Màn sương mù từng đoạt mạng 12.000 người dân London năm 1952. Ảnh minh họa: History.
Trong phân tích đăng hôm 9/11 trên tạp chí Kỷ yếu Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia, các nhà nghiên cứu kết luận những quá trình phản ứng hóa học kết hợp với sương mù tự nhiên khi đốt than đá là nguyên nhân tạo ra màn "sương mù sát thủ" khiến bầu trời London, Anh tối sầm và cướp đi sinh mạng của 12.000 người vào năm 1952, theo Gizmodo.
Khi màn sương mù lần đầu tràn qua London vào tháng 12/1952, người dân không mấy chú ý vì sương mù vẫn thường phủ khắp thành phố. Tuy nhiên, vài ngày sau, tầm nhìn giảm xuống chưa đến 1 mét ở một số nơi, giao thông ngưng trệ và hàng nghìn người gặp vấn đề về hô hấp.
Màn sương mù cướp đi sinh mạng của ít nhất 4.000 người cùng với hàng nghìn động vật ngay sau đó, hơn 150.000 người phải nhập viện. Các nghiên cứu sau này ước tính số ca tử vong có thể trên 12.000 người.
Sử dụng dữ liệu về ô nhiễm ngày nay ở Trung Quốc, nhóm nghiên cứu nhận thấy màn sương mù chết người ở London là kết quả do các hạt axit sulfuric kết hợp sương mù tự nhiên bao phủ toàn thành phố.
"Sulfate là thành phần chính của sương mù và các hạt axit sulfuric hình thành từ sulfur dioxide thải ra trong quá trình đốt cháy than đá phục vụ sinh hoạt và nhà máy điện. Nhưng chúng tôi vẫn chưa rõ cách sulfur dioxide chuyển hóa thành axit sulfuric", Renyi Zhang, giáo sư đặc cách ở Đại học Texas A&M, Mỹ, cho biết.
"Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy quá trình này được thúc đẩy bởi nitơ dioxide, một phụ phẩm khác của hoạt động đốt cháy than đá trong sương mù tự nhiên.
Quá trình chuyển từ sulfur dioxide sang sulfate cũng tạo ra hạt axit. Sương mù tự nhiên chứa các hạt lớn kích thước vài chục micromet và axit được hòa tan hiệu quả. Khi bốc hơi, các hạt này để lại những hạt sương mù axit nhỏ hơn bao phủ thành phố", Zhang giải thích.
Theo Zhang, phản ứng hóa học tương tự cũng thường xuyên xảy ra ở Trung Quốc, nơi có 16 trong số những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nhưng vấn đề ô nhiễm ở Trung Quốc không hoàn toàn giống London năm 1952.
"Khác biệt ở Trung Quốc là sương mù bắt đầu từ những hạt nano nhỏ hơn nhiều, và quá trình hình thành sulfate chỉ có thể diễn ra khi có amoniac để trung hòa các hạt.
Ở Trung Quốc, sulfur dioxide chủ yếu do nhà máy điện thải ra, nitrogen dioxide đến từ nhà máy điện và ôtô, còn amoniac sinh ra từ sử dụng phân bón và ôtô. Trong khi sương mù ở London có tính axit cao, sương mù hiện nay ở Trung Quốc khá trung hòa", Zhang nói.