Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Bộ GD&ĐT tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu:
Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp (trong đó có triển khai chuẩn nghề nghiệp; tăng cường công tác bồi dưỡng cho đội ngũ; rà soát, đề xuất các giải pháp khắc phục những bất cập về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý…);
Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gắn với định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông. Đổi mới công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục.
Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD&ĐT.
Tăng cường hội nhập quốc tế trong GD - ĐT. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD - ĐT. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo sự thống nhất, đồng thuận để các bộ, ngành và toàn xã hội cùng vào cuộc với ngành Giáo dục trong đổi mới GD-ĐT.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch để tổng kết việc thực hiện các mục tiêu đổi mới toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2011 - 2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2045.
Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu Chính phủ những giải pháp nhằm phát triển nền giáo dục Việt Nam hiện đại và bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.