Giá trị của số 1 ở đâu?

GD&TĐ - Thể thao Việt Nam đã lập kỷ lục ở đấu trường SEA Games, song chúng ta sẽ tiến đến đâu ở những cuộc chơi lớn hơn, như ASIAD và đặc biệt là Olympic thì vẫn đang là dấu hỏi to đùng!

Tuyển thủ điền kinh Nguyễn Thị Oanh (bên phải).
Tuyển thủ điền kinh Nguyễn Thị Oanh (bên phải).

Bước tiến mới

Đoàn thể thao Việt Nam khép lại SEA Games 31 với thành tích đứng đầu bảng tổng sắp cùng 205 Huy chương Vàng, 125 Huy chương Bạc và 116 Huy chương Đồng, bỏ xa Thái Lan xếp thứ hai với chỉ 92 Huy chương Vàng, 103 Huy chương Bạc và 116 Huy chương Đồng. Indonesia xếp thứ 3 với 69 Huy chương Vàng, 91 Huy chương Bạc và 81 Huy chương Đồng.

Theo thống kê, số Huy chương Vàng của thể thao Việt Nam ở SEA Games 31 nhiều gần gấp 2 lần thành tích đạt được tại SEA Games 30 (98 Huy chương Vàng), gần gấp 4 lần so với SEA Games 29 (58 Huy chương Vàng).

Thành tích ấn tượng này cũng giúp đoàn thể thao Việt Nam chính thức vượt qua kỷ lục 194 Huy chương Vàng mà nước chủ nhà Indonesia từng thiết lập nên tại SEA Games Jakarta 1997, đồng thời kỷ lục 205 Huy chương Vàng sẽ phải rất lâu nữa mới có thể được phá vỡ.

Sự thăng tiến bất ngờ về số lượng Huy chương Vàng của thể thao Việt Nam đến từ đâu? Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, ông Trần Đức Phấn phát biểu: “Năm 2003, chúng ta tổ chức SEA Games và đứng nhất với 158 Huy chương Vàng.

Lần này, chúng ta có 205 Huy chương Vàng. Thể thao Việt Nam đã chơi sòng phẳng, mọi nội dung thi ASIAD, Olympic đều nằm trong chương trình thi đấu. Chúng ta giành 205 Huy chương Vàng và cho thấy sự vượt trội so với quốc gia. Điều này là bất ngờ, tuy nhiên không bất thường.

Trước khi SEA Games 31 diễn ra, bộ phận chuyên môn rà soát nội dung thi đấu, nhất là các môn Olympic và ASIAD, chúng tôi đã so sánh, đối chiếu với các đoàn thể thao nước khác và dự kiến giành từ 145 đến 185 Huy chương Vàng, Thái Lan giành 100 - 120 Huy chương Vàng.

Khi kết thúc SEA Games, khoảng cách thành tích giữa Việt Nam và Thái Lan khá xa. Nhưng đoàn thể thao Việt Nam đã không sử dụng bất cứ “kỹ thuật” nào để cố tình gia tăng thành tích mà hoàn toàn chiến thắng bằng thực lực.

Trong tổng số 205 Huy chương Vàng mà Đoàn thể thao Việt Nam đã đạt được có nhiều thành tích đáng chú ý ở những môn thi đấu thuộc nhóm Olympic. Điển hình trong số này là điền kinh. Khi biết Thái Lan nhập tịch các vận động viên điền kinh, đoàn thể thao Việt Nam đã tính đến khả năng không lặp lại thành tích 16 Huy chương Vàng như kỳ SEA Games tại Philippines. Trong khi trước đó, theo kế hoạch dự kiến là giao chỉ tiêu đạt từ 19 - 21 Huy chương Vàng cho điền kinh, ban huấn luyện đánh giá không thể làm được.

