Giải mã sự tích thờ thần hổ và chuyện ma Trành

GD&TĐ - Hổ hại người nhưng cuối cùng đã biết cúi đầu hối hận trước ân nhân và hóa thành hòn đá bên mộ. Sự tích thờ thần hổ ở Việt Nam khá đa dạng, thậm chí mang tích huyền hoặc khi sánh cùng ma Trành.

Theo sự tích, hổ vì ân hận đã hóa đá bên mộ ân nhân và sau đó được người dân tôn làm thần hổ - ông ba mươi.
Theo sự tích, hổ vì ân hận đã hóa đá bên mộ ân nhân và sau đó được người dân tôn làm thần hổ - ông ba mươi.

Không chỉ dừng lại ở sự tích để giải thích cho các hiện tượng mang tính tâm linh, thần hổ đã trở thành một trong những điều bí ẩn ở nhiều lăng mộ vua chúa xưa. Với sức mạnh vô song cùng thần lực của sự tích dân gian, hổ trở thành biểu tượng thiêng đầy quyền uy ở nhiều chốn thờ tự.

Hổ xám hóa đá

Cho đến nay, sự tích thờ thần hổ có rất nhiều chuyện phái sinh khác nhau. Tuy nhiên, câu chuyện được bắt đầu ở vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Chuyện rằng vào thời vua An Dương Vương, người Việt còn đóng khố, làm nghề nông và săn bắn.

Ở làng nọ có một ông lão nghèo dựng lều trên sông Lam, tảo tần đơm đó và đưa đò kiếm sống. Vùng này có nhiều hổ dữ, chúng thường bắt người ăn thịt. Một hôm có đoàn người lên rừng làm rẫy, gặp 5 con hổ đang ngồi rình trên hòn đá ven đường.

Ông lão đang đi bè trên sông trông thấy, liền kêu lớn cho đoàn người quay lại. Nghe tiếng động, hổ liền đuổi theo bắt được một người và xé xác ăn thịt. Người xấu số đó lại chính là cha của ông lão chèo đò.

Lần khác, ông lão đi bỏ đó trên sông. Một con hổ xám chờ ông đến gần rồi nhảy xuống bắt. Nào ngờ bè nứa choãi ra và một chân sau của hổ bị kẹp chặt lại, máu chảy đầm đìa.

Ông lão bình thản đến bên con hổ và nói: “Nhà ngươi dòng dõi trên thượng giới, xuống hạ giới sinh sống sao nỡ bắt con người để ăn thịt? Ta đã già yếu, xin hiến thân cho ông và xin từ nay trở đi ông đừng giết hại con người nữa”.

Nói đoạn, ông cầm dao chặt dây nẹp bè cho bung nứa ra và lấy tro thấm dầu hỏa bôi vào vết thương cho hổ cầm máu. Hổ cảm kích, hai chân sau quỳ xuống, hai chân trước đứng chầu cảm tạ hồi lâu rồi mới chạy vào rừng.

Nhưng rồi hổ xám vẫn thường bắt người để ăn thịt, một hôm vồ trúng ông lão. Khi kéo xác lên bờ, nó mới nhận ra ân nhân của mình. Hổ hối hận, kêu gào ầm ĩ cả khu rừng. Sáng hôm sau dân làng đi làm, thấy xác ông lão bên đường và nhìn dấu vết biết là ông bị hổ vồ.

Dân làng thương xót, chôn cất tử tế và tôn ông làm thần thổ địa. Đêm đêm, con hổ xám về chầu trước mộ ông, kêu la thảm thiết và cuối cùng gục chết, hóa thành hòn đá bên mộ. Đặc biệt, hổ xám được dân làng thờ cúng và tôn là ông hổ, thần hổ, ông ba mươi. Những con hổ đá đặt ở đền chùa, miếu mộ... đều nằm trong thế quỳ, miệng há rộng là nhắc lại sự tích này.

Hổ là “bản mệnh” của Lê Lợi

Tượng hổ tại lăng Trần Thủ Độ tại Thái Bình.

