Giá trị nhân văn trong lễ cúng Thần rừng của người Nùng

GD&TĐ - Quá trình cộng cư, giao lưu văn hóa và hội nhập đời sống hiện đại, nhiều phong tục của người Nùng tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) có sự thay đổi theo hướng tối giản hơn, nhiều hủ tục được xóa bỏ.

Điệu múa ngựa giấy đặc sắc của dân tộc Nùng tại lễ hội
Điệu múa ngựa giấy đặc sắc của dân tộc Nùng tại lễ hội

Tuy vậy, một số nghi thức truyền thống đẹp, độc đáo vẫn được cộng đồng nơi đây lưu giữ, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Nghi lễ trong khu rừng thiêng

Cách trung tâm thành phố Hà Giang 110km, Hoàng Su Phì là huyện vùng cao biên giới của tỉnh, với 13 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó, dân tộc Nùng chiếm gần 40% dân số toàn huyện, sinh sống ở 11/25 xã, thị trấn. Trong đời sống tín ngưỡng của người Nùng, tục cúng Thần rừng (Mo Đổng Trư) đã có từ lâu đời.

Theo truyền thống của người Nùng ở Hoàng Su Phì, tại mỗi thôn bản bao giờ cũng có ít nhất một khu rừng được người dân khoanh vùng để làm rừng cấm và lập miếu thờ của cộng đồng. Đây là nơi Thần rừng cư ngụ, được người dân gìn giữ và bảo vệ bởi các luật tục và điều kiêng kỵ, không được xâm phạm nơi ở của thần, không được vào rừng chặt cây, lấy củi, săn bắn…

Truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia cộng đồng người Nùng ở Hoàng Su Phì có cuộc sống yên bình. Một ngày, giặc phương Bắc đến xâm lược nhằm chiếm đất đai, của cải. Sau nhiều ngày giao chiến với kẻ thù, các tộc người Nùng bị thua trận nên phải rút vào các khu rừng rậm để bảo toàn. Do bị quân địch vây hãm nhiều ngày nên thiếu nước uống, khiến nhiều người và gia súc bị chết.

Thủ lĩnh của người Nùng là Hoàng Vần Thùng (tức Hoàng Văn Đồng) do chiến đấu quả cảm với quân địch đã bị thương và lâm bệnh chết. Để tỏ lòng biết ơn và thương tiếc người thủ lĩnh quả cảm, các trai tráng đã mổ trâu lấy thịt, lấy tiết thay nước nấu cơm làm đồ cúng tế và cầu xin Hạn Hung (tức vua trời) giúp đỡ. Xúc động trước tinh thần đoàn kết đấu tranh của các tộc người Nùng, Hạn Hung đã cử quân xuống giúp dân trừ giặc.

Quân giặc tháo chạy, cuộc sống yên bình trở lại với các tộc họ người Nùng. Để tưởng nhớ người thủ lĩnh đã có công giúp dân chống giặc, các tộc họ người Nùng đã dành khu rừng già tươi tốt, có vị trí đẹp nhất trong bản để lập miếu thờ và tôn ông là Đổng Trư (tức Thần rừng).

Từ đó, cứ vào dịp tháng 2 và tháng 7 hàng năm, các bản làng của người Nùng trong huyện Hoàng Su Phì lại tổ chức Lễ cúng Hoàng Vần Thùng tại miếu thờ. Họ dâng lên Thần rừng những lễ vật tốt nhất để tưởng nhớ đến ông và cầu chúc một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đây là lễ thức dân gian mang tính cộng đồng đặc sắc của người Nùng.

Đàn ông người Nùng thịt trâu chuẩn bị cho lễ cúng Thần rừng.

 Đàn ông người Nùng thịt trâu chuẩn bị cho lễ cúng Thần rừng.

Thầy cúng tiến hành nghi lễ tại miếu Thần rừng thuộc thôn Pố Lồ, xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì).

Thầy cúng tiến hành nghi lễ tại miếu Thần rừng thuộc thôn Pố Lồ, xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì).

Để tạ ơn Thần rừng, lễ cúng sẽ được tổ chức ngay tại khu rừng thiêng. Trong khu rừng này, mọi người dân trong thôn bản đều ý thức được những điều cấm kỵ như: Không được chặt cây, lấy củi, săn bắt thú, làm việc xấu trong rừng... Những điều cấm kỵ đó cho dù không được quy định trong các hương ước của thôn bản nhưng mọi người đều biết rất rõ và có ý thức tuân thủ.

Theo thông lệ, cứ 3 năm, cộng đồng người Nùng sẽ tổ chức lễ cúng chính một lần. Năm đó, dân bản sẽ mổ trâu để cúng, các năm còn lại chỉ cúng gà và lợn. Lễ cúng được quy định luân phiên mỗi năm một thôn, bản sẽ góp 4 con gà trống thiến, rượu và một con lợn đen khoảng 50kg để mổ làm vật cúng.

Ngoài ra còn có thêm hương, tiền, bạc (hàng mã) được làm từ giấy dó và giấy rơm cùng các sản vật địa phương do người dân tự làm ra để làm lễ cúng.

Để chuẩn bị cho lễ cúng Thần rừng, trước đó khoảng 1 ngày, các hộ gia đình trong toàn xã cử một nam giới mang theo đồ lễ đến khu rừng cấm để đóng góp với buổi lễ, việc đóng góp này là hoàn toàn do các gia đình tự nguyện nên không cần phải cân đong, đo đếm.

