Giá xăng dầu có thể làm tăng CPI khoảng 0,1%

Giá xăng dầu có thể làm tăng CPI khoảng 0,1%

(GD&TĐ) - Thu – chi ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ cuối năm là nội dung chính buổi họp báo thường kỳ Quý II/2013 vừa diễn ra của Bộ Tài chính. Thế nhưng, điều mà báo chí cũng như dư luận quan tâm nhất lại không nằm ở trọng tâm này; khi mà giá xăng dầu tăng liên tiếp thời gian qua, hay việc có nên đại trà bảo hiểm nông nghiệp khi nảy sinh nhiều bất cập trong thời gian thí điểm, vấn đề học phí, viện phí…

Điều hành giá xăng dầu hoàn toàn theo lộ trình?

Trong những “mối quan tâm” kể trên của báo chí, đương nhiên hàng đầu vẫn là vấn đề điều hành giá xăng dầu bán lẻ trong nước, với câu hỏi giá xăng dầu trong 2 tháng có liên tiếp 3 lần tăng giá chu kỳ đều dưới 30 ngày, thậm chí có cách 14 ngày, thời gian sắp tới điều chỉnh xăng dầu giảm xuống không? Chỉ số giá tiêu dung (CPI) cuối năm sẽ ra sao dưới tác động của giá xăng, kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu khác?

Nhận trách nhiệm trả lời vấn đề nóng này, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) – cho biết hiện nay, giá cơ sở tính bình quân 30 ngày chứ không phải tăng giá tần suất tối thiểu 10 ngày được điều chỉnh tăng. Còn khi giá thế giới giảm doanh nghiệp cũng phải giảm giá; tối thiểu 10 ngày không giảm thì cơ quan chức năng sẽ có yêu cầu.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng khẳng định việc xăng dầu điều chỉnh ngày 17/7 vừa qua không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà cả nước và phù hợp với lộ trình. Từ 28/6 Cục Quản lý giá đã theo dõi kỹ và sau khi tiếp nhận báo cáo giá cơ sở cho bán lẻ, Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp kiềm chế giá và theo dõi tiếp vì giá xăng dầu biến động lúc tăng lúc giảm. Tuy nhiên, trước áp lực giá xăng dầu thế giới vừa qua diễn biến tăng, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương giao cho các doanh nghiệp rà soát điều chỉnh trần tối đa.

“Như vậy, Bộ Tài chính đánh giá việc điều chỉnh giá xăng dầu thực hiện hoàn toàn nghiêm túc, hợp lý; bám sát với giá thế giới và qua tham khảo các cơ quan có chức năng dự báo lần tăng giá xăng dầu này có thể làm tăng CPI khoảng 0,1%”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết. Cũng theo ông này, mức tăng đó hoàn toàn không ảnh hưởng đến mục tiêu lạm phát cả năm bởi lẽ 6 tháng đầu năm 2013, CPI là 2,4%, mục tiêu Chính phủ đề ra năm 2013 là 6,5%, do đó 6 tháng còn lại địa dư cho tăng mức lạm phát vẫn khá lớn và hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát.

Bộ Tài chính khẳng định công tác điều hành giá xăng dầu nghiêm túc, đúng lộ trình
Bộ Tài chính khẳng định công tác điều hành giá xăng dầu nghiêm túc, đúng lộ trình
 

Sẽ triển khai đại trà bảo hiểm nông nghiệp

Đối với bảo hiểm nông nghiệp, sau hơn 2 năm được thí điểm, đã mang lại một số kết quả tích cực nhưng cũng có không ít bất cập, chủ yếu là vấn đề bồi thường. Ông Phùng Ngọc Khánh – Phó cục trưởng cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) – cho biết, theo Nghị định số 35/NĐ-CP (trong đó có hướng dẫn về bồi thường bảo hiểm liên quan đến cháy nổ), các hợp đồng đã ký kết mà có hồ sơ đầy đủ theo quy định thì sẽ được bồi thường thỏa đáng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có một số trường hợp bồi thường chưa kịp thời do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó các hồ sơ được bồi thường kịp thời phải đáp ứng được yêu cầu phân loại, xác định nguyên nhân mức độ tổn thất… Theo đó, bồi thường hay không phải phù hợp với quy định của hợp đồng.

Từ đầu năm 2013, Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bồi thường, phù hợp với quy định và pháp luật của Nhà nước. Theo ông Khánh, bảo hiểm nông nghiệp vẫn đang tiếp tục triển khai rộng rãi, do đó Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ trì và phối hợp với các địa phương triển khai chương trình và có báo cáo Chính phủ cụ thể về vấn đề này.

Nhấn mạnh thêm về vấn đề bảo hiểm nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh khẳng định không dừng thí điểm bảo hiểm nông nghiệp nhưng qua thực tiễn thí điểm kết quả tương đối tốt, đề nghị đưa ra đại trà. Tuy nhiên vẫn cần có những phản hồi thực tế, thảo luận…

Liên quan đến vấn đề tăng học phí và viện phí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết, sau khoảng 17 năm mới điều chỉnh giá dịch vụ y tế cơ bản, việc tăng viện phí nhằm nâng cao chất lượng y tế để mọi người được hưởng chất lượng phục vụ khám chữa bệnh cao. Nếu nâng giá viện phí tiệm cận với giá thị trường thì chất lượng dịch vụ y tế tăng lên và các chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo sẽ tiệm cận ở mức 100%, đối tượng cận nghèo sẽ là 70%... Đối với học phí, theo Thứ trưởng, cần tăng có lộ trình, và đối với người nghèo, chính sách vẫn phải đảm bảo hỗ trợ tiền học phí. Nhà nước sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ với những học sinh, sinh viên nghèo qua đó tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất để các em học tập…

Lưu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