Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết đã ban hành nhiều chính sách đối với các cơ sở giáo dục ĐH nhằm mục đích gắn kết công tác đào tạo với nhu cầu xã hội. Trong công tác mở ngành đào tạo, các cơ sở giáo dục ĐH phải chứng minh có hoạt động hợp tác với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành đăng ký đào tạo và phải nghiên cứu dự báo nhu cầu sử dụng lao động của ngành dự kiến đào tạo. Trong công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh, cơ sở giáo dục ĐH được phép mời chuyên gia đến từ khối doanh nghiệp, trong đó một số lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao như du lịch hoặc máy tính và công nghệ thông tin được áp dụng cơ chế ưu tiên. Bên cạnh đó, số lượng giảng viên thỉnh giảng quy đổi để xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành này cũng chiếm ưu thế hơn so với ngành khác. Việc xác định chỉ tiêu cũng phải căn cứ nhu cầu lao động của thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương và ngành.
Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước với chủ đề “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025”, nhằm đề xuất các giải pháp gắn đào tạo với sử dụng lao động. Năm 2019, Bộ GD&ĐT có Công văn số 3964/BGDĐT-GDĐH nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa ĐH với doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ để ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Theo đó, việc xác định nhu cầu đào tạo, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo được quy định cụ thể tại Điều 3.
Năm 2021, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Một trong những mục tiêu lớn là “Quy hoạch để rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm bảo đảm hợp lý về quy mô, cơ cấu ngành nghề và phân bố vùng miền, đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và các địa phương”.
Để gắn kết công tác đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam vào năm 2016. Trong đó đưa ra chuẩn đầu ra cho 8 bậc đào tạo, từ sơ cấp đến tiến sĩ; doanh nghiệp là một thành phần không thể thiếu trong việc xác định chuẩn đầu ra của từng trình độ đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động.
Để triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư về chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của giáo dục ĐH, đồng thời khẩn trương tiến hành xây dựng chương trình đào tạo đối với từng lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo. Song song với quá trình đó, Bộ GD&ĐT cũng xây dựng Báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) với Khung tham chiếu các trình độ của ASEAN (AQRF). Từ đó làm rõ chuẩn các trình độ giáo dục ĐH của Việt Nam dần tiệm cận với chuẩn trình độ của khu vực và thế giới. Việc chú trọng đào tạo kỹ năng, đưa kỹ năng mềm, cũng như năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học vào chương trình đào tạo cũng được cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam chủ động và tích cực tiến hành.