Kinh tế khó khăn, vàng lấp lánh
Lý giải về việc giá vàng tăng sốc liên tục và hiếm thấy, hãng tin CNBC (Mỹ) dẫn lời một số chuyên gia phân tích: Nguyên nhân do việc bán tháo đồng USD và kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế tiếp tục tung ra trên khắp thế giới để khôi phục nền kinh tế hậu COVID-19.
Mới đây nhất, Liên minh châu Âu đã đạt thỏa thuận về một gói kích thích tài khóa khổng lồ, trị giá hơn 850 tỉ USD. Mỹ cũng đang bàn kế hoạch tung thêm một gói kích thích kinh tế mới, dù trước đó nước này đã tung ra gói kích thích kinh tế lên đến hàng ngàn tỉ USD kết hợp với hạ lãi suất đồng đôla.
Không đứng ngoài cuộc, hàng loạt nước khác cũng nới lỏng các chính sách về tiền tệ, hạ lãi suất để cứu nền kinh tế bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều này làm tăng nguy cơ lạm phát, tiền tệ mất giá và vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.
Ông Bart Melek, Giám đốc Ngân hàng TDSecurities, đánh giá đồng USD yếu đi, lãi suất thấp là hai yếu tố quan trọng thổi giá vàng tăng cao. Bởi USD thường được coi là đối thủ của kim loại quý khi nhà đầu tư có nhu cầu trú ẩn. Nói cách khác, vàng là một trong các công cụ lưu trữ giá trị trong thời kỳ kinh tế khó khăn, vì vậy nhà đầu tư tìm đến vàng để phòng trừ rủi ro và kim loại quý này trở nên lấp lánh. “Đồng USD vốn được xem là đối thủ trú ẩn an toàn cho vàng thỏi đã rớt thấp nhất trong vòng bốn tháng qua” - ông Bart Melek nói thêm.
Nhiều chuyên gia vàng cũng đồng tình với quan điểm trên, đặc biệt nhu cầu vàng liên tục tăng từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, dòng tiền từ các nhà đầu tư vẫn liên tiếp đổ vào vàng. Đáng chú ý, các ngân hàng trung ương, các quỹ đầu tư, các định chế tài chính vẫn tập trung vốn vào vàng.
“Chẳng hạn, chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, quỹ ETF đã mua vàng với số tiền lên tới gần 40 tỉ USD. Đây được xem là mức đầu tư nhiều nhất trong lịch sử của các quỹ đầu tư ETF. Đối với ngân hàng trung ương, họ đã mua vàng mạnh nhất từ nửa cuối năm ngoái đến nay và rất nhiều ngân hàng trung ương cho biết họ không có nhu cầu bán ra trong vòng nhiều năm tới. Đây là những lý do góp phần đẩy giá vàng lên” - ông Khánh dẫn chứng.
Ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia kinh tế, khuyến nghị rằng nếu đầu tư vào vàng trong thời điểm này, nhà đầu tư nên giữ trong dài hạn, tức là từ một năm trở lên. Nhà đầu tư không nên lướt sóng trong thời điểm này vì sẽ gặp nhiều rủi ro.
Ông Khánh cũng cho rằng trong bối cảnh giá vàng tăng khủng như hiện nay, nếu đầu tư vào bất động sản thì nên chọn phân khúc giá dưới 5 tỉ đồng đối với loại hình căn hộ và dưới 10 tỉ đồng đối với đất nền. “Bởi thực tế nhiều nhà đầu tư vào phân khúc căn hộ hạng sang đang chết đứng, không thể thoát hàng dù đã giảm giá rất sâu” - ông Khánh nói.
Hiện giá vàng miếng, vàng nữ trang mua vào-bán ra dao động quanh mức 51 triệu - 53 triệu đồng mỗi lượng, tùy thương hiệu. Mức giá này tăng trung bình từ 800.000 đến 1,4 triệu đồng mỗi lượng so với trước đó một ngày, thậm chí có đơn vị niêm yết giá bán tăng đến gần 2 triệu đồng mỗi lượng chỉ sau một đêm.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng cũng liên tiếp tăng mạnh. Mở cửa sáng 22-7, giá vàng tăng thêm 35 USD so với phiên giao dịch trước đó, lên mức 1.859 USD/ounce, tương đương 52,4 triệu đồng mỗi lượng. Tính chung, chỉ trong vòng hai ngày qua, giá vàng thế giới đã tăng gần 50 USD. Còn nếu so với hồi đầu năm nay, mỗi ounce vàng đã tăng hơn 20%.
Trong khi đó, TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhìn nhận: “Chứng khoán và vàng là hai kênh đầu tư nằm ngoài tầm kiểm soát của nhiều người cho dù khả năng phân tích có giỏi cỡ nào đi chăng nữa. Bằng chứng là trên thị trường chứng khoán không thiếu gì những câu chuyện về “cá mập” làm khuynh đảo cả thị trường. Còn thị trường vàng lại rất dễ bị tác động bởi các yếu tố về địa chính trị, thậm chí chỉ cần một dòng chia sẻ quan điểm cá nhân của tổng thống Mỹ trên Twitter cũng khiến giá vàng chao đảo”.
TS Minh cũng phân tích thông thường với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, mỗi khi thị trường vàng trong nước chao đảo, họ dễ rơi vào trạng thái nhấp nhổm không yên: Sợ không mua thì mất món hời nhưng nếu mua vô thì lo đứt vốn, lỗ. Trong khi đó, những nhà đầu tư chuyên nghiệp có trình độ, có khả năng phân tích thì ít đầu tư trong ngắn hạn. Thậm chí, khi nhận định được xu hướng thì họ đã kịp “ôm” vàng từ lâu rồi và giờ mới là thời điểm họ bán chốt lời.
“Tôi cho rằng mỗi kênh đầu tư đều có những ưu và nhược điểm khác nhau. Với những kênh đầu tư như gửi tiết kiệm, mua trái phiếu doanh nghiệp…, thường dành cho những người đề cao sự an toàn. Với những người ưa thích mạo hiểm, kỳ vọng lợi nhuận tốt hơn thì có thể tìm đến với bất động sản” - TS Minh chia sẻ.
Giá vàng sẽ tăng lên hơn 56 triệu đồng/lượng?
Giới phân tích cho rằng giá kim loại quý thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng. Một khảo sát của Reuters dự báo giá vàng sẽ tăng vọt trong vòng 18 tháng tới. Có những thời điểm giá vàng sẽ hạ một chút nhưng lãi suất thực dương quá thấp sẽ đẩy giá vàng theo xu hướng tăng.
Trong báo cáo toàn cảnh thị trường hàng hóa quý III-2020, Ngân hàng Citigroup dự đoán giá vàng sẽ cao kỷ lục trong 6-9 tháng tới và xác suất 30% giá vàng sẽ tăng lên mức 2.000 USD, tương đương 56,3 triệu đồng/lượng trong 3-5 tháng tới. Ngân hàng Goldman Sachs cũng từng dự báo giá vàng trong 3-6 tháng tới lên 1.800-1.900 USD và một năm sau lên 2.000 USD một ounce.
Với triển vọng giá tăng như vậy, liệu có nên mua đầu tư không. Trả lời câu hỏi này, ông Albert Cheng, Giám đốc điều hành Hiệp hội thị trường vàng thỏi Singapore, nhận định: Mặc dù nhìn thấy viễn cảnh giá vàng tăng 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay nhưng không có thời điểm nào là tốt để mua vàng. Nhìn chung, những người muốn mua vàng chỉ nên phân bổ đầu tư vàng 1%-5% trong danh mục đầu tư của mình.