Không chỉ là ngôi cổ tự giữ nhiều bảo vật quốc gia nhất nước ta, chùa Bút Tháp còn là di tích quốc gia đặc biệt ẩn chứa những thông điệp tinh tế trên từng bức chạm.
Chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự) thuộc xã Đình Tổ (Thuận Thành, Bắc Ninh) gắn với tên tuổi và sự nghiệp hành đạo của thiền sư Huyền Quang và Chuyết Chuyết.
Nơi đây không chỉ nổi tiếng với tháp đá Báo Nghiêm, với bức tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay, với Cửu phẩm liên hoa… mà trong từng nét chạm trổ trên lan can đá, không chỉ thể hiện sự độc đáo về nghệ thuật kiến trúc thời Lê - Nguyễn, mà còn ẩn chứa những thông điệp muôn đời về khoa cử và sự vinh hiển.
Trạng nguyên trụ trì
Tháp đá Báo Nghiêm chùa Bút Tháp. |
Theo TS Lê Viết Nga - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, ngoài giá trị của một di tích quốc gia đặc biệt, lưu giữ 4 nhóm bảo vật quốc gia (Tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm liên hoa, Hương án).
Chùa Bút Tháp còn hàng trăm hiện vật mà từng mảng miếng đều thể hiện sự độc đáo của kiến trúc - điêu khắc - mỹ thuật, thể hiện và đại diện cho lịch sử - văn hóa - tôn giáo thuộc hàng đặc sắc và độc đáo bậc nhất Việt Nam.
Theo TS Lê Viết Nga - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, mặc dù Bút Tháp là ngôi chùa cổ nổi tiếng của xứ Kinh Bắc, nhưng để xác định chính xác thời gian xây dựng thì cho đến nay, chưa có nhà nghiên cứu nào đưa ra được tài liệu và căn cứ thỏa đáng.
Một trong những tư liệu sớm viết về Ninh Phúc tự chính là sách “Địa chí Hà Bắc” khẳng định chùa có từ đời vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278).
Truyền thuyết “Tam tổ thực lục” kể rằng, thiền sư Huyền Quang vốn tên thật là Lý Đạo Tái sinh năm 1254. Ông có dung mạo dị thường, học giỏi đỗ cả thi Hương, Hội rồi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ khoa thi năm 1272 và làm quan đến chức Hàn Lâm.
Một hôm, Đạo Tái cùng vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm huyện Phượng Nhãn, nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh. Đạo Tái liền nhớ lại “duyên xưa” và xin xuất gia thụ giáo. Ông được cử làm thị giả của Trúc Lâm Đầu Đà và được ban pháp hiệu là Huyền Quang. Chính ông là người cho xây dựng ngọn tháp đá cao 9 tầng có trang trí hình hoa sen.
Theo TS Lê Viết Nga, vào thế kỷ 17 chùa trở nên nổi tiếng khắp nơi với sự trụ trì của Hòa thượng Chuyết Chuyết, người tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) sang Việt Nam năm 1633.
Năm 1644, Chuyết Chuyết viên tịch và được vua Lê phong là “Minh Việt Phổ giác Quảng tế Đại đức thiền sư”. Đây cũng là khoảng thời gian Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc rời bỏ cung thất, về chùa tu hành và xuất tiền đại tu bổ thiền tự.
Sang đầu thế kỷ 18, Ninh Phúc tự lại được tu sửa với quy mô lớn. Bia “Ninh Phúc thiền tự bi ký” và “Khánh Lưu bi ký” dựng năm 1714 chép rằng: “Chùa được các quan viên cho tu sửa thêm, chẳng tiếc ngàn vàng sắm mua toàn gỗ tốt, lại được dân làng góp sức và mời thợ cất dựng sửa sang. Với Điện thờ nguy nga, chùa chiền rộng rãi, trang điểm một bầu thế giới lưu ly”.
Đến năm 1876 khi kinh lý qua đây, thấy có ngọn tháp hình dáng khổng lồ nên vua Tự Đức đổi tên chùa Ninh Phúc là Bút Tháp.
