Giải mã bí ẩn loại đá có khả năng nổi trên mặt nước

Các nhà khoa học tìm ra được cơ chế giúp đá bọt nổi được trong nhiều năm, cũng như hiện tượng chìm rồi nổi trở lại của chúng.

Giải mã bí ẩn loại đá có khả năng nổi trên mặt nước

Đá bọt là loại khoáng thạch có khả năng nổi trên mặt nước. Các nhà khoa học cho biết bên trong loại đá này có rất nhiều bong bóng khí, giúp giảm khối lượng riêng và tăng sức nổi cho chúng.

Tuy nhiên, cách những khối đá bọt giữ được không khí, ngăn việc rò rỉ trong suốt nhiều năm chỉ mới được phát hiện ra, theo International Business Times.

Sau khi chụp X-quang đá bọt, các nhà khoa học khẳng định bóng khí bên trong có kích thước tương đối lớn và được kết nối với nhau. Nếu nước lọt vào chỉ một bóng khí, sẽ không có gì ngăn cản nó ngấm vào trong và làm hòn đá chìm. Một bí ẩn khác là nhiều cục đá bọt ngấm nước và chìm, nhưng lại nổi lên sau đó không lâu.

Câu trả lời nằm ở sức căng bề mặt của phần nước bên trong khối đá. Đây cũng là yếu tố giúp một số loài côn trùng nhỏ nổi trên mặt nước mà không bị chìm. Sức căng bề mặt đóng vai trò như một lớp vỏ ngăn khối nước biến dạng. Kích thước càng nhỏ thì hiệu ứng này càng dễ nhận thấy.

"Rất nhiều bóng khí có kích thước nhỏ, giống những sợi tóc gắn lại với nhau. Điều đó khiến sức căng bề mặt có tác dụng rất lớn", nhà nghiên cứu Kristen Fauria cho biết. Sức căng bề mặt ngăn nước tràn vào bên trong các bóng khí. Hiện tượng chìm nổi xảy ra do không khí bên trong giãn nở trong thời tiết ấm.

Nghiên cứu này có thể hé lộ cách những khối đá bọt khổng lồ hình thành. Một số tảng đá bọt có đường kính lên tới 1 m, trong khi thông thường chúng chỉ to bằng quả táo. Đá bọt hình thành khi núi lửa phun trào trên mặt đất hoặc dưới nước. Nham thạch nóng chảy gặp nước liền bị đông cứng lại rất nhanh, giữ lại nhiều bóng khí bên trong.

Theo Vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