Theo Sputnik, các nhà nghiên cứu cho biết, đàn ông đối mặt với nguy cơ cao hơn là do đột biến gien TP53, gây cản trở hoạt động của protein p53, cũng như do các gen điều chỉnh p53 trên nhiễm sắc thể X. Loại đột biến gien này thường gặp ở đàn ông nhiều hơn và điều này cũng giúp lý giải phần nào phái mạnh lại dễ tử vong hơn khi mắc ung thư.
"TP53 là gien đột biến phổ biến nhất trong bệnh ung thư ở người, với trên một nửa loại bệnh ung thư có sự thay đổi gien gây cản trở chức năng của protein p53", Tiến sĩ Haupt, đồng tác giả nghiên cứu, giải thích.
Bên cạnh đó, nghiên cứu còn chỉ ra một số gien trên nhiễm sắc thể X có thể ảnh hưởng đến chức năng của protein p53, thậm chí còn không cần đến đột biến gien TP53. Do đàn ông chỉ có 1 nhiễm sắc thể X (nhiễm sắc thể của nam giới là XY) nên họ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn do gien điều chỉnh p53.
Theo Tiến sĩ Haupt, các phát hiện trên gộp lại đã hé lộ câu chuyện thú vị về cơ chế bảo vệ an toàn cho phụ nữ khỏi các bệnh ung thư do p53 gây ra qua ba lớp bảo vệ sinh học phức tạp.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên trang web chính thức của họ, các nhà khoa học đã nghiên cứu DNA của các bệnh nhân nam và nữ giới được chẩn đoán mắc 12 loại ung thư không sinh sản khác nhau để tìm hiểu sự khác biệt giới tính.
"Thứ nhất, phụ nữ ít có khả năng gây đột biến ở TP53. Thứ hai, sự hiện diện của các gien điều chỉnh p53 trên nhiễm sắc thể X có nghĩa là đàn ông đặc biệt dễ bị tổn thương trong các gien này”, Tiến sĩ Haupt nói.
Các kết quả nghiên cứu có thể góp phần tạo ra các loại thuốc mới nhằm kích hoạt lại p53 và giúp giảm nguy cơ ung thư.