Tuy nhiên, khả năng tận dụng thành công cơ hội lại là câu chuyện khác. Bài học thất bại ở chiến dịch World Cup 2015 của đội nữ Việt Nam vẫn còn nguyên tính thời sự.
Cơ hội mở ra
Bóng đá Việt Nam từng hai lần góp mặt ở sân chơi mang tên World Cup. Ở nội dung futsal, tuyển Việt Nam đã dự World Cup Futsal 2016 và mới đây giành vé đến Lithuania tham dự VCK 2021.
Trong khi đó ở sân 11 người, U20 Việt Nam cũng khiến tất cả phải thán phục với việc giành quyền tới U20 World Cup 2017. Dẫu vậy, World Cup dành cho các đội tuyển nam, nữ quốc gia vẫn là điều mà tất cả vẫn còn phải mòn mỏi chờ đợi.
Mới đây, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã thông báo về việc phân suất dự World Cup bóng đá nữ 2023 tại Australia và New Zealand. Theo đó, World Cup bóng đá nữ 2023 sẽ có sự tham dự của 32 đội bóng thay vì 24 đội như những kỳ trước đây.
Ngoài 6 suất chính thức, 2 suất dự vòng play-off của châu Á sẽ tranh tài với 8 đội bóng của các khu vực khác (2 châu Phi, 2 Bắc Trung Mỹ và Caribê, 2 Nam Mỹ, 1 châu Đại Dương, 1 châu Âu) để tranh 3 vé cuối cùng tham dự World Cup 2023.
Do Australia là một trong hai nước đồng chủ nhà và hiển nhiên giành quyền dự giải nên châu Á chỉ còn lại 5 suất trực tiếp. Vậy nên, xét theo trình độ của bóng đá nữ châu Á lúc này, có thể thấy 3 suất dự World Cup 2023 đầu tiên sẽ khó thoát khỏi tay Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. 2 suất còn lại sẽ là sự cạnh tranh của nhóm đội gồm: Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan, Uzbekistan, Myanmar và đặc biệt là Cộng hòa DCND Triều Tiên.
HLV Mai Đức Chung chia sẻ: “Tôi đánh giá tuyển nữ Việt Nam có 90% cơ hội dự giải. 10% còn lại vẫn do chính chúng ta quyết định, đó là khâu tâm lý. Vì vậy, khâu tâm lý của các tuyển thủ cần được chuẩn bị kỹ càng ngay cả khi điều ấy đã được cải thiện trong những năm gần đây”.
Cuối tháng 6 vừa qua, LĐBĐ châu Á (AFC) đã tiến hành bốc thăm chia bảng vòng loại Asian Cup 2022, giải đấu được tính là vòng loại World Cup nữ 2023. Theo kết quả, đội nữ Việt Nam nằm ở bảng đấu với 3 đối thủ khác là Tajikistan, Maldives và Afghanistan.
Bảng đấu này dự kiến được tổ chức tại Tajikistan vào tháng 9 tới. Đội dẫn đầu bảng đấu sẽ đoạt vé dự VCK Asian Cup 2022. Hiện tại, tuyển nữ Việt Nam xếp hạng 33 thế giới, trong khi Tajikistan (135), Maldives (144) và Afghanistan (152).
Tấm vé dự VCK Asian Cup 2022 được đánh giá nằm trong tầm tay của đội tuyển nữ Việt Nam. Tuy vậy, HLV Mai Đức Chung vẫn rất thận trọng cho biết: “Đội tuyển nữ Việt Nam sẽ gặp những đối thủ đang kém chúng ta rất nhiều về thứ hạng trên bảng xếp hạng thế giới, mọi người sẽ nghĩ chúng ta có cơ hội, nhưng đối với cá nhân tôi không hề chủ quan, luôn coi trọng đối thủ vì chúng ta tiến bộ, các đối thủ cũng sẽ tiến bộ”.
VCK Asian Cup 2022 có sự tham dự của 12 đội thay vì 8 so với trước, dự kiến tổ chức vào tháng 10 và 11 tại Ấn Độ. Vòng loại có 28 đội tham dự, được chia làm 8 bảng đấu (4 bảng 4 đội và 4 bảng 3 đội).