Tượng hổ tại lăng Trần Thủ Độ tại Thái Bình.

Theo tìm hiểu của các nhà khảo cổ, thời nhà Trần bắt đầu xuất hiện tượng hổ trong các chùa chiền. Theo tín ngưỡng, hổ tượng trưng cho vị thần bảo vệ, trấn giữ các phương chống lại mọi tà ma. Hiện nay, tượng hổ còn lưu giữ ở bệ đá tam bảo chùa Ðại Bi (Hà Nội), chạm khắc trên kẻ (chùa Sơn Ðồng), hai bên tam quan chùa Long Tiên (Quảng Ninh).

Tượng hổ đá sớm nhất từ thời Trần với con hổ được thể hiện trên chiếc nhang án tại chùa Xuân Lũng (Phú Thọ). Đặc biệt vào thời kỳ này, tượng hổ đá tại lăng Trần Thủ Độ ở Vũ Thư (Thái Bình) là một trong những công trình mỹ thuật quy mô. Các nhà khảo cổ cho rằng, trong các lăng mộ đời nhà Trần thì điêu khắc đá chủ yếu là tượng người và tượng thú chầu canh giữ cho thế giới vĩnh hằng của vua chúa.

Thời hậu Lê, tượng hổ xuất hiện ở lăng mộ Lê Lợi (Lam Kinh), đó là con hổ ngồi dưới dạng rụt cổ, vai u, làm nhiệm vụ canh gác và giữ của cho người đã khuất. Tuy nhiên, ngoài lý do trên thì tượng hổ xuất hiện tại lăng mộ vua Lê Lợi còn gắn với câu chuyện trước khi Lê Lợi chào đời.

Ở khu vực Thọ Xuân có con hổ đen thường quanh quẩn trong các xóm làng, không bắt lợn và cũng không dọa nạt ai. Sau khi Lê Lợi chào đời thì hổ đen cũng biến mất. Người dân cho rằng, hổ đen chính là “bản mệnh” phi thường và quyền lực của một đế vương Lê Lợi.

Ma Trành ám ảnh

Sự tích thần hổ được lưu truyền đặc biệt tại vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh.
Sự tích thần hổ được lưu truyền đặc biệt tại vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Vào cuối thời nhà Lê, dân gian còn thêm huyền tích Trành quỷ hiển linh - linh hồn người bị hổ ăn thịt biến thành tinh của hổ, thường dẫn đường cho hổ đi bắt người, khi có dịp lại hiện ra thành hình người.

Theo huyền tích này, khi hổ đã ăn thịt người nào thì vong hồn của nạn nhân mãi bị cọp khống chế để mách bảo những điều xấu tốt, làm cho những con hổ trở nên tinh quái đặc biệt.

Huyền tích về ma Trành sau này được chuyển thể qua những tiểu thuyết như Thần Hổ (1937), Ai hát giữa rừng khuya (1942) của Tchya (nhà văn Đái Đức Tuấn). Hai tiểu thuyết với hai nhân vật tạm coi là “hoang đường” nhất trong lịch sử văn học mà mấy chục năm qua, chỉ cần nhắc đến cũng khiến nhiều người run sợ.

Lấy bối cảnh từ vùng đất phía Bắc Thanh Hóa thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám 1945, Đái Đức Tuấn dựng một khung cảnh đầy ám ảnh và thê lương, rùng rợn liên quan đến hổ.

Theo quan niệm của dân sơn tràng, và qua ngòi bút của Đái Đức Tuấn, đó là những con hổ hùng mạnh, vị chúa tể chí tôn của rừng xanh có uy quyền không cần bàn cãi.

Chưa cần đến những cú vồ chết chóc, chỉ vẳng nghe tiếng gầm vang động, nhác thấy ánh mắt quắc lên như nhiếp hồn, hay ngửi thấy mùi tanh tao chết chóc, mọi vật trong rừng sâu đều nín câm trong không khí nặng nề, ngột ngạt.

