Chúng em nói không với rác thải nhựa trong trường học

GD&TĐ - Nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, năm học 2019 - 2020, trường Tiểu học Đức Giang đã triển khai phát động và hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” bằng nhiều hành động cụ thể, thiết thực thể hiện tinh thần quyết tâm “Nói không với rác thải nhựa”.

Học sinh vẽ tranh hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”
Học sinh vẽ tranh hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”

Rác thải nhựa là những chất không được phân hủy trong nhiều môi trường, nó đang là hiểm họa của môi trường toàn cầu. Hiểu được mối nguy hại mang lại từ rác thải nhựa đối với môi trường nên ngay từ đầu năm học trường Tiểu học Đức Giang, xã Đức Giang, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”.

Phong trào này được triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường để hạn chế số lượng rác thải nhựa đưa ra ngoài môi trường. Trong Lễ khai giảng năm học mới nhà trường đã phát động đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh phong trào chống rác thải nhựa với khẩu hiệu “Nói không với rác thải nhựa”. Sau Lễ khai giảng, tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh đã ký cam kết thực hiện “Chống rác thải nhựa”. Phong trào được mọi người đón nhận và nhiệt tình hưởng ứng.

Để mọi người từng bước hình thành thói quen trong sinh hoạt hằng ngày, Thầy Nguyễn Văn Thắng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đức Giang trong buổi họp với phụ huynh học sinh đầu năm học; trong các buổi họp hội đồng sư phạm và các buổi chào cờ đầu tuần đã làm công tác tuyên truyền đến toàn thể phụ huynh, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về mối nguy hại của rác thải nhựa, khuyến khích mọi người không sử dụng chai nhựa dùng một lần, túi bóng…trong sinh hoạt hàng ngày.

Thay thế vật dụng nhựa dùng một lần bằng các đồ vật thân thiện với môi trường; hạn chế sử dụng túi nilon khi đi chợ mà thay bằng giỏ xách hoặc làn; thay thế hộp nhựa xốp dùng một lần bằng các loại hộp cứng sử dụng nhiều lần; phân loại rác thải hàng ngày và tái sử dụng đồ vật bằng nhựa nếu có thể để hạn chế rác thải ra ngoài môi trường...

Từ đầu năm học, thay vì bọc vở bằng giấy bóng nilon thì các thầy giáo, cô giáo đã hướng dẫn các em học sinh bọc vở, sách giáo khoa bằng bìa giấy hoặc để nguyên bìa nếu đủ cứng và không quên nhắc các em cách giữ gìn sách vở sạch sẽ.

Cô giáo hướng dẫn học sinh lớp 1D bọc vở bằng bìa
 Cô giáo hướng dẫn học sinh lớp 1D bọc vở bằng bìa

Bên cạnh đó, nhà trường đã tuyên truyền và khuyến khích học sinh không sử dụng các vật dùng một lần bằng nhựa mà thay vào đó là dùng cốc thủy tinh, cốc inox hay những sản phẩm thân thiện với môi trường, vừa tiết kiệm lại có tính hữu dụng cao.

Học sinh dùng cốc bằng inox để uống nước
 Học sinh dùng cốc bằng inox để uống nước

Để hạn chế sử dụng và thải rác thải nhựa ra ngoài môi trường, Tổng phụ trách đội cùng với giáo viên chủ nhiệm các lớp đã hướng dẫn học sinh phân loại rác thải hàng ngày. Ở mỗi lớp học có 2 loại thùng rác: Thùng thứ nhất đựng rác hữu cơ, mảnh sành, sứ,…được xử lý bằng chôn lấp hoặc đem đốt sau mỗi ngày; Thùng thứ hai đựng giấy, nhựa, kim loại,…cuối mỗi tuần được gom vào một chỗ để làm kế hoạch nhỏ.

Ngoài ra nhà trường đã rèn cho học sinh ý thức nhặt rác thải thường xuyên hàng ngày vào đầu các buổi học, trong giờ ra chơi, cuối các buổi lễ hội, các khu vực xung quanh,... Những hành động nhỏ này của các em cũng thể hiện được phần nào ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp của nhà nhà trường.

Các bạn học sinh thu gom rác thải ngoài đường
 Các bạn học sinh thu gom rác thải ngoài đường

Ngoài các giờ học văn hóa trên lớp, học sinh còn tham gia vẽ và viết các khẩu hiệu, tranh cổ động cho phong trào “Chống rác thải nhựa”. Các em vẽ rất hào hứng và say mê với nhiều ý tưởng hay, lạ. Qua hoạt động này, các em muốn tuyên truyền đến mọi người hãy có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế thải rác nhựa ra ngoài môi trường.

Các em ngày càng có ý thức hơn về tác hại mà rác thải nhựa mang lại; tuyên truyền sâu và rộng hơn đến tất cả người thân, gia đình, bạn bè. Tất cả cùng chung tay với các hành động cụ thể để gìn giữ và bảo vệ môi trường sống xung quanh chúng ta.

Đây là những hành động thiết thực, ý nghĩa nhằm thay đổi những thói quen nhỏ nhưng có tác động lớn để rác thải nhựa không còn hiện hữu, từ đó từng bước trả lại môi trường sống trong lành, tránh được những nguy cơ bệnh tật trong đó có một phần không nhỏ do rác thải nhựa gây ra đối với con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...