Giấc mơ phủ sóng Internet của Elon Musk

GD&TĐ - Dự án Starlink của tỷ phú Elon Musk là một trong những thành phần quan trọng hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Vệ tinh Starlink nằm cách Trái đất khoảng 600km.
Vệ tinh Starlink nằm cách Trái đất khoảng 600km.

Tuy nhiên, tính khả thi của dự án này còn nhiều tranh cãi.

Mang Internet đến những nơi khó khăn

Kể từ tháng 2/2022, hạ tầng kết nối Internet tại Ukraine gặp sự cố nghiêm trọng, không thể sử dụng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại nước này. Đến ngày 26/2, Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov gửi thông điệp tới tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk trên mạng xã hội Twitter rằng: “Chúng tôi đề nghị ông cung cấp các trạm Starlink cho Ukraine”.

Sáng 27/2, Musk trả lời: “Dịch vụ Starlink hiện đã hoạt động ở Ukraine. Thêm nhiều thiết bị đầu cuối đang trên đường đến”.

Fedorov nhanh chóng đáp lại: “Các thiết bị Starlink sắp đến Ukraine. Cảm ơn Elon Musk, cảm ơn mọi người, những người đang ủng hộ Ukraine”. Từ đó đến nay, hệ thống liên lạc Starlink được phát triển bởi SpaceX, công ty của tỷ phú Elon Musk, đã cho phép người dân và quân đội Ukraine truy cập Internet.

Công nghệ này cũng đóng nhiều vai trò quan trọng trong các chiến dịch quân sự của Ukraine như kết nối máy bay không người lái để tấn công lực lượng Nga.

Tuy nhiên, tương lai của Ukraine trong việc sử dụng Starlink ngày một không chắc chắn. Hồi tháng 9, SpaceX được cho là đã gửi thư đến Lầu Năm Góc, thông báo không thể tiếp tục tài trợ dịch vụ Starlink cho chính phủ và quân đội Ukraine như trước, đồng thời yêu cầu chính phủ Mỹ tiếp quản tài trợ.

Starlink là kế hoạch tham vọng của SpaceX và Elon Musk trong việc phủ sóng Internet tại những khu vực khó tiếp cận như những nơi cáp Internet không thể vươn tới hoặc khu vực có cơ sở hạ tầng mạng bị tàn phá bởi xung đột hay thiên tai.

Khi tỷ phú Elon Musk lần đầu đề cập đến dự án Starlink, nhiều người đã hoài nghi về khả năng cung cấp Internet vệ tinh cho toàn thế giới. Nhưng hiện nay, các vệ tinh Starlink đã phủ sóng trên quỹ đạo quanh Trái đất.

Starlink là một hệ thống vệ tinh bao phủ toàn Trái đất. Các vệ tinh cho phép người sử dụng truy cập Internet bằng cách vận chuyển dữ liệu qua ánh sáng, tương tự như mô hình của cáp quang. Việc chuyển giao dữ liệu này được thực hiện nhờ một mạng lưới các vệ tinh nhỏ, kết nối với máy thu được cài đặt từ mặt đất.

Ước tính, hiện nay SpaceX đã phóng 3 nghìn vệ tinh trong quỹ đạo hành tinh thấp với độ cao khoảng 2.000 km so với bề mặt Trái đất. Các vệ tinh có chung quỹ đạo quay với Kính viễn vọng không gian Hubble và các trạm vũ trụ quốc tế.

SpaceX bắt đầu phóng các vệ tinh Starlink vào năm 2019. Elon Musk tiết lộ công ty có kế hoạch mở rộng mạng lưới lên tới 12 nghìn vệ tinh, thậm chí là 42 nghìn.

Thiết bị đầu cuối của một vệ tinh Starlink được lắp đặt tại Ukraine.

Thiết bị đầu cuối của một vệ tinh Starlink được lắp đặt tại Ukraine.

