Giải pháp quan trọng để giáo dục toàn diện cho học sinh

Giải pháp quan trọng để giáo dục toàn diện cho học sinh

(GD&TĐ) -Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" (THTT-HSTC) đã được phát động và triển khai trong toàn ngành 2 năm qua. Phong trào thi đua đã tạo nên diện mạo mới trong các trường học, góp phần gắn bó thầy, trò trong học tập, rèn luyện, trau dồi kỹ năng sống và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương đã thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ có hiệu quả trong việc triển khai thực hiện phong trào.

Để tăng cường nhận thức về phong trào và triển khai đúng định hướng, chúng tôi xin lược dẫn một số ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - người khởi xướng và phát động phong trào có ý nghĩa này cách đây 2 năm, khi còn kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và HS Trường Phổ thông Nguyễn Tất Thành HN.
Phó Thủ tướng CP Nguyễn Thiện Nhân và HS Trường Phổ thông Nguyễn Tất Thành HN.

I-Những nhận thức chung

Xây dựng THTT-HSTC chính là sự cụ thể hóa của yêu cầu "dạy tốt, học tốt" trong hoàn cảnh hiện nay. Dạy tốt không chỉ là hoạt động của các cá nhân giáo viên, mà còn là hoạt động của tập thể thầy cô, là sự tham gia của gia đình, đoàn thể vào quá trình sư phạm, là việc thiết kế các hoạt động để các em tham gia trong và ngoài nhà trường, tạo môi trường thân thiện cho các em. Dạy tốt không chỉ là nói cho các em nghe, chỉ cho các em làm, mà còn là tạo điều kiện để các em tự tìm hiểu, tự khám phá, để các em nói, để các em tự đề xuất việc cần làm và tự làm. Dạy và học tốt không chỉ là dạy qua sách vở, mà còn qua thực hành, không chỉ hiểu biết mà còn làm, thực hành kỹ năng sống, tìm hiểu cuộc sống thực và cuộc sống quá khứ của dân tộc. Dạy tốt, học tốt không chỉ có thầy cô là người dạy, mà chính các em, qua các hoạt động tích cực trong học tập, hoạt động tập thể, hoạt động xã hội mà tự giúp nhau trưởng thành, tự rèn luyện. Các em học sinh không chỉ là đối tượng cần được giáo dục mà thông qua hoạt động tích cực của các em, các em chính là những người nuôi dưỡng và phổ biến văn hóa dân tộc, truyền thống cách mạng của đất nước. Các em cũng là chủ thể của quá trình giáo dục xã hội.

THTT-HSTC chính là dạy học có chất lượng. Thầy cô phát huy tính chủ động, sáng tạo để đổi mới phương pháp dạy-học trong điều kiện hội nhập quốc tế; học sinh tích cực, chủ động trong học tập, vui chơi, chăm sóc các di tích lịch sử văn hóa và tham gia các hoạt động xã hội; tăng cường giáo dục và thực hành kỹ năng sống. Năm nội dung xây dựng THTT-HSTC chính là sự cụ thể hóa yêu cầu dạy tốt - học tốt trong giai đoạn hiện nay.

Làm thế nào để đánh giá các trường trong phong trào thi đua Xây dựng THTT-HSTC? Thực ra, phần thưởng lớn nhất đối với các nhà trường, với các em học sinh khi thực hiện phong trào này là niềm vui đến trường của các em, là hiệu quả và chất lượng giáo dục, là sự trưởng thành về nhân cách của các em, là niềm vui của gia đình, là niềm tin của xã hội đối với nhà trường và ngành giáo dục. Sự đánh giá chính xác nhất đối với nhà trường khi tham gia phong trào thi đua Xây dựng THTT-HSTC chính là sự thừa nhận của học sinh nhà trường, của các thầy cô giáo trong trường về việc trường đã đạt được 5 nội dung ở mức nào, bằng cách nào. Như vậy, việc đánh giá kết quả phong trào thi đua ở mỗi trường cần đối chiếu với tình hình của trường trước khi triển khai phong trào thi đua, hoặc trước mỗi đầu năm học, đối chiếu với 5 nội dung của phong trào, nhà trường đã chọn mức phấn đấu cho từng năm học thế nào theo tinh thần: mỗi năm học tạo sự chuyển biến, tiến bộ thực sự ở một số nội dung, phát huy tối đa khả năng của nhà trường và xã hội, nhưng không chạy theo "bệnh thành tích". Trường nào có điều kiện xuất phát khó khăn, nhưng đạt được tiến bộ cụ thể, có cách làm hiệu quả, sáng tạo, đã tự nâng mình lên qua mỗi năm học đều xứng đáng được đánh giá cao và khen thưởng. Có thể nói đơn giản, việc đánh giá phong trào thi đua ở mỗi cơ sở theo tiêu chí 5+1, tức là 5 nội dung của phong trào thi đua, cộng với cách làm thế nào để thực hiện 5 nội dung đó (tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả).

