Giá vàng “biến động” mạnh: Cân nhắc nhu cầu để đầu tư

GD&TĐ - Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của việc giá vàng trong nước giảm sâu là giá vàng thế giới giảm mạnh; người dân không nên quá hoang mang.

Người dân đến giao dịch vàng tại một cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội).
Người dân đến giao dịch vàng tại một cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội).

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nguyên nhân của việc giá vàng trong nước giảm sâu là giá vàng thế giới giảm mạnh; người dân không nên quá hoang mang và đưa ra các quyết định vội vàng.

Ngân hàng Nhà nước đã bán ra 13 tấn vàng

Sáng 8/11, giá vàng miếng SJC được Công ty SJC niêm yết mua vào 82 triệu đồng/lượng, bán ra 86,5 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Đây là diễn biến khá bất ngờ với nhiều người, khi đã đổ xô đi bán vào ngày hôm trước. Đây cũng là mức giá bán ra vàng miếng SJC tại Công ty PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu…

Đáng chú ý, biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng miếng được các doanh nghiệp đẩy lên tới 3 - 4,5 triệu đồng/lượng. Với mức chênh lệch này, rất khó để có cơ hội lướt sóng giá vàng hưởng chênh lệch.

Tương tự, giá vàng nhẫn 99,99 và vàng trang sức các loại cũng tăng mạnh trở lại sau một ngày lao dốc. Công ty SJC giao dịch vàng nhẫn trơn mua vào 82 triệu đồng/lượng, bán ra 84,8 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng mỗi lượng.

Một số doanh nghiệp khác mua vào vàng nhẫn trơn ở mức cao hơn, như tại Công ty PNJ mua vào 83,6 triệu đồng; Bảo Tín Minh Châu mua vào 83,05 triệu đồng trong khi DOJI mua vào 82,8 triệu đồng; chiều bán ra tương tự như tại Công ty SJC ở quanh mức 84,8 – 85 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước “quay xe” tăng trở lại theo đà phục hồi trong ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư. Chỉ sau 2 phiên lao dốc khoảng 100 USD/ounce, giá vàng trên thị trường quốc tế đã tăng mạnh trở lại khoảng hơn 50 USD/ounce, lấy lại mốc 2.700 USD/ounce.

Liên quan đến giải pháp quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước, trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ ngày 19/4 đến 29/10, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu và 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp ra thị trường với khoảng hơn 13 tấn vàng.

Tiếp đó, để nhanh chóng kiểm soát và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước chuyển sang phương thức bán vàng miếng với khối lượng phù hợp. Ngân hàng Nhà nước lựa chọn 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC.

Từ ngày 3/6 đến 29/10, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC, tương đương khoảng 11,46 tấn vàng.

Trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước thông báo chủ trương thực hiện bán vàng miếng SJC trực tiếp, vàng miếng SJC trên thị trường trong nước được mua bán ở mức 89 - 92 triệu đồng/lượng, chênh lệch so với giá thế giới hơn 18 triệu đồng/lượng (khoảng 25%).

Kể từ khi chính thức thông báo thực hiện phương án bán vàng miếng trực tiếp, Ngân hàng Nhà nước cho biết chênh lệch giá bán vàng miếng trong nước so với giá thế giới đã giảm, hiện chỉ còn chênh khoảng 3 - 5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới (khoảng 5% - 7%).

Giữ tâm lý

Ghi nhận trong sáng 8/11, rất đông người kéo đến các tiệm vàng trên phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để mua bán vàng nhẫn. Khác với nhiều tháng qua khi các cửa hàng vàng tại đây liên tục thông báo hết vàng và giới hạn số lượng mua vào của mỗi người, hôm nay các cửa hàng vàng này đều mở bán không giới hạn.

Chị Trần Thúy Hà (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cầm trên tay 8 chỉ vàng đến cửa hàng vàng bán vội số vàng đã tích lũy vì sợ vàng tiếp tục đi xuống.

“Tôi mua 8 chỉ vàng này vào thời điểm khi giá vàng nhẫn có 87 - 89 triệu đồng/lượng. Khi thấy giá vàng bất ngờ tụt dốc không phanh như vậy, nên hôm nay tôi quyết định mang đi bán hết vì sợ giá vàng sẽ còn giảm nữa”, chị Hà nói.

Tương tự, bác Nguyễn Đức Bình (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Số vàng này tôi mua từ cách đây hơn 1 tháng. Lo lắng giá vàng giảm tiếp mình sẽ lỗ nên ngay từ sáng sớm nay tôi phải chạy gấp đi bán, may mắn là hòa vốn”.

Ở trường hợp khác, anh Nguyễn Bình Kiện (quận Hà Đông, Hà Nội) đau xót khi phải cắt lỗ 3 cây vàng khi đu trúng đỉnh. Anh Kiện cho biết, mua 3 cây vàng lúc giá vàng nhẫn ở đỉnh 89,6 triệu đồng, đợi giá vàng tăng đột biến bán lấy lời. Nhưng khi giá vàng lại giảm một cách nhanh chóng, lo lắng nên anh phải bán hết số vàng đã mua để tránh lỗ thêm.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương khuyến cáo, người dân không nên mua vàng nếu không thật sự cần thiết. Những người nào mua vàng trước đây mà đã có lời cũng nên cân nhắc bán khi đã đạt lợi nhuận mong muốn. “Mua vàng trong nước lúc này rất dễ ‘đu đỉnh’ nếu giá thế giới đảo chiều lao dốc trong ngắn hạn. Còn nếu bán chốt lời xong mà giá vẫn tăng tiếp cũng không tiếc vì lợi nhuận vàng nhẫn từ đầu năm tới nay 25 - 30% là mức hấp dẫn”, ông Phương tư vấn.

Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, vàng nhẫn trơn trước đây thường được mua để làm quà biếu, tặng nhưng nay nhiều người tìm mua để tích lũy tài sản. Tuy nhiên, thời điểm này giá vàng đang tăng cao, khó dự đoán, người dân không nên mua bán vàng số lượng lớn.

“Với người mua, nếu mua giá đang quá cao, khó tránh khỏi tâm lý hùa theo đám đông. Với người bán, vàng nhẫn đang khan hiếm nên có thể bây giờ bán ra nhưng sẽ khó mua vào sau này”, ông Thịnh nói.

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng (VGTA) nhận định, kim loại quý trong nước biến động mạnh hơn so với thế giới, chủ yếu do tâm lý của người dân. Theo ông, thực tế có tình trạng khi giá vàng tăng mạnh thì người dân ùn ùn đi mua vì tâm lý “sợ bị bỏ lỡ” và ngược lại, họ lại ồ ạt bán ra khi giá lao dốc. Đợt giảm giá của thế giới lần này, ông Khánh nhìn nhận là pha điều chỉnh trong ngắn hạn, trước tin nóng “có vẻ bất lợi cho vàng” khi ông Trump làm Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, những yếu tố hỗ trợ đà tăng của kim loại quý vẫn còn nguyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.