Thông điệp “rất đời” nơi thiền tự
Bức chạm 'Đăng khoa'. |
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Bút Tháp luôn được bảo vệ, giữ gìn và trở thành một trong những địa chỉ nổi bật của giới nghiên cứu lịch sử - kiến trúc - mỹ thuật.
Đến nay, ngoài các hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, ngoài tháp Báo Nghiêm nổi tiếng, chùa Bút Tháp vẫn còn nhiều hạng mục chưa được giải mã thỏa đáng.
Số nhiều, là các bức chạm tỉ mỉ thời Lê - Nguyễn và ở những vị trí ít quan trọng của cổ tự. Một trong số đó là ba bức chạm trên lan can đá, mang tên: Đăng khoa, Phong hầu và Tước lộc.
Theo TS Nguyễn Xuân Diện - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bức chạm “Đăng khoa” được sử dụng nhiều trong các minh họa về văn học nghệ thuật dân gian. Bức chạm hình hai con cò (chữ Hán là Lộ 鹭) và hoa sen (Liên hoa 蓮花). Hình ảnh này ẩn dụ bốn chữ: Lộ Lộ Liên Hoa 鹭鹭蓮花 = Con cò, con cò và hoa sen.
“Lộ là cò, đồng âm với lộ 路 là con đường; liên hoa 蓮花 là hoa sen, đồng/cận âm với chữ Liên khoa 連科 (liền khoa thi này đến khoa thi khác, không bị rớt khoa). Lộ Lộ Liên Hoa 鹭鹭蓮花, cận âm với Lộ Lộ Liên Khoa 路路連科. Bức chạm là ẩn dụ lời chúc: Đường khoa cử chặng nào cũng thuận, tiếp liền thi và đỗ. Đây là lời cầu mong bên cạnh Tước lộc, Phong hầu ở bức chạm bên cạnh”, TS Nguyễn Xuân Diện cho hay.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, “Liên hoa” đúng là chơi chữ đồng âm với “liên khoa”, tức đậu liên tiếp mấy khoa thi. Nhưng khi có hai con cò thì sẽ là thành ngữ khác. Lúc này hoa sen trong đó không đọc “Liên hoa” mà đọc là “Thanh liên”. Cả câu sẽ là: Lộ lộ thanh liên 鹭鹭青蓮, ý này gợi từ đồng âm được hiểu là: Lộ lộ thanh liêm 路路清廉, tức lời nhắc đức thanh liêm của người làm quan.
Bức chạm thứ hai là “Phong hầu” - diễn tả cảnh khỉ đang trêu ong. Khỉ tên chữ Hán là Hầu 猴, ong là Phong 蜂 - đồng âm với hai chữ Phong Hầu 封侯. Bức chạm gợi thông điệp là ước mong về việc được Phong hầu. Cầu mong phong hầu nhưng còn cầu được sống lâu để hưởng nên có chạm cây đào đang cho chùm quả, để biểu thị cầu thêm thọ. Thọ lâu để hưởng phong hầu.
Bức chạm thứ ba là “Tước lộc” - chim sẻ và hươu. Chim sẻ tên chữ Hán là Tước 雀, hươu là Lộc 鹿 - đồng âm với Tước Lộc 爵祿. Bức chạm gợi thông điệp ước mong về việc được Tước lộc. Bức chạm còn khắc hình cành lựu trĩu quả, mà lựu nhiều hạt tượng trưng cho sự sinh sôi đông đúc chen chúc, cũng là biểu tượng phụ họa cho biểu tượng chính để cầu mong nhiều tước lộc.
Ở chốn thiền tự nhưng các bức chạm lan can đá lại gắn với các mong ước thành đạt khoa cử, được phong tước phong hầu - được coi là “rất đời”, cũng là điều đặc biệt ở chùa Bút Tháp luôn đòi hỏi các lý giải thấu đáo từ giới nghiên cứu.