát và nêu cụ thể những vướng mắc, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến việc thực hiện cơ chế, chính sách về tự chủ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, trên cơ sở tham khảo quy định về tự chủ của các Luật có liên quan, để góp phần tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, dự thảo Luật đã bổ sung một điều về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước như thể hiện tại Điều 108 của dự thảo Luật.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 110), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này như thể hiện tại Điều 110 và quy định lộ trình trước ngày 01/01/2025 phải tính đủ các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm tính khả thi của quy định này.

Về thẩm quyền của Nhà nước (Bộ Y tế) trong định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, hiện có hai loại ý kiến khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội thảo luận và cho ý kiến thêm về nội dung này. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng báo cáo về lộ trình thực hiện một số quy định của dự thảo Luật, về quy trình, thủ tục hành chính quy định tại dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các điểm mới của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.