Nổi bật trong xu hướng đổi mới này là việc nhiều nơi sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (tiếng Anh) kết hợp kết quả học tập để tuyển sinh. Tùy từng trường, địa phương, chứng chỉ tiếng Anh được sử dụng theo các hình thức như: Cộng điểm khuyến khích; xét tuyển thẳng; xét tuyển thẳng và cấp học bổng; tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển.
Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được sử dụng trong tuyển sinh đại học đã phổ biến hơn 5 năm qua. Với khối phổ thông, các trường tư thục ở Hà Nội cũng sử dụng chứng chỉ tiếng Anh trong xét tuyển đầu cấp vài năm nay.
Tại TPHCM, từ năm 2021, việc tuyển sinh vào lớp 6 tăng cường tiếng Anh công lập đã xét học sinh đạt chứng chỉ A2 trở lên theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu hoặc chứng chỉ Cambridge Flyer từ 10/15 khiên trở lên; hoặc TOEFL Primary Step 2 từ 3/5 huy hiệu trở lên.
Tỉnh Nghệ An cũng xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 6.0 trở lên hoặc tương đương vào lớp 10 công lập. Học sinh tiểu học ở tỉnh này có IELTS 4.0 hoặc TOEFL, TOEIC tương đương cũng được xem xét tuyển thẳng vào Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh).
Sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là chuyển động tích cực trong tuyển sinh đầu cấp. Ghi nhận từ các nhà quản lý và giáo viên cho thấy những học sinh giỏi ngoại ngữ thường có tư duy và kiến thức môn khác rất tốt. Việc sử dụng chứng chỉ tiếng Anh trong xét tuyển đầu cấp không chỉ động viên, thúc đẩy học sinh học ngoại ngữ, mà còn giúp các trường tuyển chọn được người học ưu tú, có khả năng tiếng Anh xuất sắc - là kỹ năng quan trọng để thành công trong học tập và công việc tương lai. Bên cạnh đó, mô hình này còn tăng thêm yếu tố phân loại đầu vào cho trường/chương trình có tính cạnh tranh cao, tiết kiệm chi phí tổ chức thi, bắt kịp tiêu chuẩn chung của các trường trung học trên thế giới.
Tuy vậy, bên cạnh nhiều phụ huynh, thí sinh xem chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là cơ hội lớn để “rộng cửa” bước chân vào ngôi trường trung học yêu thích, cũng có không ít ý kiến cho rằng cách làm này dễ tạo ra khoảng cách, bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục, thiệt thòi cho những thí sinh ở khu vực điều kiện kinh tế kém hơn hoặc có hoàn cảnh khó khăn.
Thực tế cho thấy đa số trường xét tuyển đầu vào thường sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, đầu cấp THCS thì dùng TOEFL Primary; Đầu cấp THPT thường dùng IELTS học thuật (IELTS Academic) hoặc chứng chỉ quốc tế khác tương đương. Chi phí để thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế không nhỏ, bên cạnh đó, điểm thi cũng phụ thuộc nhiều vào việc luyện thi, vì thế không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con theo đuổi. Nhóm học sinh điều kiện kinh tế hạn chế, ở nơi khó khăn có thiệt thòi hơn đối với hình thức xét tuyển này.
Đòi hỏi một chính sách giáo dục xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách, điều kiện kinh tế giữa các thí sinh là bất khả thi nhưng chúng ta có thể đưa ra giải pháp hạn chế khoảng cách này, tạo sự bình đẳng và cơ hội rộng rãi hơn cho thí sinh yếu thế.
Các trường, địa phương có thể sử dụng đa dạng hơn chứng chỉ tiếng Anh khác nhau, có quy đổi tương đương và dành một tỷ lệ % chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp ở hình thức xét tuyển này. Hiện, chứng chỉ tiếng Anh trong nước VSTEP do các trường đại học Việt Nam cấp với chi phí dự thi khá rẻ, phù hợp với số đông. Năm 2023 nhiều trường như ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội)… dùng VSTEP trong tuyển sinh đại học. Tuyển sinh đầu cấp khối trung học cũng có thể lưu ý đến VSTEP, để rộng cơ hội hơn cho thí sinh hạn chế về tài chính.