Giải 'cơn khát'… đội ngũ giáo viên

GD&TĐ - Quyết định giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên (GV) trong giai đoạn 2022 - 2026 (riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế GV mầm non, phổ thông công lập) của Bộ Chính trị giúp ngành Giáo dục giải “cơn khát” đội ngũ, đặc biệt khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Nhà trường chủ động

Nhận định của thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình): Trong bối cảnh học sinh (HS) huy động đến lớp ngày càng tăng, yêu cầu bảo đảm chất lượng giáo dục ngày càng cao, biên chế GV không tăng gây ra áp lực không nhỏ đối với ngành Giáo dục. Việc được bổ sung biên chế giúp ngành kịp thời có đội ngũ, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Chia sẻ khó khăn hiện tại, thầy Nguyễn Tiến Dũng cho biết, căn cứ quy định về định mức GV/lớp, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học tại một số trường có số lớp ít. Có khi thừa GV các môn Ngữ văn, Toán..., nhưng thiếu GV dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật, Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên...

Ví dụ, ở môn Khoa học tự nhiên, các trường chỉ có GV đơn môn nên phải xếp lịch cho 2 - 3 GV dạy một môn học mới hoàn thành nội dung. Nhưng nếu trường đó không đủ GV Vật lý, Hóa học, Sinh học thì GV còn lại phải dạy cả phân môn chưa có GV đó; mặc dù các trường đã có nhiều giải pháp, như GV môn chuyên tham gia dạy liên trường, cử GV đi học các khóa đào tạo GV dạy môn tích hợp...

Năm học 2022 - 2023 thực hiện Chương trình GDPT 2018 đến lớp 3, lớp 7 và lớp 10 nên nhu cầu bổ sung đội ngũ GV càng trở nên cấp thiết. Thầy Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, công tác đội ngũ cần khẩn trương để các trường chủ động trong phân công chuyên môn cho năm học mới.

Nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục tiếp tục rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu GV còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026 để tham mưu, đề xuất cấp trên bổ sung biên chế GV, bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn địa phương.

Cùng với đó, thông tin sớm, công khai về chỉ tiêu biên chế tuyển dụng theo nhu cầu vị trí việc làm; có các hình thức thi tuyển, xét tuyển phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đặc biệt, cần quan tâm, tạo điều kiện xét tuyển đến thầy cô nhiều năm là GV hợp đồng vì họ đã có những đóng góp nhất định cho ngành, từng bước khẳng định được năng lực, kinh nghiệm giảng dạy.

Tại Trường THPT Mỹ Quý (Tháp Mười, Đồng Tháp), chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Trần Văn Hân, đội ngũ GV của trường hiện tại cơ bản bảo đảm; nhưng so với yêu cầu mới thì hầu hết các trường THPT trong tỉnh đều chưa có GV môn Mỹ thuật, Âm nhạc. Nhu cầu này trước mắt chưa có nguồn tuyển và những trường có ít HS thì rất khó khăn đáp ứng yêu cầu chọn môn của HS. Năm học 2022 - 2023 mới thay đổi ở khối 10, nhưng quyết định tổ chức lớp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến 2 năm học tiếp theo…

Từ thực trạng trên, với việc được bổ sung số biên chế, thầy Trần Văn Hân đề xuất, bên cạnh tuyển GV các môn còn thiếu thì trước mắt bồi dưỡng đội ngũ hiện có để bảo đảm giảng dạy chương trình mới là cấp thiết.

Khi đi vào thực hiện chắc chắn có những khó khăn phát sinh về thiết bị, phương pháp truyền đạt, kiểm tra đánh giá kết quả... nên các định hướng chuẩn bị cho các năm tiếp theo cần được Bộ GD&ĐT sớm công bố. Vì hiện nay, HS vào lớp 10 được lựa chọn các môn, cụm chuyên đề học tập, từ đó ảnh hưởng đến dự kiến nhu cầu GV của nhà trường và việc thừa, thiếu cục bộ GV sẽ ngày càng lớn hơn nếu dự đoán không sát với thực tế.

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên sinh hoạt chuyên môn.
Giáo viên Trường THCS Thụy Liên sinh hoạt chuyên môn.

Giải pháp đồng bộ

Một trong những hạn chế về đội ngũ của ngành Giáo dục Tiền Giang là số biên chế phân bổ chưa đồng đều; còn thiếu GV ở các môn: Ngoại ngữ, Tin học, Trải nghiệm, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Trong khi đó, tỉnh lại thừa GV các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Nghệ thuật. Việc được bổ sung biên chế trước thềm năm học mới, theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang là tin vui, giúp ngành có thể bảo đảm đội ngũ để triển khai Chương trình GDPT 2018.

Ông Lê Quang Trí cho biết, Sở GD&ĐT Tiền Giang đã tham mưu và UBND ban hành Đề án phát triển đội ngũ giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. Đề án đề ra 4 nhiệm vụ: Bổ sung biên chế, sắp xếp đội ngũ đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018; bảo đảm đủ GV trên lớp, đủ đội ngũ cán bộ quản lý; bảo đảm nguồn tuyển dụng; cơ cấu đội ngũ đáp ứng Chương trình GDPT 2018.

Để bảo đảm đủ GV, cán bộ quản lý, Đề án đưa giải pháp: Hằng năm, theo phân cấp quản lý, các đơn vị căn cứ quy hoạch cán bộ để xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện luân chuyển cán bộ, GV đúng quy định; biệt phái từ địa phương (cấp huyện) thừa sang địa phương thiếu, kể cả về số lượng và cơ cấu môn học. Tuyển bổ sung GV Tiếng Anh tiểu học, bảo đảm dạy đủ 4 tiết/tuần từ lớp 3; đồng thời tuyển bổ sung GV dạy văn hóa và các môn đặc thù khác ở tiểu học ở địa phương có tỷ lệ GV dưới 1,31/lớp, không kể GV dạy Tiếng Anh.

Phân công chuyên môn cho GV đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Bố trí, phân công GV hợp lý, kiêm nhiệm công tác khác để cân đối thời gian lao động trong các trường học, nhất là trường có quy mô nhỏ. Hợp đồng để bổ sung GV còn thiếu theo quy định tại Nghị định 102 của Chính phủ. GV hợp đồng được hưởng chế độ như GV tuyển dụng.

Giải pháp bảo đảm nguồn tuyển dụng, ông Lê Quang Trí cho biết: Hằng năm, căn cứ thực trạng thừa/thiếu GV, địa phương xác định nhu cầu đào tạo để bảo đảm nguồn tuyển; xây dựng tiêu chí tuyển chọn sinh viên sư phạm phù hợp với nhu cầu tuyển dụng.

Thực hiện hoặc phân cấp thực hiện việc tuyển dụng sinh viên sư phạm tốt nghiệp thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và bố trí vị trí việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo trong các cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành. Khuyến khích HS thi tuyển các trường CĐ, ĐH sư phạm trong và ngoài tỉnh; khuyến khích, tạo điều kiện du học nước ngoài bằng ngân sách và tự túc.

“Tiền Giang sẽ rà soát, sắp xếp, điều chuyển, bồi dưỡng đội ngũ, cơ cấu GV giảng dạy theo môn để số lượng GV các môn học, vừa phù hợp định mức quy định, vừa hợp lý theo thời lượng môn học trong chương trình; bảo đảm cơ cấu GV về trình độ chuyên môn được đào tạo, tuổi đời và tuổi nghề, giới tính theo thực tế đơn vị” - ông Lê Quang Trí chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