“Khủng bố” quỹ đạo Trái đất

Ban đầu, các vệ tinh Starlink không có khả năng kết nối liên lạc laser. Nếu một vệ tinh Starlink muốn gửi dữ liệu đến một vệ tinh khác trong hệ thống, nó sẽ phải truyền dữ liệu xuống máy thu dưới mặt đất, sau đó máy thu chuyển thông tin qua mạng Internet mặt đất đến một trạm khác nằm trong phạm vi của vệ tinh nhận dữ liệu. Điều này làm tăng độ trễ của việc chuyển thông tin và đòi hỏi nhiều máy thu dưới mặt đất.

Hiện nay, SpaceX đã khắc phục được trở ngại này bằng cách thiết kế các vệ tinh liên lạc bằng laser để hình thành các mối liên kết giữa các vệ tinh, tạo ra mạng lưới rộng khắp trong không gian.

Nhờ vậy, dữ liệu có thể chuyển trực tiếp giữa các vệ tinh với nhau mà không cần qua trung gian là các máy thu dưới mặt đất. Nhưng các máy thu này vẫn cần thiết vì vai trò của chúng là các trạm cuối truyền và nhận dữ liệu từ Internet.

Tuy nhiên, số lượng máy thu và vị trí địa lý của chúng ít quan trọng hơn. Điều này cũng đáp ứng mục tiêu là mở rộng mạng lưới Internet đến những nơi có cơ sở hạ tầng khó tiếp cận.

Trên thực tế, Starlink không phải là dịch vụ đầu tiên cung cấp Internet vệ tinh nhưng dự này chiếm nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh. Điểm nổi bật nhất là vệ tinh Starlink quay quanh Trái đất ở độ cao từ 328 đến 614 km, thấp hơn đáng kể so với vệ tinh

HughesNet, một trong những đối thủ cạnh tranh chính của Starlink. HughesNet quay quanh Trái đất ở độ cao 35 nghìn km. Quỹ đạo thấp cho phép Starlink truyền dữ liệu nhanh gấp 10 lần so với HughesNet.

Tuy nhiên, nhìn chung tính đến thời điểm hiện tại, Starlink mới có mặt ở 40 quốc gia bao gồm Mỹ, Canada, phía Trung và Nam châu Âu, một phần của châu Mỹ Latinh và phía Nam Australia. Nói cách khác, nhiều khu vực mà Starlink dự định triển khai ban đầu vẫn chưa được bao phủ Internet.

Nguyên nhân một phần do Internet vệ tinh Starlink có chi phí tương đối đắt đỏ. Đơn cử, việc SpaceX viện trợ cho Ukraine tính đến nay là 80 triệu USD và dự kiến tốn hơn 120 triệu USD đến hết năm nay và gần 400 triệu USD cho 12 tháng tới.

Một nguyên nhân khác là Internet vệ tinh hầu như không có giá trị sử dụng ở những vùng có mạng lưới Internet phủ sóng tốt hoặc khả quan.

Trong thời gian gần đây, việc sử dụng Internet do Starlink cung cấp cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều chuyên gia nhận định SpaceX đang “chen chúc” trên quỹ đạo quanh Trái đất. Nếu SpaceX đạt mục tiêu phóng 42 nghìn vệ tinh Starlink vào quỹ đạo trong những năm tới, các nhà khoa học lo ngại điều này sẽ “khủng bố” quỹ đạo, gây nguy hiểm cho các vệ tinh khác và cản trở khả năng quan sát của các nhà thiên văn học từ Trái đất.

Một vấn đề khác là tuổi thọ tương đối ngắn của các vệ tinh Starlink. Ước tính, chúng sẽ ngừng hoạt động sau 5 năm. Tuy nhiên, thay vì quay trở lại Trái đất sau khi ngừng hoạt động, chúng vẫn ở trong không gian, gây ra tình trạng tích tụ các mảnh vỡ không gian. Điều này làm tăng nguy cơ ô nhiễm ánh sáng.

Theo DW

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