Giấc thiền nơi cõi trời Đâu Suất thấy một Việt Nam 23 năm sau

Giấc thiền nơi cõi trời Đâu Suất thấy một Việt Nam 23 năm sau

(GD&TĐ) - Như thường lệ của mỗi ngày, vào khoảng nửa đêm tôi vào phòng riêng ngồi kiết già  và nhẹ nhàng đi vào giấc Thiền.Tôi bỗng thấy mình lâng lâng như làn gió mỏng bay vút vào cõi trời đâu suất. Nơi đây chỗ nào cũng thoang thoảng mùi trầm, rực sáng ánh mặt trời. Ở nơi này, tôi thấy Thích Ca, gặp Giê su và Mô Ha Mét, tôi còn được gặp Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng bố đẻ tôi đang nhập thiền trên toà sen rực rỡ muôn sắc.

Được biết sinh thời Phật hoàng Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi cho con trai làm vua Trần, Người đã dạo gót đến đất Yên Tử để đứng trên núi cao thấy được thế nước, tìm cách ngăn quân phương Bắc, cứu nhân độ thế cho dân tộc Đại Việt.Tôi còn thấy Trần Hưng Đạo với dáng người lao bác phong sương, nho nhã đang soạn lại Vạn kiếp bí truyền, gặp Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và bác học Lê Quý Đôn. Bỗng dưng tôi thấy mình trẻ lại ở tuổi 30, cái tuổi mà Thái tử Tất Đạt Đa ngồi đắc đạo dưới cây Bồ đề, thành Phật Thích Ca mâu ni, sau những giây phút dạo chơi thanh thản trên bờ sông Ni liên Thiền; tuổi mà Giê Su bắt đầu đi truyền giáo; Mô Ha Mét bơi ngược dòng sông để cứu vớt các linh hồn tử vì đạo; hai bà Trưng phất cờ nương tử thay quyền tướng quân để trả nợ nước thù nhà. Tâm tình với Trần Hưng Đạo, tôi nghe thấy hào khí Đông A, tinh thần độc lập tự cường không hề biết sợ kẻ thù xâm lược của một dân tộc có truyền thống mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đàm đạo với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi ngộ được quá khứ vị lại của dân tộc. Trong giấc Thiền, tôi đã thấy được thực trạng của nền giáo dục và đào tạo nước nhà. 

Từ ngàn xưa, dân tộc Việt Nam đã có câu: Đạo trị nước, yên thiên hạ trước hết là nuôi dưỡng thần khí. Thần khí có ở vạn vật trong trời đất, đối với con người nó là hạo khí tiên thiên, là phần cốt tủy nhất, vì nó chứa đựng những tiềm năng để tạo nên sức mạnh tinh thần và tri thức con người, rồi từ đó hình thành nên sức mạnh vật chất có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh quốc gia theo sự thăng trầm của lịch sử. Thần khí là là yếu tố nội sinh tạo ra sức mạnh của trí huệ. Thần khí với tình đức hàm chứa lẫn nhau tạo ra trí huệ để cứu rỗi nhân loại và tô điểm cho càn khôn. Tình đức cũng là một năng lực đầy sức tiềm ẩn, đầy quyền năng, nó luôn tỏa sáng và chinh phục nhân tâm, tạo nên sức mạnh kết nối cộng đồng. Tình đức ở đây là tính nhân bản, có tâm trong sáng, lòng vị tha, biết hy sinh quên mình và xả thân vì nghĩa lớn.

Khác với quan niệm giáo điều của Khổng giáo, chúng tôi cho rằng trí huệ một phần là do bẩm sinh được thừa hưởng từ gen của tiền nhân, nhưng phần lớn hơn là do được giáo dưỡng, vun đắp từ khi còn tuổi ấu thơ cho đến mãi sau này. Nếu không có trí huệ vượt hẳn người đời thì Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã không được thống lĩnh binh quyền trở thành Quôc công tiết chế cùng toàn quân và dân đánh tan quân Nguyên Mông bảo vệ núi sông, bờ cõi và còn để lại cho hậu thế Vạn Kiếp Tông Bí Truyền thư, ông thực sự là bậc chính trị đại tài, là nhà quân sự lỗi lạc, nhà ngoại giao xuất sắc, một đại văn hào và là anh hùng của dân tộc. Nếu không có trí huệ vượt không gian và thời gian thì Phật hoàng Trần Nhân Tông đã không để lại được cho Việt Nam dòng Thiền Phái Trúc Lâm muôn đời mang đặc sắc văn hóa tâm linh Việt Nam. Nếu không có trí huệ vượt ra khỏi cái học tầm chương trích cú thì Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không để lại được cho dân tộc sấm truyền dự báo 500 năm về trước và 500 trăn năm về sau và nhà bác học Lê Quý Đôn không có được quyển thượng, quyển hạ Kiến Văn Tiểu Lục để lại cho hậu thế muôn đời. Vì thế mà giáo dục và đào tạo giữ một vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra thần khí là phẩm chất nội sinh vốn có ở các bậc chân hiền.

Nhận thức được sâu sắc đạo lý đó, vào năm Đại Bảo thứ ba (1442) ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Thân Nhân Trung đã viết trên bia tiến sĩ khoa Nhâm Tuất: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà càng lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp”. Bởi vậy, các bậc vua tài giỏi ngày xưa, chẳng đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài, bồi đắp nguyên khí. 

Nhìn lại nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam trong những năm qua, vẫn còn thua kém khá xa so với nhiều nước trên thế giới. Trong thực tế cuộc sống, có rất nhiều người mà sự làm nghề lại đi trước sự học, bởi những sáng tạo của họ vượt quá xa so với trình độ học thức có thể chưa qua bậc tiểu học. Chúng tôi muốn nhấn mạnh điều này để tất cả mọi người có được cái nhìn chân xác hơn về năng lực sáng tạo của con người, nó không chỉ giới hạn ở điểm số trong các kỳ kiểm tra, kỳ thi, ở bằng cấp, ở học hàm này, học vị kia mà nó phụ thuộc rất nhiều vào các phẩm chất khác trong sâu thẳm của mỗi con người.

Trong quá khứ cũng như hiện tại, ở bất cứ xã hội nào cũng vậy đều trân trọng chân tài thực sự. Chân tài thực sự được thể hiện qua công việc và sự cống hiến của họ ở bất cứ cương vị nào, dù người đó có bằng cấp hay không, có học thức đến đâu, vì thế mà chân tài thực sự không chỉ đo bằng học vị, chức danh, nhãn hiệu mà phải xuất phát từ công lao và sự cống hiến thực sự có giá trị về cả tinh thần và vật chất cho gia đình, cho xã hội, cho nhân loại.

Có một lời kinh trong sấm ký của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rằng:

“Hồng lam ngũ bách nghinh thiên hạ

Hưng tộ diên trường ức vạn xuân”

Giải lời kinh này, phải chăng đang ứng nghiệm với Việt Nam 23 năm sau. 

Tôi nhẹ nhàng ra khỏi giấc Thiền, nhìn qua cửa sổ thấy chòm sao Đại Hùng lấp lánh, lung linh như báo hiệu những mùa Xuân tươi sáng của dân tộc, hòa chung niềm vui với thế giới đại đồng.

                                                                                   Nhạc sĩ, Tiến sĩ, Trần Văn Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