Giải pháp nâng chất lượng toàn diện giáo dục mầm non vùng cao, khó khăn

GD&TĐ - Sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình – cộng đồng được xác định là giải pháp quan trọng để phát triển toàn diện giáo dục mầm non, nâng chất lượng phổ cập tại vùng khó khăn, dân tộc thiểu số… tại Nghệ An.

Cô trò Trường Mầm non Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An
Cô trò Trường Mầm non Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An

"Kiềng 3 chân" - phát triển trẻ toàn diện

Công tác phối hợp chăm sóc giáo dục trẻ mầm non chính là sự thống nhất tác động giáo dục của 3 môi trường bao gồm: Nhà trường, gia đình, xã hội và được xem như thể “kiềng 3 chân” tạo thế vững chắc hoạt động theo nguyên tắc đồng tâm cùng hướng đến một mục đích, một hướng đi và một tác động tổ hợp nhằm kích thích, thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách đứa trẻ toàn diện.

Mô hình “phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non” giai đoạn 2020 – 2025 được ngành giáo dục Nghệ An triển khai từ năm 2021 và trở thành phong trào rộng khắp tại các địa phương, cơ sở giáo dục.

Tại huyện Tương Dương, Phòng GD&ĐT đã ban hành kế hoạch với nội  dung phù hợp với đặc thù địa bàn vùng cao, dân tộc thiểu số. Đồng thời chọn Trường Mầm non Xá Lượng làm đơn vị triển khai thí điểm. Đây là xã có 8 thôn bản nằm rải rác dọc sông Nậm Nơn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 25%.

Trường Mầm non Xá Lượng có trẻ đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Trường Mầm non Xá Lượng có trẻ đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều năm qua, nhà trường đã quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông đến các bậc phụ huynh và cộng đồng về phát triển GDMN và bước đầu có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, lãnh đạo trường cho hay, thực tế vấn đề phối kết hợp giữa nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục, chăm sóc vẫn chưa tạo sự đồng nhất, chưa tạo được bước chuyển biến tích cực và chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Sự quan tâm của các bậc cha mẹ, các đoàn thể xã hội và cộng đồng đối với trẻ mầm non chưa đúng mức. Đặc biệt là phụ huynh trên địa bàn đa số hoàn cảnh khó khăn, chưa có điều kiện quan tâm đến trẻ, nhiều gia đình phó mặc việc chăm sóc, giáo dục con em cho nhà trường.

Phụ huynh hỗ trợ ngày công xây dựng cảnh quan nhà trường xanh sạch đẹp.
Phụ huynh hỗ trợ ngày công xây dựng cảnh quan nhà trường xanh sạch đẹp.

Công tác phối hợp kiểm tra, tư vấn, giám sát và đánh giá chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ tại trường mầm non vẫn chưa được phụ huynh và các đoàn thể xã hội, cộng đồng tham gia thực hiện (chiếm tới 60%), gần như “khoán trắng” cho nhà trường.

Về phía Trường Mầm non Xá Lượng cũng còn gặp khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học. Công tác tham mưu, thu hút sự quan tâm chia sẻ và tham gia hỗ trợ, giúp đỡ từ phụ huynh, chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội và cộng đồng chưa đồng bộ. Một số giáo viên còn chưa tốt trong kỹ năng tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, giáo dục, chăm sóc trẻ.

Thực hiện kế hoạch của Phòng GD&ĐT về phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội nhằm đảm bảo sự thống nhất trong giáo dục chăm sóc trẻ. Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; nhận thức của phụ huynh cũng như  trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, xã hội tích cực tham gia chăm sóc trẻ em phát triển toàn diện trong những năm đầu đời.

Củng cố, nâng chất lượng phổ cập

Cô Lê Hồng Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng cho hay, để nâng cao hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ toàn diện, nâng cao chất lượng phổ cập trẻ 5 tuổi, hướng đến phổ cập trẻ 3-4 tuổi, Trường Mầm non Xá Lượng đã triển khai nhiều hình thức, giải pháp hiệu quả. Trong đó, đầu tiên là tổ chức đa dạng mô hình bán trú phù hợp thực tiễn. Là trường học gồm 12 nhóm lớp và 33 trẻ, nhưng lại có tới 6 điểm trường đóng rải rác ở các thôn bản.

