Giải ngân vốn đầu tư công: Cần giải quyết được 3 "cái đọng"

Giải ngân vốn đầu tư công: Cần giải quyết được 3 "cái đọng"

Sáng nay, 16/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc về công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhân dân đang gặp khó khăn về thu nhập do ảnh hưởng của dịch COVID-19, như công nhân mất việc làm, người lao động có tiền lương thấp. Và đất nước đạt tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân chính là các dòng vốn đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư Nhà nước, đều chậm, thấp so với nhiệm vụ kế hoạch. Cho nên, đầu tư công là một trong các cứu cánh quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn. Đầu tư sẽ giải quyết được rất nhiều việc làm, đầu tư thì giải quyết thu nhập cho người lao động, đầu tư góp phần cho tăng trưởng, Thủ tướng nói. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%

Do đó, trách nhiệm Chính phủ, các địa phương trong cả nước rất lớn, nhất là chúng ta phải tập trung giải ngân đầu tư công gần 28 tỷ USD, tương đương với 633.000 tỷ đồng. “Mỗi khi làm việc ở địa phương, làm việc với các bộ, ngành, thì các đồng chí đều đề cập là xin nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư phát triển địa phương, ngành mình, nhưng khi nhận vốn rồi thì không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. Điều đó diễn ra nhiều năm, nhiều thập kỷ, nhất là những năm gần đây tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp”. Năm nay giải ngân vốn đầu tư công có tiến bộ hơn là đạt trên 20%, tăng so cùng kỳ khoảng 8%, nhưng còn khối lượng rất lớn chưa được các cấp, các ngành giải ngân.

Cho nên, Thủ tướng đề nghị cuộc họp hôm nay tập trung vào một số nội dung chính. Thứ nhất, tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, chậm chạp, ì ạch, kém cỏi của giải ngân vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA.

“Phải tìm cho ra được nguyên nhân chủ quan là chính chứ không phải đổ cho khách quan là chính, để chúng ta có tinh thần trách nhiệm trước nhân dân về sử dụng vốn đầu tư Nhà nước trong sự phát triển ngành, địa phương của mình”, Thủ tướng nói. “Tại sao những địa phương cùng cơ chế chính sách ấy mà họ đầu tư giải ngân rất tốt, còn nhiều địa phương rất ì ạch”. Thủ tướng chỉ rõ, là do “bệnh quan liêu, không chịu đi sát, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung”.

Do đó, tại cuộc họp, sau khi lắng nghe ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh, “chúng tôi sẽ kết luận những biện pháp khả thi để thực hiện mục tiêu giải ngân đạt 100% khối lượng vốn năm nay”. “Anh đi tìm nguồn lực nơi này nơi khác nhưng mà để lại một đống tiền ngay trên địa bàn của anh, anh không chịu giải quyết. Tại sao? Anh cứ đổ nguyên nhân khách quan này khách quan khác”.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, hội nghị sẽ tập trung thảo luận, “đưa ra những chế tài nào đối với người đứng đầu để nâng cao trách nhiệm” trong vấn đề chậm giải ngân. “Anh không làm thì phải có biện pháp với anh, chứ không làm, biết đó mà không xử lý. Nói hoài, nói mãi mà không chịu làm thì nghĩa làm sao, không lẽ chúng ta vô hiệu trong chuyện này sao”. Thủ tướng nhấn mạnh, lần này sẽ đưa ra chế tài cần thiết, ngoài biện pháp mà Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ là điều chuyển vốn đầu tư công của Nhà nước từ địa phương này qua địa phương khác, từ ngành này qua ngành khác, từ công trình này qua công trình khác, thì có chế tài khác về thi đua khen thưởng, xử lý vấn đề đặt ra, đánh giá cán bộ…

Bên cạnh đề nghị các địa phương nêu ra những kinh nghiệm tốt, Thủ tướng nhắc đến chuyến công tác kiểm tra thực hiện giải ngân vốn đầu tư công tại Ninh Bình vào cuối tuần qua. Địa phương này tổ chức họp HĐND mỗi tháng một lần để điều chuyển vốn từ công trình này sang công trình khác. Bí thư, Phó Bí thư Thường trực xuống hỗ trợ chủ tịch các huyện để trực tiếp vận động hệ thống chính trị trong giải phóng mặt bằng. Thủ tướng nhắc, bệnh quan liêu, xa dân làm một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, nhất là trong tác giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng cũng đề nghị hội nghị nêu ra các vướng mắc về thể chế pháp luật, “điều nào, điểm nào, nghị định nào, mâu thuẫn giữa luật, nghị định nào để Trung ương giải quyết”. Hội nghị phải giải quyết cho được “3 cái đọng”. Thứ nhất là vốn đọng, không được để vốn đọng, có tiền đó mà không tiêu được. Thứ hai là không để nợ đọng, tức là hạn mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán, “cứ ngâm đó mãi”. Thứ ba là thủ tục đọng, một vấn đề phổ biến hiện nay.

“Không để tình trạng biết rồi nói mãi, cứ để năm này sang năm khác như thế”, Thủ tướng chỉ rõ. Sau hội nghị phải có hành động.

Thủ tướng đề nghị thảo luận “phải chăng cần có nghị quyết của tỉnh ủy, thành ủy để phân công đôn đốc hay không, chứ cứ nói chung chung còn việc cụ thể thì chậm trễ”.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại hội nghị, Thủ tướng đọc tên các địa phương giải ngân tốt (đạt từ 45% trở lên): Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Lào Cai, Tiền Giang. Thủ tướng cũng nêu tên một số địa phương giải ngân chậm: Quảng Trị, Trà Vinh, Khánh Hòa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Cần Thơ, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đồng Nai.

“Tại sao có tỉnh làm tốt, có tỉnh trì trệ là câu hỏi đặt ra cho các đồng chí”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Các đồng chí phải nói ra biện pháp mạnh mẽ trong vấn đề này”, không để tình trạng trì trệ trong vấn đề này.

Theo baochinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.