Giải pháp quản lý chất thải và trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường

GD&TĐ - Cùng với thực thi những chính sách mới trong Luật bảo vệ môi trường, các đơn vị doanh nghiệp cần hướng tới các mô hình kinh tế: Xanh, tri thức, tuần hoàn… để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Đại diện Ban tổ chức diễn đàn trao đổi về giải pháp quản lý chất thải.
Đại diện Ban tổ chức diễn đàn trao đổi về giải pháp quản lý chất thải.

Đó là thông điệp của Diễn đàn Môi trường năm 2022 với chủ đề “Quản lý chất thải và trách nhiệm của doanh nghiệp” được Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều 2/6.

Diễn đàn nhằm hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (5/8/2002 - 5/8/2022).

Ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về dự.

Phát biểu tại sự kiện, TS. Đào Xuân Hưng - Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban tổ chức diễn đàn cho biết, hiện trên cả nước chỉ tính riêng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 – 70.000 tấn/ngày, trong đó, khu vực đô thị chiếm 60 %. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16 %/năm.

Theo TS. Đào Xuân Hưng, vấn đề xử lý rác thải, hiện nay có trên 70% sản lượng rác được xử lý bằng phương thức chôn lấp. Trong đó, chỉ có 15% rác thải chôn lấp hợp vệ sinh. Vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém, đặc biệt là công nghệ chôn lấp hiện nay vẫn chưa thu gom được khí mê tan – một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng khí nhà kính.

TS. Đào Xuân Hưng cũng nhấn mạnh, thách thức lớn nhất là giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm chế xuất, làng nghề… Cùng với đó là việc thúc đẩy phân loại, thu gom xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt tại nguồn. Qua đó mới giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải và khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên đất.

Quang cảnh diễn đàn Môi trường năm 2022
Quang cảnh diễn đàn Môi trường năm 2022 

Tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, để thực hiện hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt cần có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp.

“Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp, tăng cường thực thi pháp luật về quản lý chất thải.

Đồng thời, cần có các chính sách cụ thể ưu đãi cho các hoạt động xử lý chất thải để thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ chất thải.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và xử lý chất thải nói riêng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp…”, PGS.TS Thọ nhận định.

Tại diễn đàn môi trường năm 2022, đã nhận được nhiều tham luận và các ý kiến thảo luận của các diễn giả, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học từ Việt Nam, Nhật Bản, Phần Lan, WB tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời, đưa ra các giải pháp, khuyến nghị đối với quản lý chất thải phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Cũng tại diễn đàn, các doanh nghiệp môi trường và xử lý chất thải đã đưa ra những mô hình tiên tiến, giới thiệu các công nghệ hiện đại, các giải pháp trong xử lý, phân loại và tái chế chất thải rắn và rác thải sinh hoạt…

Được biết, thông điệp của Diễn đàn môi trường năm 2022 là kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp tích cực thực thi những chính sách mới trong Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và có những giải pháp phù hợp trong sản xuất kinh doanh bảo vệ môi trường sống an toàn, trong lành cho cộng đồng xã hội.

Đồng thời, hướng tới các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, để đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và môi trường sống của nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