Việc đánh giá kết quả phong trào thi đua của một trường theo tiêu chí 5+1 nên làm ở 2 hình thức:

*Tự tập thể học sinh, giáo viên và trường phân tích, đánh giá, sau đó nhà trường tổng hợp và công bố.

*Cấp trên và các tổ chức ngoài nhà trường đánh giá: Trên cơ sở hoạt động thực tế của nhà trường, báo cáo của hiệu trưởng, ý kiến đánh giá của giáo viên, học sinh, Phòng và Sở GD-ĐT phối hợp với ngành Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Đoàn TNCS HCM, các đoàn thể và chính quyền địa phương đánh giá và đề nghị các cấp khen thưởng.

Việc đánh giá và khen thưởng cần được tiến hành hàng năm, có sơ kết vào cuối học kỳ 1.

II-Hai nội dung trọng tâm cần lưu ý

1-Đổi mới phương pháp dạy học

*Về định hướng chỉ đạo

Phải tạo động lực đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) cho giáo viên, hoạt động đổi mới PPDH chỉ có thể thành công khi giáo viên có động lực hành động và chuyển hóa được từ ý chí trở thành tình cảm và tinh thần trách nhiệm đối với học sinh, đối với nghề dạy học. Phải có sự hướng dẫn của các cấp quản lý giáo dục về phương hướng và những việc cần làm để đổi mới PPDH. Hướng dẫn về đổi mới PPDH phải thông suốt từ các cơ quan thuộc Bộ GD-ĐT đến các Sở, Phòng GD-ĐT, cán bộ quản lý các trường học và từng giáo viên, không để giáo viên phải đơn độc trong việc đổi mới PPDH. Hoạt động đổi mới PPDH phải có sự hỗ trợ thường xuyên của đồng nghiệp thông qua dự giờ thăm lớp và cùng rút kinh nghiệm. Trong quá trình chỉ đạo đổi mới PPDH, cần nghiên cứu để tổ chức hợp lý việc lấy ý kiến của học sinh về PPDH của thầy cô giáo với tinh thần xây dựng. Quá trình thực hiện đổi mới PPDH phải là quá trình hoạt động tự giác của bản thân giáo viên và phù hợp với yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục. Cần tổ chức phong trào thi đua và có chính sách khen thưởng nhằm động viên kịp thời đối với các đơn vị, cá nhân tích cực và đạt hiệu quả trong hoạt động đổi mới PPDH ở các trường, tổ chức nhân rộng các điển hình tập thể, cá nhân tiên tiến trong phong trào đổi mới PPDH.

*Về trách nhiệm của giáo viên và các cơ quan quản lý giáo dục:

Để đổi mới PPDH, mỗi giáo viên phải thực hiện tốt các yêu cầu sau đây:

-Nắm vững nguyên tắc đổi mới PPDH, cách thức hướng dẫn học sinh lựa chọn phương pháp học tập, coi trọng tự học và biết xây dựng các tài liệu chuyên môn phục vụ đổi mới PPDH.

 -Biết những giáo viên dạy giỏi có PPDH tiên tiến ở địa phương và giáo viên giỏi cùng môn để học hỏi kinh nghiệm ở trong trường và trường bạn.

-Nắm chắc điều kiện của trường để có thể khai thác giúp bản thân đổi mới PPDH. Biết và tranh thủ được những ai có thể giúp đỡ mình trong việc đổi mới PPDH.

-Biết cách tiếp nhận những thông tin phản hồi từ sự đánh giá nhận xét của học sinh về PPDH của mình; kiên trì phát huy mặt tốt, khắc phục mặt yếu, tự tin, không tự ti hoặc chủ quan thỏa mãn.

-Hướng dẫn học sinh về phương pháp học tập và biết cách tự học, tiếp nhận kiến thức và rèn luyện kỹ năng, tự đánh giá kết quả học tập.

Các tổ chuyên môn phải hình thành giáo viên cốt cán về đổi mới PPDH. Thường xuyên tổ chức dự giờ thăm lớp và nghiêm túc rút kinh nghiệm, tổ chức sinh hoạt chuyên môn với nội dung phong phú, thiết thực, động viên tinh thần cầu thị trong tự bồi dưỡng của giáo viên, giáo dục ý thức khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp. Đánh giá đung đắn và đề xuất khen thưởng những giáo viên tích cực đổi mới PPDH và thực hiện đổi mới PPDH có hiệu quả.

