Các bộ sách có giá chênh lệch không nhiều
Năm học mới 2020-2021, học sinh lớp 1 cả nước sẽ được học SGK mới theo CTGDPT 2018 do hiệu trưởng các trường lựa chọn trong danh mục SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT). Các NXB có SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt đã công bố giá bán, giá cả bộ và từng cuốn.
NXB Giáo dục Việt Nam đã công bố giá bán 4 bộ SGK lớp 1 mới, cụ thể như sau: Bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” gồm 10 cuốn, giá 179.000đ; Bộ SGK “Chân trời sáng tạo” gồm 9 cuốn, giá 186.000đ; Bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” gồm 10 cuốn, giá 194.000đ; Bộ SGK “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” gồm 9 cuốn, giá 189.000đ.
Bộ SGK “Cánh diều” của NXB ĐH Sư phạm cùng NXB ĐH Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh tổ chức biên soạn gồm 9 cuốn, có giá 199.000đ.
Bộ SGK “Cánh diều” đã được điều chỉnh giá 1 lần từ giá công bố 215.000đ (ngày 26/3) xuống mức giá 199.000đ/bộ như hiện nay. Theo thông báo của các đơn vị biên soạn bộ sách này (NXB ĐH Sư phạm, NXB ĐH Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh và Công ty CP Đầu tư Xuất bản- Thiết bị giáo dục Việt Nam- VEPIC) sau khi được Bộ Tài chính đã chấp thuận giá sách như công bố ban đầu, do kinh tế khó khăn, Covid-19 ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi gia đình và toàn xã hội, nên NXB đã đề xuất với Bộ Tài chính cho phép điều chỉnh giảm giá bộ sách xuống còn 199.000 đồng.
Như vậy, cả 5 bộ SGK lớp 1 mới gồm từ 9-10 cuốn có giá từ 179.000đ- 199.000đ/bộ. Các bộ sách có giá chênh lệch không nhiều, bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” có giá bán thấp nhất là 179.000đ, bộ SGK “Cánh diều” có giá bán cao nhất là 199.000đ.
Theo các NXB, để xây dựng giá bán cho các bộ SGK lớp 1 mới như giá công bố ở trên, các đơn vị này đã phải tuân thủ thực hiện các bước theo quy định hiện hành của Luật Giá và đã được Bộ Tài chính chấp thuận, cho phép bán với mức giá kê khai.
Nhận thức đúng về SGK mới trong Chương trình giáo dục phổ thông mới
Trước khi SGK được công bố, trong xã hội có nhiều lo ngại giá SGK lớp 1 mới sẽ tăng cao, sau công bố, dư luận lại đang có chiều hướng so sánh giá SGK lớp hiện hành với giá SGK lớp 1 mới. Trên thực tế giá các bộ SGK lớp 1 mới có giá tăng từ 1,5 lần so với giá bộ SGK lớp 1 hiện hành.
Bộ SGK lớp 1 hiện hành chỉ có 6 cuốn, bộ SGK lớp 1 mới có từ 9-10 cuốn và quy cách, hình thức SGK cũng khác; Cụ thể là về các mặt: trình bày, minh họa và quy cách khổ sách, và giấy in.
SGK hiện hành được in theo khổ 17-24cm, kênh hình ít có hình minh họa, được in 2 màu, giấy mỏng, thường được in giấy chất lượng trung bình, từ 60-65gms, trong khi SGK các nước thường in trên giấy có chất lượng từ 70-90gms (Gram Per Square Meter- đơn vị đo lường định lượng giấy in, đơn vị này lớn, giấy in chất lượng càng tốt)
SGK lớp 1 mới có kênh hình nhiều hình minh họa hơn, giấy in loại tốt hơn để đáp ứng các yêu cầu khổ sách lớn hơn, in màu không bị nhòe và thẩm thấu. Sách mới đều được in 4 màu sắc nét, hình thức SGK trình bày đẹp hơn… Riêng những yếu tố này một phần đã hình thành nên giá SGK mới lớp 1 mới tăng hơn so với SGK hiện hành.
Có ý kiến cho rằng, tại sao SGK mới lại phải thay đổi khổ lớn hơn, giấy in tốt hơn, in 4 màu để giá sách tăng lên, gây lãng phí?