Để thực hiện có chất lượng công tác bán trú nhằm nâng cao sức khỏe và thể lực cho trẻ. Nhà trường đã tổ chức 2 hình thức mô hình bán trú. Theo đó, tổ chức bán trú cô nuôi ở điểm trường chính tại bản Cửa Rào với 114 cháu tham gia. Trong quá trình tổ chức, nhà trường thường xuyên mời Ban đại diện phụ huynh học sinh trường đến tham gia kiểm tra chất lượng bữa ăn của trẻ. Đóng góp ý kiến và tham mưu UBND xã Xá Lượng tổ chức kiểm tra công tác bán trú cho học sinh và hồ sơ sổ sách quản lý. 

Cô giáo giới thiệu các loại cây, con vật trong vườn trường cho trẻ.
Cô giáo giới thiệu các loại cây, con vật trong vườn trường cho trẻ.

Các điểm trường lẻ do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, kinh tế phụ huynh khó khăn nên trường triển khai mô hình bán trú dân nuôi. Hình thức tổ chức là cho trẻ tự mang cơm đến lớp. Hàng ngày cắt cử từ 1-2 phụ huynh đến lớp theo phiên tham gia đến trường giúp đỡ cô giáo nấu thêm canh trưa, vệ sinh lớp học, chăm sóc vườn rau sạch…

Nhà trường còn triển khai mô hình bát cháo dinh dưỡng, huy động nguồn xã hội hóa, phụ huynh đóng góp tiền hoặc thực phẩm để nấu cháo bữa xế cho trẻ. Thực hiện mô hình vườn rau sạch và hạt giống mẹ trồng để tăng thực phẩm cho bữa ăn bán trú. Tham gia chương trình sữa học đường. Đồng thời phối hợp với Trạm Y tế xã Xá Lượng, tổ chức các theo dõi biểu đồ, khám sức khỏe định kỳ, thực hiện lịch tiêm chủng, uống vắc xin và phòng chống tai nạn thương tích.

Sau 2 năm học (2020 -2021 và 2021 -2022) các hoạt động phối hợp chăm sức khỏe cho trẻ được tổ chức khoa học, đúng định kỳ và có nền nếp chất lượng. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cuối năm giảm sâu (4,2 % thể nhẹ cân; 8,8 % thể thấp còi).

Nhà trường cũng phối hợp với phụ huynh, gia đình để thực hiện chương trình giáo dục trẻ ở trường và ở nhà, đặc biệt phát huy hiệu quả trong thời gian trẻ nghỉ phòng chống dịch Covid-19 tại nhà. Cụ thể, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh tổ chức xây dựng bài phát thanh; vi deo; phát tài liệu bài học của trẻ, xây dựng góc học tập cho trẻ  tại gia đình và hướng dẫn phụ huynh cùng học tập và vui chơi an toàn cùng trẻ. Nội dung là các chủ đề quan trọng, cốt lõi trong chương trình giáo dục trẻ, đặc biệt là mầm non 5 tuổi lên lớp 1.

Phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội nhằm phát triển giáo dục toàn diện, tăng cường cơ sở vật chất, nâng chất lượng phổ cập cho trường mầm non vùng khó khăn.
Phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội nhằm phát triển giáo dục toàn diện, tăng cường cơ sở vật chất, nâng chất lượng phổ cập cho trường mầm non vùng khó khăn.

Với công tác phối hợp cùng chính quyền địa phương, đoàn thể, xã hội cộng đồng, theo cô Lê Hồng Quang là vấn đề quan trọng để phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn. Theo đó, nhà trường chủ động tham mưu kịp thời với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xã Xá Lượng về kế hoạch hoạt động của nhà trường. Qua đó, để địa phương đưa các nội dung này vào chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm.

Cụ thể như tăng cường cơ sở vật chất cho trường mầm non theo tiêu chí đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và lộ trình công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp và phổ cập nhóm 3-4 tuổi, nâng cao chất lượng phổ cập 5 tuổi. Hỗ trợ đời sống giáo viên, đặc biệt giáo viên hợp đồng, giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Quy hoạch, cấp đất cho trường mầm non đáp ứng nhu cầu chăm sóc – giáo dục trẻ.

“Qua 2 năm, nhà trường phối hợp huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất khang trang, đẹp và thân thiện như các công trình phòng học, nhà bếp, nhà vệ sinh; sân chơi, khu vui chơi liên hoàn; cảnh quan sư phạm; bổ sung trang thiết bị dạy học; hỗ trợ nhu yếu phẩm… Sự phối hợp gia đình – nhà trường – xã hội cũng như vào cuộc của cả hệ thống chính trị chính là sự đảm bảo cho phát triển giáo dục mầm non”, cô Lê Hồng Quang nêu ý kiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.