Hiệu trưởng phải phấn đấu làm người đi tiên phong về đổi mới PPDH. Kiên trì tổ chức hướng dẫn giáo viên thực hiện đổi mới PPDH. Chăm lo các điều kiện, phương tiện phục vụ giáo viên đổi mới PPDH. Tổ chức hợp lý việc lấy ý kiến của giáo viên và học sinh về chất lượng giảng dạy, giáo dục của từng giáo viên trong trường. Đánh giá sát đúng trình độ, năng lực và sự phù hợp trong PPDH của từng giáo viên trong trường, từ đó kịp thời động viên khen thưởng những giáo viên thực hiện đổi mới PPDH mang lại hiệu quả. Thực tế đã chỉ rõ: Không thể và không nên đánh giá giáo viên một cách cảm tính. Cần đưa ra tiêu chí rõ ràng, dễ hiểu, dễ lượng hóa và quy trình đánh giá giáo viên sau mỗi năm học và công bố kết quả đánh giá.

Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT sẽ chịu trách nhiệm cụ thể hóa chủ trương chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về đổi mới PPDH cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và tổ chức tổng kết thực tiễn, tiếp tục phát triển lý luận về đổi mới PPDH. Tổ chức bồi dưỡng bằng mọi hình thức cho giáo viên về đổi mới PPDH, cung cấp những nguyên tắc đổi mới PPDH. Xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán của từng bộ môn và đội ngũ cộng tác viên thanh tra chuyên môn. Giới thiệu các điển hình, chăm sóc các điển hình, tổ chức trao đổi, phổ biến và phát huy tác dụng của các gương điển hình về đổi mới PPDH. Huy  động, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất của địa phương, của ngành để tạo điều kiện tốt nhất có thể nhằm hỗ trợ tích cực cho việc đổi mới PPDH.

Các cơ quan thuộc Bộ GD-ĐT chỉ đạo tốt phong trào thi đua, kịp thời động viên khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích, tổng kết để phổ biến kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến về đổi mới PPDH. Bố trí các nguồn nhân lực, tài chính để không ngừng xây dựng, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tạo những điều kiện then chốt cho giáo viên tiếp cận và áp dụng PPDH tiên tiến.

2-Giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống

Trước đòi hỏi "giáo dục phổ thông là giáo dục và hình thành nhân cách công dân tốt của nước Việt Nam" thì đây là một điểm hạn chế của các nhà trường chúng ta hiện nay. Qua 2 năm triển khai phong trào Xây dựng THTT-HSTC, hạn chế này đã được khắc phục bước đầu. Rất nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp đã tạo môi trường để giáo dục đạo đức lối sống cho các em, rèn luyện cho các em những kỹ năng sống cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm một số điểm sau đây:

-Môi trường giáo dục phải luôn gắn với GD đạo đức để trở thành công dân tốt. Cần phải tăng cường nguồn lực trong và ngoài nhà trường cho giáo dục đạo đức, hình thành các chuẩn đạo đức (định hướng giá trị sống). Cần khoa học hóa việc giáo dục đạo đức lối sống, xây dựng công nghệ giáo dục đạo đức, công dân để học sinh trở thành chủ thể các giá trị đạo đức và văn hóa, trong đó đặc biệt lưu ý ý thức xây dựng và phát huy giá trị của gia đình. Gia đình là cái nôi giáo dục đầu tiên của mỗi con người; môi trường giáo dục gia đình là rất quan trọng trong mối quan hệ phối hợp với nhà trường và xã hội. Gia đình là tế bào hạnh phúc suốt đời của mỗi con người. Giáo dục giá trị gia đình, văn hóa gia đình là rất cần thiết hiện nay, bên cạnh giáo dục lòng yêu nước và truyền thống văn hóa dân tộc.

Trong các kỹ năng sống của thời kỳ hội nhập toàn cầu, có hai kỹ năng không thể thiếu, đó là kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Bộ GD-ĐT cũng đã vào cuộc trong việc tăng cường giáo dục 2 kỹ năng quan trọng này, nhưng cần phải quyết liệt hơn nữa. 

Trong thời gian tới đây, phong trào thi đua "Xây dựng THTT-HSTC" sẽ có thêm nội dung mới và sẽ xuất hiện nhiều sáng kiến, nhiều kinh nghiệm hay từ các nhà trường. Từ năm học tới, cùng với 5 bộ, ngành sẽ có thêm sự phối hợp của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Vai trò của giáo viên chủ nhiệm, của gia đình cũng sẽ được phát huy tốt hơn. Với những kết quả tốt đẹp đầu tiên của phong trào thi đua, với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, sự nỗ lực gương mẫu của hơn 1 triệu thầy cô giáo và CBQLGD và sự cố gắng của hơn 16 triệu học sinh trong cả nước, phong trào thi đua chắc chắn sẽ phát huy tác dụng và mang đậm dấu ấn của từng địa phương, sẽ trở thành điểm hội tụ của toàn xã hội cho sự phát triển vững chắc của nhà trường, góp phần xây dựng các thế hệ học sinh giàu lòng yêu nước, hiếu nghĩa với gia đình, có ý chí và năng lực công dân vì tương lai tươi sáng của dân tộc, của mỗi gia đình và mỗi người Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