Giải pháp đào tạo gắn với nhu cầu xã hội

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị tham mưu trình Chính phủ về công tác dự báo nhu cầu của xã hội để định hướng, phân bổ đào tạo cho từng trường, ngành, nghề cụ thể cho phù hợp với nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bộ GD&ĐT cho biết: Định hướng công tác đào tạo gắn với nhu cầu xã hội là một trong những nội dung quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều năm qua, Chính phủ, bộ, ngành trong đó có Bộ GD&ĐT đã chú trọng nghiên cứu, ban hành chính sách nhằm tăng cường gắn kết đào tạo với nhu cầu xã hội, mà cụ thể là với thị trường lao động.

Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Chiến lược và quy hoạch nhân lực này. Năm 2012, Bộ Kế hoạch Đầu tư tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 601/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia”.

Theo phân công của Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư là cơ quan chủ trì đề án, chịu trách nhiệm thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về nhu cầu nhân lực của cả nước dựa trên dữ liệu do các đơn vị đầu mối chuyển về; tiến hành dự báo nhu cầu nhân lực ở cấp quốc gia, bộ, ngành, theo từng thành phần kinh tế và địa phương. Bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ GD&ĐT phải phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư và thực hiện nhiệm vụ liên quan đến cung - cầu nhân lực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của mình.

Về phía Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, rà soát và ban hành nhiều chính sách tăng cường gắn kết công tác đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH với nhu cầu xã hội. Năm 2017, Bộ GD&ĐT thực hiện nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước về “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025” làm căn cứ để đề xuất, ban hành các giải pháp đẩy mạnh gắn đào tạo với sử dụng lao động. Năm 2018, Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, trong đó có nhiều nội dung thúc đẩy việc hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp.

Năm 2019, triển khai Quyết định số 69/QĐ-TTg, hiện thực hóa chủ trương “tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục ĐH và người sử dụng lao động trong toàn bộ quá trình đào tạo”, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 3964/BGDĐT-GDĐH về việc đẩy mạnh hợp tác giữa ĐH với doanh nghiệp theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó bao gồm cả việc ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp theo đơn đặt hàng. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH khi mở ngành phải có báo cáo phân tích, thuyết minh về nhu cầu đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động ở thời điểm hiện tại và dự báo theo kế hoạch trung hạn, dài hạn; khảo sát yêu cầu về năng lực người học; khẳng định đề xuất mở, phát triển ngành đào tạo phù hợp với sứ mạng, mục tiêu chiến lược của cơ sở đào tạo, chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, vùng và cả nước.

Với công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH, một trong những nguyên tắc bắt buộc là nhà trường phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động để đáp ứng. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục ĐH được mời chuyên gia từ doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp gắn với ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực làm giảng viên thỉnh giảng.

Năm 2021, triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Hiện, Bộ GD&ĐT tập trung huy động các nguồn lực để hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ thông qua trong quý IV năm 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