Giá vàng tuần tới có thể vẫn sẽ tiếp tục điều chỉnh, tích lũy, và chờ lực đẩy từ gói cứu trợ mới theo đề xuất của tân Tổng thống Mỹ Biden.
Trong tuần qua, áp lực chốt lời tiếp tục gia tăng, khiến giá vàng đã có thời điểm giảm mạnh xuống mức 1.802USD/oz, sau đó phục hồi lên mức 1.874USD/oz, nhưng đóng cửa cuối tuần giảm xuống mức 1.854USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng có thời điểm giảm mạnh xuống mức 56,3 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó tăng lên mức 56,8 triệu đồng/lượng và đóng cửa tuần ở mức 56,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng gần như vẫn chỉ điều chỉnh, củng cố trong tuần này khi dòng vốn đầu tư quốc tế vẫn tiếp tục chảy qua lại giữa các kênh đầu tư tài chính, như chứng khoán, vàng, tiền kỹ thuật số… Đặc biệt, đồng USD tăng/giảm thất thường trong ngắn hạn cũng đã tác động không nhỏ tới xu hướng giá vàng.
Dưới tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục phát đi tín hiệu kém khả quan, được thể hiện qua đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần vẫn ở quanh mức 900.000 đơn; doanh số bán lẻ tháng 12/2020 giảm 1,4%; GDP quý 4/2020 dự kiến chỉ tăng 4,2% sau khi tăng 33,4% quý 3/2020...
Đặc biệt ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Biden đã quyết định thu hồi giấy phép của dự án đường ống Keystone XL và tạm hoãn cho thuê dầu khí ở Bắc Cực. Động thái này được dự báo sẽ làm mất đi khoảng 10.000 việc làm của người Mỹ. Điều này cộng với việc đảo ngược chính sách nhập cư của cựu Tổng thống Trump, sẽ làm cho tình trạng thất nghiệp của Mỹ sẽ tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Trước thực trạng này, chắc chắn ông Biden sẽ phải thúc đẩy việc trình lưỡng viện Quốc hội thông qua gói cứu trợ mới trị giá 1,9 nghìn tỷ USD mà ông đã đề xuất trước khi chính thức lên nắm quyền Tổng thống Mỹ.
Ông Biden sẽ phải thúc đẩy việc trình lưỡng viện Quốc hội thông qua gói cứu trợ mới trị giá 1,9 nghìn tỷ USD trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang suy giảm mạnh.
Nếu gói cứu trợ nói trên được thông qua, thì tổng số tiền cứu trợ của Mỹ sẽ lên tới 5.000 tỷ USD, trong đó 3.100 tỷ USD được thông qua dưới thời Trump, tương đương khoảng hơn 22% GDP của Mỹ. Đó là chưa kể hàng tháng FED bơm vào thị trường khoảng 110 tỷ USD thông qua việc mua trái phiếu và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp. Dù điều này chưa gây sức ép lạm phát trong ngắn hạn do sức cầu của nền kinh tế Mỹ vẫn đang yếu do tác động của đại dịch COVID-19, nhưng sẽ tiềm ẩn rủi ro lạm phát lớn trong dài hạn.
Ông Peter Hug, Giám đốc kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn Kitco Metals, cho rằng xu hướng giá vàng ngắn hạn vẫn sẽ tiếp tục điều chỉnh, củng cố, nhưng về dài hạn vẫn tăng mạnh. “Nếu giá vàng tuần tới không trụ vững trên 1.825USD/oz, thì có thể xuống 1.800USD/oz, thậm chí 1.750USD/oz. Trường hợp Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD, thì giá vàng sẽ sớm vượt qua 1.900USD/oz”, ông Peter Hug nhận định.
Trong tuần tới, FED sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 27/1, nhưng chắc chắn cơ quan này vẫn sẽ duy trì lãi suất ở mức 0- 0,25% và tiếp tục cam kết thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (QE) như hiện hành. Ngoài ra, cũng không ngoại trừ khả năng FED sẽ quyết định kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu, bởi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã và tăng mạnh trở lại lên trên 1,08%, có nguy cơ làm tăng lãi vay.
“Nếu FED quyết định kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu, sẽ góp phần kiểm soát lãi suất cho vay ở mức thấp như hiện hành, qua đó cũng góp phần làm giảm thiểu chi phí cơ hội nắm giữ vàng, qua đó sức hấp dẫn của giá vàng sẽ lớn hơn”, một chuyên gia tài chính cho biết và nhận định, gói cứu trợ lần 2 của Mỹ sẽ là đòn bẩy giúp giá vàng ngắn hạn tăng trở lại trên mức 1.900USD/oz.
Ngoài ra trong tuần tới, Mỹ sẽ công bố các số liệu kinh tế quan trọng, như GDP quý 4/2020, và các số liệu về thị trường nhà ở. Theo dự kiến, GDP quý 4/2020 có thể sẽ giảm mạnh so với quý 3/2020…