8 đội dẫn đầu mỗi bảng sẽ đoạt vé dự VCK cùng 4 đội tuyển khác là Nhật Bản (ĐKVĐ), Trung Quốc (Á quân), Australia (hạng 3) và Ấn Độ (chủ nhà). Các suất dự World Cup bóng đá nữ 2023 của khu vực châu Á sẽ được xác định dựa vào thành tích tại VCK Asian Cup 2022.
Nhầm lẫn mang tên… Triều Tiên?
Dù tăng số đội tham dự World Cup nữ 2023 từ 24 lên 32 nhưng theo phân bổ của FIFA, châu Á chỉ có 6 suất (trong đó 1 suất được tính luôn cho đồng chủ nhà Australia, còn 5 suất cũng như 2 kỳ World Cup 2015, 2019), chứ chẳng phải 8 hay 8,5 suất như … dự tính.
Vậy là FIFA chỉ cho bóng đá châu Á thêm 2 suất vé vớt. Điều đó cho thấy, sự tiến bộ của bóng đá nữ châu Á, qua các giải đấu, vòng loại tầm thế giới không như kỳ vọng của FIFA.
Đặc biệt, vào thời điểm FIFA công bố số suất đi World Cup 2023 cho châu Á, truyền thông Việt Nam rộ lên thông tin bóng đá CHDCND Triều Tiên vi phạm quy chế thi đấu tại vòng loại Olympic Tokyo nên không được quyền tham dự VCK Asian Cup 2022.
Mới đây, đội tuyển bóng đá nam Triều Tiên rút khỏi vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á và vòng loại Asian Cup 2023 do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Thế nhưng, không có án “cấm thi đấu” nào được AFC đưa ra cho bóng đá Triều Tiên. Đội tuyển bóng đá nữ Triều Tiên vẫn có tên trong danh sách bốc thăm vòng loại Asian Cup 2022. Theo kết quả, các cầu thủ nữ Triều Tiên nằm ở bảng C, cùng với những đối thủ dưới cơ là Singapore, Iraq, Indonesia. Một suất đến Ấn Độ coi như đã nằm trong tay đội tuyển nữ Triều Tiên.
Sở dĩ cần nhấn mạnh đến cái tên Triều Tiên bởi bóng đá nữ của quốc gia này nhiều lần giành chức vô địch châu Á, Đông Á, đạt thành tích cao tại các sân chơi như World Cup nữ, bóng đá nữ Olympic.
Với bóng đá nữ châu Á, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc luôn luôn nằm ở nhóm dẫn đầu và 5 suất tham dự World Cup khó thoát khỏi tay họ. Cơ hội tiệm cận đến các sân chơi lớn cho các đội nhóm 2 châu Á như Việt Nam hay Thái Lan luôn phụ thuộc vào sự vắng mặt hay có mặt của đội nữ Triều Tiên.
Như ở vòng loại thứ 3 môn bóng đá nữ Olympic Tokyo 2020, đội nữ Việt Nam được xếp vào bảng A cùng CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc và Myanmar. Hai đội nhất nhì sẽ giành quyền vào vòng đấu loại trực tiếp giành vé đến Nhật Bản. Với tương quan bảng A, 2 vé đi tiếp coi như nằm trong tay Triều Tiên và Hàn Quốc.
Nhưng đội nữ Triều Tiên rút lui vào phút cuối nên đội nữ Việt Nam cùng Hàn Quốc đi tiếp. Thầy trò HLV Mai Đức Chung đứng nhì bảng A, thắng Myanmar 1 - 0 và thua Hàn Quốc 0 -3. Ở vòng đấu sau, đội tuyển Việt Nam thua 1 - 7 trước đội tuyển Australia sau 2 lượt trận.
Trong lịch sử thi đấu, đội tuyển nữ Việt Nam luôn thất bại trước đội tuyển nữ Triều Tiên. Tại vòng loại cuối Olympic Rio 2016, nữ Việt Nam thua Triều Tiên 0 - 1. Trước đó, đội nữ Việt Nam thua đậm 0 - 5 trước Triều Tiên tại bảng C môn bóng đá nữ Asiad 2014.
Ngay cả các đội trẻ, bóng đá Việt Nam cũng không thắng được đội trẻ Triều Tiên. Cần nói thêm là đội tuyển nữ Triều Tiên đã 4 lần đoạt vé tham dự World Cup trong 6 lần tham dự.
