Những mục tiêu quan trọng, cấp thiết
Đào tạo theo chương trình tiên tiến trong giao dục đại học có ý nghĩa sống còn, ngoài việc nâng cao vị thế uy tín của nền đại học trong phạm vi quốc gia, việc mời gọi sinh viên nước ngoài đến học tập, trao đổi, nghiên cứu cũng là một mục tiêu cần thiết trong chiến lược phát triển lâu dài của giáo dục đại học Việt Nam. Để thực hiện được những mục tiêu quan trọng và cấp thiết ấy, cơ sở đào tạo phải đẩy nhanh quá trình bồi dưỡng chuyên môn, rèn khả năng giảng dạy, giao tiếp bằng tiếng Anh cho giảng viên; thu hút chuyên gia giỏi nước ngoài và Việt kiều có tâm huyết trở về nghiên cứu, giảng dạy, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.
Tựu trung, việc dành nhiều công sức, tài lực cho chương trình tiên tiến nhằm đưa ngành học đó trở thành ngành mũi nhọn của cơ sở đào tạo. Với những mục tiêu và kế hoạch nêu trên, việc chọn người học tại Đại học Huế trước hết dựa vào kết quả tuyển sinh quốc gia hệ chính quy. Các Ban điều hành chương trình thông báo đến những sinh viên có điểm thi đại học cao, có trình độ khá về tiếng Anh, tự nguyện viết đơn đăng ký theo học chương trình tiên tiến này. Sau đó Ban điều hành tổ chức tuyển chọn bằng cách kết hợp việc kiểm tra trình độ tiếng Anh và kết quả sắp hạng điểm thi đại học của các sinh viên đã đăng ký, chọn ra khoảng 20 - 40 SV để đào tạo trong mỗi khóa.
SInh viên học tiếng Anh với người nước ngoài |
Phần lớn các trường dành thời gian năm thứ nhất cho sinh viên học tiếng Anh đạt trình độ nghe giảng, trao đổi thảo luận, đọc sách báo, viết tiểu luận; đáp ứng được các yêu cầu do giảng viên ngoại quốc và trong nước đưa ra trong quá trình dạy học. Đây cũng là giai đoạn sinh viên phải hoàn thành các môn học giáo dục đại cương đặc thù của Việt Nam, được giảng dạy bằng tiếng Việt. Để bắt nhịp được phong cách học tập như các đại học nước ngoài, sinh viên phải tích cực, chủ động trong việc tiếp thu kiến thức, hoàn thành đẩy đủ nhiệm vụ được giao như làm bài tập, chuẩn bị bài ở nhà, đóng góp ý kiến thảo luận, lập luận bảo vệ quan điểm khoa học của mình, biết khai thác các sách báo, tài liệu điện tử. Ngoài ra, sinh viên còn phải tích cực tham gia sinh hoạt chuyên môn theo nhóm, sinh hoạt xã hội, cộng đồng, có tinh thần hợp tác, chia sẻ trách nhiệm. Sinh viên thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính theo quy định cho dù có những đơn vị không thu học phí. Việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên được áp dụng như quy định ở chương trình gốc. Nói chung, giảng viên chú ý cả quá trình học tập, bao gồm việc chuẩn bị ở nhà, chuyên cần, tham gia thảo luận, phát biểu, thực hành thí nghiệm, bài tập lớn, tiểu luận, bài thi giữa kỳ, cuối khóa,… theo quy chế đào tạo tín chỉ. Khi sinh viên tích lũy đủ khối lượng kiến thức theo yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp. Những sinh viên giỏi, xuất sắc có thể làm luận văn, khóa luận theo đề nghị của cố vấn học tập và giảng viên phụ trách.
Kết quả bước đầu và những kinh nghiệm
Đến nay, nhiều sinh viên của các chương trình tiên tiến đã tốt nghiệp. Tại Đại học Huế, 25 sinh viên của chương trình tiên tiến ngành Vật lý khóa đầu tiên vừa tốt nghiệp vào tháng 7/2010. Đã có 1 sinh viên đạt loại xuất sắc, 13 sinh viên đạt loại giỏi và 11 sinh viên đạt loại khá. Đây là một kết quả tuyệt vời, nhất là đối với ngành khó như Vật lý cùng chương trình đào tạo của một trường đại học có tiếng tăm của Hoa Kỳ là University of Virginia. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có tương lai đầy hứa hẹn: hai sinh viên được giữ lại trường làm giảng viên, 8 sinh viên khác chuyển tiếp học các chương trình cao học, số khác được tuyển chọn làm việc cho công ty sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh với mức lương cao và nhiều ưu đãi.
Có lẽ khó khăn lớn nhất là việc mời các giáo sư nước ngoài và tạo lập được đội ngũ giảng viên tại chỗ có chuyên môn giỏi, thành thạo tiếng Anh để duy trì chương trình một cách bền vững. Nếu có được một giáo sư Việt kiều ở trường đối tác giúp đỡ, làm cầu nối thì công việc ấy trở nên nhẹ nhàng và có hiệu quả (như Đại học Huế đã thực hiện). Theo kế hoạch của đề án, nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí để đào tạo trong 3 khóa đầu, do vậy việc chuẩn bị cho giảng viên trong nước có trình độ tiếng Anh tốt, chuyên môn giỏi nắm bắt được đầy đủ "công nghệ đào tạo" của giáo sư thỉnh giảng nước ngoài để dần thay thế cho họ ở các khóa sau là hết sức cần thiết. Lãnh đạo cần tạo điều kiện tốt nhất để những cán bộ khoa học có năng lực chuyên môn và nghiên cứu khoa học giỏi, có vốn tiếng Anh khá, cùng tham gia giảng dạy với giáo sư mời, đi tu nghiệp một cách thực chất, hiệu quả ở trường đối tác để khỏi phung phí ngân sách eo hẹp. Về phía giảng viên, trong những khóa đầu các trường đã mời giáo sư thỉnh giảng của trường đối tác, Việt kiều hoặc giáo sư trong nước có trình độ, năng lực và giảng dạy bằng tiếng Anh tốt đến giảng dạy các môn chuyên môn; đặc biệt kết hợp bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu, định hướng nghiên cứu lâu dài cho cán bộ trẻ và sinh viên giỏi.
Việc triển khai đào tạo chương trình tiên tiến như là động lực thúc đẩy cho việc nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học trong nước, nâng cao trách nhiệm của xã hội cũng như của người làm công tác giáo dục, là một trong những giải pháp quan trọng để đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, xây dựng một nền giáo dục đại học ngang tầm với đà phát triển kinh tế, đáp ứng được những yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước mắt còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết nhưng với niềm tin và sự quyết tâm của cơ sở đào tạo, sự chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta tin tưởng rằng chương trình này tiếp tục đạt kết quả tốt đẹp, phát triển bền vững.
PGS.TS Nguyễn Hoàng (Trưởng ban Đào tạo - Đại học Huế)