Loài hổ với thiên tư linh mẫn, tai nghe thấy hết mọi sự người ta nói, óc cảm thấy hết những gì người ta nghĩ, nên hễ ai dám báng bổ, khinh nhờn hay hỗn xược, thì nó trừng trị cho khốc hại thì thôi. Nhẹ thì hổ bắt đi con bò, con lợn để cảnh cáo. Nặng hơn thì nó “ban” cho một cú cắn cổ, kẻ ngỗ ngược sẽ thành một thây ma hồn lìa khỏi xác.

Hổ vốn thù dai. Nhưng chỉ bị một ngọn cây cành cỏ chạm vào vành tai thì nó bỗng quên hết chuyện cũ. Nhưng với những con hổ đã nếm đủ xương thịt của 100 con người, thì vành tai nó có 100 vạch máu đỏ, cỏ cây chạm vào chẳng còn tác dụng gì - nó đã là thần hổ.

Thần hổ có vẻ ngoài màu xám chứ không vằn vện như những chúa sơn lâm bình thường. Nó chỉ phục tùng những con hổ màu đen lão luyện trong việc cắn cổ loài người, và sau cùng là hổ trắng. Hổ trắng được coi là chúa của các thần hổ, tu luyện cả trăm năm, có lúc hiển hiện như một con người.

Bức bình phong hổ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.

Bức bình phong hổ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.

Ma Trành và thần hổ luôn đi đôi với nhau, và cho đến nay những câu chuyện này vẫn ẩn chứa nhiều bí mật cũng như ám ảnh bà con vùng rừng cao núi thẳm. Sự tích thần hổ và ma Trành cũng là chuyện tình cảm của con người với thế giới tâm linh. Đồng thời là cuộc đấu sức, đấu trí với các thế lực huyền bí lẩn khuất trong tâm thức con người.

Xung quanh thần hổ luôn có hàng trăm oan hồn lẩn quất, phiêu diêu theo hầu hạ. Đó là những con ma Trành - nạn nhân của hổ. Mỗi tiếng gừ nhẹ trong cổ họng, đám ma Trành vội vã chầu chực bên cạnh, chịu cho hổ hành hạ khủng khiếp và sai khiến làm những việc đau đớn, thương tâm.

Nơi hoang vu rừng thẳm, người dân vía yếu nhìn đâu cũng thấy ma: Ma xó, ma lai, ma gà, ma người chết do gấu vồ, ma người chết do rắn cắn, ma người chết vì lá ngón… Nhưng thê lương nhất trong các loài ma vẫn là ma Trành - thân xác thì làm miếng mồi lót dạ, hồn phách thì chịu kiếp nô lệ cho hổ dữ đã cắn mình.

Trong quan niệm dân gian và qua ngòi bút của Đái Đức Tuấn, ma Trành vẫn giữ dáng dấp, thói quen sinh hoạt và tình cảm như khi còn sống. Biết yêu, biết giận, biết căm thù, biết khổ đau. Mấy anh em nhà đào hát thì đêm đêm đàn hát cho hổ thần nghe, tạo nên tiếng hát liêu trai nơi rừng khuya thanh vắng.

Ma Trành mãi chịu kiếp nô lệ không thể siêu thoát nếu chưa dụ dỗ được một người khác đến cho hổ ăn thịt, làm ma Trành thế chân nó. Ma Trành phải dùng bất cứ thủ đoạn nào để đưa bất cứ ai, kể cả người yêu, người thân hay kẻ vô can đến miệng hổ.

Như hai con ma Trành nữ, bị chàng thợ săn bắt giữ khi chúng trêu ngươi anh trong rừng thiêng dưới chân đèo Ba Dội. Được tha mạng, chúng quấn lấy hai anh em người thợ săn, buông tuồng quyến rũ ái ân. Chúng lại nhẫn tâm khiến họ thành những con ma cụt đầu, nhà tan cửa nát vì chút yêu đương phù phiếm không được người dương gian đáp lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