Chỉ có một thời gian ngắn vào mùa xuân, băng trên hồ tan để lộ những gì giấu bên dưới. Khi đó, một bí mật khủng khiếp cũng được phơi bày: Hàng trăm bộ xương người lại hiện ra, ngổn ngang giữa lòng hồ.
Phát hiện đáng sợ
Vào năm 1942, các nhân viên kiểm lâm miền Bắc Ấn Độ đã tình cờ phát hiện ra hơn 200 bộ xương người ở một góc lòng hồ Roopkund khi băng tuyết đã tan gần hết. Sau đó, người ta tiếp tục tiến hành xem xét và phát hiện ra có tới hơn 800 bộ xương người với nhiều kích cỡ khác nhau rải rác khắp hồ Roopkund. Ngay lập tức, tin tức này đã gây chấn động trên toàn thế giới và được truyền thông khắp nơi đưa tin, với hàng loạt giả thuyết xuất hiện từ đó đến nay về nguồn gốc của những bộ xương bí ẩn này.
Vào thời điểm Chiến tranh Thế giới II, một số người cho rằng đó là thi thể của binh lính Nhật Bản. Nhưng kết quả giám định xương lại cho thấy, những hài cốt này ít nhất đã 100 năm tuổi. Do vậy, người ta hoài nghi đó là những bộ xương của một đội quân đến từ Kashmir đã mất tích trong chuyến hành quân ở dãy Himalaya vào năm 1841. Từ những số liệu ngày tháng và số người tử vong, một số chuyên gia đưa ra hàng loạt giả thuyết lý giải nguyên nhân như sạt lở đất, các cuộc tấn công bất ngờ của kẻ địch, bệnh tật hay tự sát tập thể...
Trong những năm 1960, người ta lại tiếp tục phát hiện được những bộ xương khác. Tuy nhiên, lần này những bộ hài cốt có niên đại lên đến 500 - 800 năm tuổi. Vì vậy, giả thuyết những bộ xương trên là của đội quân đến từ Kashmir nhanh chóng bị loại bỏ. Khi đó, nhiều người tin rằng nguyên nhân có thể bắt nguồn từ một cuộc xâm lược không thành công của Delhi Sultan vào thế kỷ XIV. Giả thuyết này thuyết phục được không ít người bởi số lượng bộ xương được phát hiện dường như là hậu quả của một cuộc chiến tranh từng xảy ra.
Thủ phạm là thiên nhiên?
Trong vài thập kỷ tiếp theo, không ai biết chắc chắn những bộ xương nổi ở hồ băng Roopkund là ai và họ đã chết như thế nào. Hồ Roopkund vốn nằm ở độ cao không có người sinh sống, nên sự tồn tại của một nhà mồ khổng lồ nơi đây là một điều rất đáng kinh ngạc. Không những vậy, cảnh tượng về những bộ xương chỉ hiện ra một lần trong năm càng khiến hồ Roopkund trở nên bí ẩn. Ở độ cao hơn 5.000m so với mực nước biển, khí hậu trên hồ Roopkund biến đổi vô cùng khắc nghiệt. Vì vậy, đến năm 2004, kênh National Geographic đã gửi một đội điều tra và làm bộ phim tài liệu về hồ Roopkund và đưa ra những kết luận khoa học chắc chắn hơn.
Tuy vậy, cũng phải mất vài năm, mãi cho đến cuối năm 2007, khi các nhà khoa học đã thu thập đầy đủ dữ liệu, sử dụng các phương tiện hiện đại nhất để phân tích, những bí ẩn của hồ xương khổng lồ chính thức được sáng tỏ. Các nhà khoa học kết luận rằng: Hơn 800 người nằm dưới lòng hồ Roopkund là những người Ấn Độ di cư hành hương lên hồ Roopkund cùng các cư dân sống quanh khu vực này. Một cơn mưa đá với tốc độ vô cùng lớn (hơn 160km/h) đã bất ngờ xảy đến khiến cho những người này không kịp tìm chỗ ẩn nấp và thiệt mạng. Một số ít trong số họ bị thương và sau đó bị chết vì đói, rét.
Thời gian của trận mưa đá này xảy ra cách đây khoảng hơn 1.000 năm. Việc những bộ xương này còn nguyên là do sự bảo quản của băng tuyết trong nền nhiệt thấp của vùng hồ Roopkund.
Mặc dù bí mật của hồ xương khổng lồ trên đỉnh nóc nhà thế giới đã được các nhà khoa học lí giải nhưng sức hút của nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Hàng năm, khi lớp băng giá bao phủ trên hồ tan chảy cũng là thời điểm hàng trăm nghìn khách du lịch mạo hiểm đến khám phá hồ xương có một không hai trên thế giới này.