38 trường đại học trong cả nước đào tạo về lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đã cùng nhau bàn thảo về sự cần thiết của việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình đào tạo.
Hướng đi cần thiết
Ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, khẳng định việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình đào tạo khối ngành nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, việc lồng ghép vào các môn học cần phù hợp với năng lực, độ tuổi, giới tính và kiến thức khởi nghiệp của sinh viên, để chuẩn đầu ra chương trình đào tạo mà các trường triển khai sẽ trang bị cho sinh viên những nền tảng vững chắc khi ra trường.
Ngoài ra, tổ chức tập huấn cho giáo viên cũng vô cùng quan trọng. Trong lĩnh vực giáo dục, giáo viên phải được tập huấn bởi giảng viên hoặc chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp nhằm mang lại hiệu quả đào tạo tốt nhất.
“Kết quả khảo sát cho thấy, 37,5% các chương trình đào tạo ngành nông, lâm, ngư nghiệp hiện nay có môn học liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc hình thành năng lực và kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực đào tạo. Con số này tuy không nhiều nhưng khá thú vị vì cho thấy nhiều cơ sở đào tạo, tuy không đặt ra yêu cầu trong chuẩn đầu ra nhưng trong chương trình đào tạo lại có các môn học liên quan đến kiến thức, kỹ năng. Đây là nền tảng, cơ hội để các trường triển khai việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình đào tạo một cách đậm nét hơn”, đại diện Vụ Giáo dục Đại học nói.
Theo thống kê của Vụ Giáo dục Đại học, trong 28 cơ sở giáo dục đại học có 48 chương trình đào tạo các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, tuy nhiên không có nhiều đơn vị đưa kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp vào trong yêu cầu của chuẩn đầu ra. Cụ thể, 70,84% số chương trình đào tạo các ngành nông, lâm, ngư nghiệp hiện nay không có yêu cầu chuẩn đầu ra liên quan đến năng lực khởi nghiệp, lập nghiệp của sinh viên.
TS Đỗ Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nhìn nhận, nguồn nhân lực nông nghiệp hiện còn thiếu và yếu khi phần lớn là người cao tuổi, sản xuất cá thể và dựa vào kinh nghiệm là chính. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên của ngành nông, lâm, ngư đã qua đào tạo nghề là 4,6% (năm 2020). Đặc biệt, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tại Việt Nam là 50,7 triệu người nhưng chỉ có khoảng 29% đang tham gia làm việc trong ngành nông nghiệp.
“Từ những vấn đề mà công tác khởi nghiệp, lực lượng nhân lực mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt, việc xây dựng và định hình một khung chính sách khuyến khích học tập, khởi nghiệp; lồng ghép kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp qua các chương trình đào tạo sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành; thu hút và thay đổi cái nhìn của sinh viên về ngành nông nghiệp.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, các trường thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tuyển được 52.208 sinh viên bậc đại học, giảm 35% so với giai đoạn 2010 - 2015 (báo cáo của Bộ NN&PTNT, 2021). Do đó, xây dựng các chương trình đào tạo có lồng ghép kỹ năng khởi nghiệp sinh viên là nhu cầu lớn” – TS Xuân Hồng nhấn mạnh.
Ảnh minh họa/ INT |
Nỗ lực từ 2 phía
Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, ý nghĩa của lồng ghép kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình đào tạo là trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên ngay khi còn học tập, nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục đại học.
Vì vậy, việc xác định được vấn đề của giáo dục khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học có ngành nông – lâm - ngư nghiệp (một trong những ngành đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế nước ta), cũng như quan điểm của sinh viên, giáo viên và cán bộ quản lý đối với việc lồng ghép các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, lập nghiệp vào chương trình đào tạo cần được thực hiện cấp bách.
“Vấn đề lớn nhất mà các trường khối nông nghiệp đối mặt khi triển khai lồng ghép kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên vào trong từng chương trình đào tạo nằm ở không gian và môi trường khởi nghiệp. Nếu các trường chưa có chính sách khuyến khích, động viên và tạo bàn đạp để sinh viên phát huy tốt nhất những giá trị sáng tạo, ý tưởng của mình thông qua dự án cụ thể thì việc triển khai các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên cũng khó hiệu quả”, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng nói.
Nhìn nhận thực trạng khiến cho việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng vào chương trình đào tạo hiện nay, theo TS Cao Thị Làn, Trưởng khoa Nông Lâm, Trường ĐH Đà Lạt, do sinh viên vẫn thiếu các kỹ năng cần thiết cho khởi nghiệp. Đó là kỹ năng ủy quyền, đàm phán, lãnh đạo, quản lý nhân sự, hoạch định chiến lược ngắn hạn, dài hạn. Đặc biệt, thiếu hệ sinh thái khởi nghiệp, thủ tục rườm rà, chưa có hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho thị trường khởi nghiệp phát triển là rào cản lớn. Một số sinh viên ngành nông nghiệp có tinh thần khởi nghiệp nhưng lại chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực khác.
TS Nguyễn Quang Như Quỳnh, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, nhìn nhận, để triển khai hiệu quả thì ngoài đầu tư xây dựng nền tảng hạ tầng, vườn ươm khởi nghiệp làm bệ phóng cho sinh viên thì việc kết nối chuyên gia, tận dụng các nguồn lực sẵn có đóng vai trò quan trọng.
“Việc chắt chiu, tận dụng mọi cơ hội từ hệ sinh thái, nguồn lực tri thức sẵn có để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp, khởi nghiệp là vô cùng quan trọng. Vì trên nền tảng đó, các trường cùng doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp để xây dựng chương trình đào tạo gắn với giảng dạy, trau dồi nền tảng kỹ năng, kiến thức về khởi nghiệp cho sinh viên qua từng mô-đun, dự án cụ thể”, TS Quỳnh nói.
Để thúc đẩy lồng ghép kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các chương trình đào tạo, TS Cao Thị Làn cho rằng cần đưa khởi nghiệp là học phần bắt buộc hoặc tự chọn trong chương trình đào tạo. Song song đó là phối hợp giữa các giảng viên chuyên môn và giảng viên đến từ doanh nghiệp. Khi kết thúc học phần khởi nghiệp, các trường nên tổ chức những cuộc thi như: Dự án khởi nghiệp hoặc hiểu biết pháp lý khởi nghiệp hoặc cách xử lý vấn đề vướng mắc khi khởi nghiệp cho sinh viên.