Tuy nhiên, hiện nay, nhiều giáo viên (GV) chưa ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học Lịch sử; chỉ nhắc đến di sản văn hóa trong những giờ học mà SGK có giới thiệu.
Nguyên nhân giáo viên ngại sử dụng di sản trong dạy học
Việc giáo viên ngại sử dụng di sản trong dạy học có nhiều nguyên nhân. Trong đó có thói quen sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống. Bên cạnh đó, sử dụng di sản trong dạy học khó, tốn nhiều thời gian, công sức chuẩn bị trong khi lượng kiến thức phải truyền đạt đồ sộ, quỹ thời gian dành cho bộ môn lại quá ít. Kinh phí cho việc sử dụng di sản trong dạy học cũng khó khăn.
Bên cạnh đó, khi vận dụng di sản văn hóa trong dạy học lịch sử, GV còn lúng túng ở một số thao tác như lựa chọn di sản văn hóa đưa vào nội dung giảng dạy lịch sử, lập kế hoạch làm việc với ban giám hiệu, tổ chuyên môn, cán bộ bảo tàng lịch sử, các nghệ nhân… để sưu tầm tài liệu, tranh ản hiện vật… của di sản có liên qua đến nội dung bài học, phục vụ việc thiết kế bài học, thiết kế nội dung bài học với di sản, tiến hành nội dung bài học trên lớp với di sản hoặc tại di sản, tổ chức hoạt động ngoại khóa trải nghiệm di sản…
Về phía học sinh: Học sinh (HS) hầu như không được giao nhiệm vụ về nhà chuẩn bị trước cho nội dung bài học liên quan đến di sản nên có phần bị động trong quá trình làm việc trên lớp. Mặt khác, nếu được giao nhiệm vụ trước thì HS cũng không chuẩn bị, hoặc chuẩn bị mang tính đối phó.
Trong thời gian học tập với di sản, chỉ có số ít HS làm việc thật sự (nhóm trưởng và HS khá, giỏi trong nhóm), còn lại HS không ý thức được sự cần thiết phải hợp tác để chiếm lĩnh tri thức nên nhiều khi các em biến hoạt động học tập với di sản thành cơ hội đi tán gẫu, rong chơi, lãng phí thời gian.
Câu trả lời của HS về những vấn đề trong bài học liên quan đến di sản thường lặp lại những vấn đề trong SGK, thiếu sức sáng tạo.
Với những chủ đề có nội dung phong phú, hấp dẫn HS dễ đi chệch hướng, tản mạn do theo đuổi ý tưởng riêng.
Một số học sinh coi Lịch sử là môn phụ, không chú trọng học nên không hào hứng tham gia các hoạt động ngoại khóa, nâng cao chất lượng học tập bộ môn.
Từ thực trạng trên, một vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để khuyến khích GV tổ chức sử dụng di sản trong dạy học Lịch sử hiệu quả, nâng cao chất lượng của dạy học, bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước, tự hào về truyền thống dân tộc, ý thức bảo vệ, gìn giữ và phát triển di sản góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học nói chung và môn Lịch sử nói riêng?
5 giải pháp dạy học di sản văn hóa trong bộ môn Lịch sử
Giải pháp 1: Cần xác định đúng nghĩa của di sản đối với hoạt động dạy học bộ môn Lịch sử trong nhà trường. Theo đó, sử dụng di sản trong dạy học giúp cho quá trình học tập của học sinh trở nên hấp dẫn hơn, học sinh hứng thú học tập và hiểu sâu sắc hơn về sự kiện lịch sử, phát triển tư duy độc lập sáng tạo, giáo dục tư tưởng, đạo dức học sinh.
Giải pháp 2: Xác định đúng và sưu tầm tư liệu những di sản thường được sử dụng trong dạy học Lịch sử. Mọi di sản đều có giá trị, tùy thuộc vào mục tiêu giáo dục mà chúng ta có thể nhận ra những giá trị khác nhau của di sản.
Di sản luôn ở xung quanh chúng ta. Di sản văn hóa vật thể thường gắn bó một cách chặt chẽ với di sản vật thể và di sản thiên nhiên. Di sản văn hóa phi vật thể cũng luôn gắn bó chặt chẽ với con người và không gian văn hóa liên quan.
Những người nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể thường là những nghệ nhân, người lớn tuổi, người làm nghề chuyên nghiệp, truyền thống, cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lí di sản… Họ có thể trở thành cộng tác viên đắc lực của nhà trường trong việc sử dụng di sản văn hóa vào dạy học lịch sử.
Giải pháp 3: Đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về sử dụng di sản trong dạy học. Cụ thể là cần đảm bảo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu giáo dục di sản; xác định nội dung và thực hiện các bước chuẩn bị chu đáo; phát huy tính tích cực, chủ động của HS, tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm; kết hợp đa dạng các hình thức tổ chức thực hiện.
Giải pháp 4: Sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học truyền thống kết hợp với các phương pháp, phương tiện dạy học hiện đại theo tinh thần đổi mới phù hợp với đặc trưng bộ môn như: Phương pháp trình bày miệng: phương pháp sử dụng đồ dùng trực quan; phương pháp dạy học nêu vấn đề; phương pháp dạy học theo dự án; sử dụng CNTT trong dạy học.
Giải pháp 5: Kiểm tra, đánh giá việc sử dụng di sản trong dạy học. Cần lưu ý đánh giá HS thêm qua sự hiểu biết đối với di sản theo mục tiêu đã xác định và đánh giá các kĩ năng học tập của HS với di sản qua việc hoàn thành nhiệm vụ của HS do GV giao hoặc theo sự phân công trong nhóm.
Khi được giao một nhiệm vụ học tập cụ thể, kết quả hoàn thành nhiệm vụ phải được HS thể hiện qua việc trình bày miệng trên giấy hoặc trình bày một sản phẩm, một báo cáo, trả lời một câu hỏi… Quan sát việc thực hiện nhiệm vụ học tập của HS cùng những sản phẩm cụ thể ta có thể nhận biết mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các em và nhận biết thái độ của HS trước các hoạt động với di sản.
Trong câu hỏi của bài kiểm tra định kì, thường xuyên GV nên thiết kế một câu hỏi có nội dung liên quan đến di sản mà HS đã được tiếp cận. Ví dụ: Nêu ý nghĩa, nhận xét, bình luận về di sản, những hiểu biết về di sản liên quan đến nội dung bài học….