Câu trả lời có thể tìm thấy trong nội dung Đề án của Chính phủ về đổi mới chương trình, SGK GDPT đã được Quốc hội tán thành và thông qua tại Nghị quyết 88. Nghị quyết nêu rõ: “… SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh”. Để SGK chuyển tải được những yêu cầu về mục tiêu đổi mới, nội dung đổi mới và yêu cầu đổi mới, đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho những người biên soạn SGK; Về nội dung, chủ đề bài học, hoạt động giáo dục, hình thức và thiết kế SGK…
Như vậy có thể thấy rằng, SGK mới là các ấn phẩm giáo dục được biên soạn mới, thiết kế mới đáp ứng yêu cầu đổi mới theo Chương trình GDPT 2018. Phải mất đến gần 3 năm, tính từ 2017, khi Chương trình GDPT tổng thể được công bố dự thảo, các NXB đã bắt tay vào mời các tác giả nghiên cứu, dự thảo bản mẫu SGK đầu tiên, đến nay những đầu SGK các môn học, hoạt động trải nghiệm đã hoàn thành và công bố giá bán.
Việc thực hiện “một chương trình nhiều bộ SGK, thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học” theo Nghị quyết 88 của Quốc hội là chủ trương đúng đắn; Các tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp đều có thể tổ chức biên soạn SGK, đáp ứng được yêu cầu của CTGDPT 2018.
Do vậy, tùy theo sách của tổ chức, cá nhân là tác giả, nhóm tác giả bộ sách triển khai tiếp cận theo hướng nào thì khổ sách, hình thức trình bày của sách được thiết kế, trình bày theo hướng đó. Và SGK được sử dụng rõ ràng là phải đáp ứng được các nội dung trong Thông tư 33 của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn và chỉnh sửa SGK và được thông qua bởi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Hội đồng ngoài việc thẩm định nội dung, đã phải xem xét rất nhiều đến quy cách, chất liệu các bộ SGK để quyết định thông qua, trình Bộ trưởng phê duyệt, cho phép sử dụng.
Những người làm sách nói gì về giá SGK mới
Trở lại vấn đề SGK lớp 1 mới và giá bán, những người làm sách nói gì? Trong một diễn đàn mới đây tại Hà Nội về công tác xã hội hóa việc biên soạn SGK, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 kiêm chủ biên sách Tiếng Việt 1 thuộc bộ SGK “Cánh diều” cho rằng: Không thể vì giá thành mà giảm chất lượng về mặt hình thức SGK.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết: "Theo quan niệm mới, những hình trong sách không phải là minh họa mà là công cụ để học. Vì vậy thiết kế buộc phải có màu, dù là môn Mỹ thuật, Toán hay Tiếng Việt cũng cần thiết". Đồng thời khẳng định: “Giá cả là một trong những yếu tố để phụ huynh lựa chọn SGK nên các NXB cần tính toán kỹ lưỡng. "Giá sách lên 200.000 hay 250.000 đồng một bộ cũng không phải quá cao so với chi tiêu của một gia đình. Học sinh khó khăn từ trước đến nay vẫn có chính sách hỗ trợ” (*).
Theo ông Ngô Trần Ái- đại diện Công ty VEPIC, đơn vị phối hợp biên soạn bộ SGK “Cánh diều”: Cả 5 bộ SGK lớp 1 mới theo CTGDPT 2018 đã được phê duyệt đều có hình thức đẹp, bắt mắt, khổ sách mới lớn hơn, giấy dày, màu đẹp, số lượng trang cũng nhiều hơn so với sách cũ nên khó có thể giữ mức giá cũ.
(*) Về chính sách hỗ trợ học sinh khó khăn được GS Nguyễn Minh Thuyết đề cập ở trên, đây là công tác chính sách, liên quan đến an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều năm nay để tạo điều kiện bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đối với các đối tượng trẻ em, học sinh thiệt thòi trong xã hội;
Hiện trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, trẻ mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ vẫn đang được hưởng chế độ hỗ trợ chi phí học tập tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021 của Chính phủ. Cụ thể Nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp cho các đối tượng này với mức 100.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác.