Rất nhiều em trong số này, mặc dù Ban giám hiệu nhà trường đã nhiều lần động viên, thuyết phục gia đình đưa con đi giám định để có giấy chứng nhận HS khuyết tật, có thể áp dụng giảm tải chương trình học so với chuẩn kiến thức – kỹ năng nhưng gặp sự chống đối quyết liệt từ phụ huynh. Không chấp nhận con mình “học dở”, có khiếm khuyết hoặc ở một chiều hướng khác, nhồi nhét cho con học quá nhiều, nhiều phụ huynh đã tước mất nhiều cơ hội phát triển của trẻ.
Thầy Nguyễn Thái Phong – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu kể, năm nay gần như không có phụ huynh nào có con trong diện lưu ban sau khi đã học phụ đạo và kiểm tra đánh giá lại trong hè đến gặp Ban giám hiệu năn nỉ “chiếu cố”, “vớt” cho con họ lên lớp với lời hứa hẹn sẽ mời thêm gia sư về kèm cặp.
“Năm học trước, có không ít phụ huynh vừa năn nỉ vừa gây áp lực với Ban giám hiệu để xin cho con được lên lớp. Nhà trường phải kiên trì động viên, giải thích rằng để cho một HS lưu ban, GV và nhà trường đều vất vả, nhưng trẻ cần có thêm thời gian để đáp ứng các kỹ năng tối thiểu cần thiết. Và để một HS lên lớp khi không đủ chuẩn là một tội ác vì càng lên các lớp trên các em càng đuối, không theo kịp các bạn khi kiến thức nhiều hơn, yêu cầu cao hơn” – thầy Phong chia sẻ.
Trong số 39 HS cần phải theo dõi của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, chỉ có 9 em có thẻ chứng nhận người khuyết tật. Nhà trường tự xây dựng hồ sơ theo dõi những HS “gặp khó khăn về học” với ý nghĩa theo dõi sự phát triển của HS để có những hỗ trợ, điều chỉnh cần thiết trong quá trình dạy học của GV như giảm yêu cầu ở mức phù hợp với khả năng tiếp nhận của HS. Theo thầy Nguyễn Thái Phong “đây là sự linh động của nhà trường, theo kiểu HS đáp ứng được chừng nào hay chừng đấy. Thế nhưng, vì không phải là HS khuyết tật nên khi kiểm tra đánh giá, các em vẫn phải làm chung đề thi như các bạn bình thường”.
Gần như rất ít HS lớp Một nào ngay từ đầu năm học, trong hồ sơ HS của các em có kèm theo giấy chứng nhận khuyết tật. Sau một tháng của chương trình học, qua theo dõi khả năng ghi nhớ, phản hồi của HS cũng như sự tương tác với các bạn trong lớp, GV chủ nhiệm báo cáo lên Ban giám hiệu tình trạng cũng như mức độ của HS để nhà trường mời phụ huynh đến trao đổi. Rất nhiều phụ huynh đã phản đối quyết liệt, cho rằng con họ bình thường, cho dù cô giáo trao đổi rằng bé bị rối loạn hành vi như thường xuyên vô cớ cào cấu, đánh bạn, giật tóc bạn… mà nhà trường thì không có chế tài gì để bắt buộc phụ huynh đưa con đi khám.
Cô Huỳnh Thị Thanh Hòe, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu chia sẻ: Có trường hợp HS 6 – 7 tuổi nhưng khả năng nhận thức chỉ mới bằng trẻ 3 – 4 tuổi. Chính vì vậy, đúng ra 11 tuổi, em phải là HS lớp 5 nhưng trên thực tế, em chỉ mới đang học lớp 3. “Chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng vì khi lên lớp 3, em lại học vững, tiếp thu bài tốt. Thế nên, việc ở lại lớp cũng chính là khoảng thời gian giúp HS thẩm thấu kiến thức và hình thành kỹ năng tốt hơn chứ cũng không có gì là quá nặng nề” – cô Hòe cho biết.
Từ câu chuyện của 39 HS có “hồ sơ hỗ trợ đặc biệt” của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, thầy giáo Nguyễn Thái Phong cho rằng, kể từ khi Bộ GD&ĐT có Thông tư 30 về đánh giá HS tiểu học mà sau này là Thông tư 22, đối với các trường học, vấn đề HS ở lại lớp không còn quá nặng nề, áp lực nữa nhưng cốt lõi vẫn nằm ở tâm lý con người.
Tâm lý một phụ huynh có con bị lưu ban ngay ở những năm đầu của bậc tiểu học là buồn, nhưng phụ huynh cũng phải hiểu rằng, không phải đứa trẻ nào cũng có năng lực tiếp thu xuất sắc, hãy vì sự phát triển của con thay vì sĩ diện của mình để con được học đúng khả năng, đừng cố gắng “đẩy” con lên lớp. Thành công của mỗi con người không chỉ đơn giản ở chỗ học giỏi, học thông suốt từ bậc học này đến bậc học khác mà phải cho con có điều kiện phát huy được điểm mạnh của mình, với điểm tựa vững chắc là gia đình và sự hỗ trợ của thầy cô giáo.