Vai trò, nhiệm vụ của thầy cúng là xuyên suốt quá trình cúng bản, khi trực tiếp tham gia làm cổng cấm và điều hành mọi công việc, lễ thức trong cả tiến trình cúng bản. Các mệnh lệnh, yêu cầu của thầy cúng đưa ra trong lễ cúng sẽ được mọi người tuân theo, thực hiện. Vì vậy, thầy cúng được chọn phải là người có uy tín, hiểu được phong tục, tập quán của dân tộc.

Nguyên tắc bất thành văn là tất cả những người tham gia lễ cúng Thần rừng trong khu rừng thiêng đều phải là nam giới, không phân biệt tuổi tác. Tham dự lễ cúng mọi người đều tự ý thức, không nói tục, mọi hành vi cử chỉ đều phải chuẩn mực, không đụng chạm đến các vị thần linh trong khu rừng.

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường

Sau khi hoàn tất lễ cúng Thần rừng, số vật phẩm sẽ được chế biến cho mọi người thụ lộc.

Sau khi hoàn tất lễ cúng Thần rừng, số vật phẩm sẽ được chế biến cho mọi người thụ lộc.

Trong bài khấn, thầy cúng nói những lời tạ ơn công đức của Thần rừng (Hoàng Vần Thùng) quanh năm bao bọc, chở che và ban cho người Nùng nguồn sống. Lễ cúng Thần rừng còn có tính nhân văn sâu sắc thể hiện qua quyết tâm gìn giữ và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của cộng đồng.

Thầy cúng thay mặt cho dân làng nói lên quyết tâm sẽ bảo vệ rừng thiêng của bản, hằng ngày gìn giữ, chăm sóc và trồng thêm nhiều cây, con, quyết tâm không phá hoại rừng. Bài cúng cũng mong Thần rừng trong năm mới sẽ ban cho dân làng nhiều hoa thơm, trái ngọt và cho mưa thuận gió hòa, cây rừng tốt tươi. Lời hứa ấy hướng đến những giá trị tốt đẹp cho mỗi gia đình, cho cộng đồng.

Từ những lễ thức độc đáo này cho ta thấy, ẩn chứa sâu trong đó những di vết của tín ngưỡng nông nghiệp canh tác nương rẫy, ngàn năm không thay đổi, đó là sự khẳng định rừng là người mẹ nuôi sống con người thì con người cũng phải biết giữ lấy rừng và phải bảo vệ nó. Và những thầy cúng, với sự hiểu biết của mình cùng góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và truyền thụ kho tàng văn hóa của đồng bào dân tộc trong cộng đồng người Nùng.

Sau khi kết thúc việc tế lễ trong khu rừng, thầy cúng và các bậc cao niên, các trưởng thôn, bản trong xã sẽ hưởng thụ trước các món chín để làm phép. Còn toàn bộ số thịt sống được mang đi chế biến thành các món ăn để mọi người cùng hưởng thụ, riêng chiếc đầu trâu (nếu có) và chiếc thủ lợn thì để phần biếu thầy cúng (chủ tế). Hành động thể hiện sự tôn kính của cộng đồng cũng như vai trò vị trí của thầy cúng trong đời sống xã hội của các tộc họ người Nùng.

Nếu trong rừng cấm là không khí linh thiêng của núi rừng, thì phía ngoài rừng cấm lại là không khí của một ngày hội thực sự. Các hoạt động văn hóa, thể thao của dân tộc Nùng được tổ chức vô cùng đặc sắc. Trong đó không thể thiếu được điệu múa ngựa giấy – điệu múa mang đậm màu sắc tín ngưỡng của người Nùng. Điệu múa ngựa giấy được coi là điệu múa thiêng, là nghi lễ hiến tế lễ vật trong đám hiếu, thể hiện nghĩa cử đạo lý uống nước nhớ nguồn cao đẹp.

Với tiết tấu sôi động, rộn ràng, điệu múa ngựa giấy bao giờ cũng gây được sự chú ý của người xem mỗi khi được trình diễn. Ngày nay, điệu múa ngựa độc đáo được đưa đi biểu diễn trong những hội diễn, hội thi văn nghệ quần chúng và cả những dịp vui như ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để gìn giữ điệu múa thiêng của dân tộc Nùng, các trường học trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy cho học sinh. Múa ngựa giấy và các nét đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian đang trở thành những giờ học bổ ích trong nhà trường.

Những quy ước cúng rừng của cộng đồng người Nùng đã trở thành thiết chế văn hóa trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Năm 2016, lễ cúng Thần rừng của người Nùng ở Hoàng Su Phì chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đồng thời, chú trọng thành lập, khuyến khích hoạt động của các hội nghệ nhân dân gian trong cộng đồng vừa để bảo tồn, phát huy, truyền dạy cho thế hệ trẻ, vừa là kênh để tập hợp những người am hiểu, đam mê làm đầu mối trong việc thực hành, truyền dạy, khi cần có thể tập hợp để phục vụ du lịch, phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng, địa phương.

Là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, Hoàng Su Phì luôn giữ trong mình nhiều di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu. Huyện đã xác định gắn những di tích lịch sử, những lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch, tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm tạo nguồn lực vừa tôn vinh văn hóa dân tộc, vừa góp phần giúp cho người dân có thêm việc làm để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Ông Thèn Ngọc Minh - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.