Bài học về tận dụng cơ hội
7 năm trước bóng đá nữ Việt Nam có cơ hội cạnh tranh vé dự World Cup 2015, điều tưởng như câu chuyện “hoang đường”. Nhưng năm đó, theo thông báo mới đây từ FIFA, World Cup dành cho các cầu thủ nữ vào năm 2015, giải đấu tổ chức tại Canada sẽ có tất cả 24 đội tuyển, thay vì 16 như trước đây.
Khu vực châu Á có 5 suất chính thức được góp mặt thay vì chỉ có 3 như các kỳ World Cup trước đây. Đặc biệt, đội CHDCND Triều Tiên bị cấm tham dự World Cup 2015 vì có 5 cầu thủ bị phát hiện sử dụng chất kích thích tại VCK World Cup trước đã mở ra cơ hội cho các đội bóng ở nhóm hai như Việt Nam, Myanmar và Thái Lan.
Theo kết quả bốc thăm VCK Asian Cup 2014, đội tuyển nữ Việt Nam nằm cùng bảng A với đương kim vô địch Australia, Á quân Nhật Bản và Jordan. Bảng B gồm Thái Lan, Myanmar, Hàn Quốc và Trung Quốc. 2 đội đứng đầu mỗi bảng sẽ giành quyền vào bán kết.
Tuy nhiên, do châu Á có 5 suất dự World Cup 2015 nên hai đội xếp hạng ba mỗi bảng sẽ đá một trận play-off để tranh chiếc vé còn lại. Như thế, cơ hội lần đầu tiên được tranh tài ở World Cup rất rộng mở đối với các cô gái của chúng ta, nhất là khi Việt Nam lại là nước chủ nhà.
Thất bại 1 - 2 trước kình địch Thái Lan, ngay trên sân Thống Nhất đã khiến Việt Nam lỡ cơ hội lần đầu tiên tham dự World Cup. Thế nên, cho đến bây giờ, World Cup vẫn là giấc mơ với bóng đá Việt Nam và cả người Việt Nam.
Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam tiến gần tới việc hiện thực hóa giấc mơ như 7 năm trước. Đã có những giọt nước mắt rơi trên sân vận động Thống Nhất nhưng không đủ để làm nên phép màu cho các cô gái áo đỏ, cho dù đội tuyển Việt Nam có đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để làm nên lịch sử.
Vậy nên, cơ hội là một chuyện còn thực tế sẽ không dễ như chúng ta từng lạc quan sau khi World Cup 2023 nâng số đội và thông tin nhiễu loạn về việc đội nữ Triều Tiên “bị cấm thi đấu”. Hiện tại, sau cú đúp vô địch, Đông Nam Á và HCV SEA Games 2019 đến nay, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam mới chỉ đá 4 trận vòng loại Olympic Nhật Bản 2020.
Kế hoạch tập trung chuản bị cho SEA Games 31 vẫn còn bỏ ngỏ. Bởi Liên đoàn thể thao Đông Nam Á chưa có quyết định chính thức về việc hoãn SEA Games 31, nhưng khả năng lớn sự kiện này sẽ được tổ chức vào tháng 4/2022.
Ngay cả Đài Loan cũng không phải là đối thủ dễ chơi cho đội tuyển nữ Việt Nam. Trong những lần chạm trán nhau ở những năm gần đây, đáng nhớ nhất là cuộc đối đầu tại tứ kết Asiad 2018.
Khi đó, đội tuyển nữ Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội nhưng không thể tận dụng. Với kết quả hòa 0 - 0, hai đội bước vào loạt sút luân lưu và Đài Loan giành quyền đi tiếp với chiến thắng 4 - 3.
Theo quan điểm của HLV Mai Đức Chung, không chỉ Thái Lan, cả Đài Loan, Uzbekistan, Jordan hay Iran cùng đều có sự đầu tư mạnh mẽ và chắc chắn sẽ trở thành những đối thủ đáng gờm.
“Thái Lan đã từng đi World Cup rồi nhưng họ vẫn tiếp tục đầu tư. Rồi đến Đài Loan, Uzbekistan, Iran, Jordan… tất cả những đội đó đều đang cố gắng phấn đấu để có lần đầu tiên tham dự World Cup. Bởi thế sự cạnh tranh là rất lớn” – ông Chung nhấn mạnh.
Điều đó cho thấy, các trận đấu tại VCK Asian Cup 2022, xác định vé đi World Cup 2023 sẽ rất khó lường.