Nhưng thực tế, đội tuyển điền kinh Việt Nam đã giành 22 Huy chương Vàng và thiết lập 2 kỷ lục. Nguyễn Thị Oanh (giành 3 Huy chương Vàng) đã xô đổ kỷ lục cũ 10 phút 0 giây 02 của chính mình ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật bằng thành tích 9 phút 52 giây 44.  Lò Thị Hoàng cũng vượt qua kỷ lục 55m97 ở nội dung Ném lao nữ đã tồn tại suốt 15 năm qua bằng kỷ lục mới 56m37 và giải tỏa cơn khát huy chương đã kéo dài nhiều năm ở nội dung này. Ngoài ra, điền kinh Việt Nam lần đầu tiên giành được Huy chương Vàng ở nội dung Ném lao nam (Nguyễn Hoài Văn), Marathon nam (Hoàng Nguyên Thanh).

Trong khi đó, ở môn Bơi, bất chấp sự vắng mặt của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, đội tuyển Việt Nam vẫn có được kỳ SEA Games thành công vượt ngưỡng. Các kình ngư đã gây bất ngờ lớn với việc đem về 11 tấm Huy chương Vàng (trong khi chỉ tiêu là giành 6 - 8 Huy chương Vàng).

Nguyễn Huy Hoàng ăn mừng ở SEA Games 31.

Nguyễn Huy Hoàng ăn mừng ở SEA Games 31.

Nguyễn Huy Hoàng trở thành biểu tượng mới trên “đường đua xanh” của Bơi Việt Nam. Kình ngư người Quảng Bình đã giành 5 Huy chương Vàng (trong đó có 4 Huy chương Vàng cá nhân, 1 Huy chương Vàng nội dung tiếp sức) và thiết lập kỷ lục mới ở nội dung 400m tự do nam.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động rất lớn tới quá trình chuẩn bị, làm gián đoạn quá trình tập huấn và làm mất nhiều cơ hội thi đấu cọ xát nâng cao trình độ, các kình ngư Việt Nam không chỉ vượt chỉ tiêu huy chương, còn kiến tạo thành tích mở ra hy vọng ở đấu trường lớn hơn.

Đội tuyển Bơi Việt Nam đã giành 2 suất tham dự Giải vô địch thế giới 2022 (400m tự do, 1.500m nam) trong số 4 tấm vé mà các kình ngư Đông Nam Á giành được từ các cuộc thi đấu tại SEA Games 31.

Thể thao Việt Nam bứt phá ngoạn mục ở SEA Games 31 có sự đóng góp rất lớn từ các môn Võ, đặc biệt với các môn võ có mặt trong chương trình thi đấu Olympic (Taekwondo, Boxing, Vật) và ASIAD (Wushu, Karate, Kurash, Judo).

Đáng chú ý có thành tích: 17 Huy chương Vàng ở môn Vật, 10 Huy chương Vàng Wushu, 9 Huy chương Vàng Judo, 9 Huy chương Vàng Taekwondo, 7 Huy chương Vàng Karate, 6 Huy chương Vàng Pencak Silat, 6 Huy chương Vàng Vovinam, 5 Huy chương Vàng Kickboxing, 5 Huy chương Vàng Muay, 7 Huy chương Vàng Kurash...

Hàng loạt các môn thể thao có mặt trong chương trình Olympic cũng đã đóng góp nhiều thành tích rất ấn tượng của đoàn thể thao Việt Nam. Tiêu biểu như 7 Huy chương Vàng ở môn bắn súng, 5 Huy chương Vàng ở môn Thể dục dụng cụ, 3 Huy chương Vàng và 6 kỷ lục Đại hội môn Cử tạ, 5 Huy chương Vàng ở môn Đấu kiếm, 8 Huy chương Vàng Canoe, 8 Huy chương Vàng Rowing, 4 Huy chương Vàng môn Xe đạp...

Và đặc biệt là cú đúp Huy chương Vàng môn bóng đá của đội tuyển nữ và U23 Việt Nam. Điều đó khẳng định thế mạnh ở nhiều nội dung, môn thể thao Olympic của Thể thao Việt Nam trong các cuộc thi đấu tại SEA Games 31, đồng thời thể thao Việt Nam xây chắc vị thế trong khu vực sau nhiều lần góp mặt ở tốp 3 đoàn thể thao mạnh nhất các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á gần đây.

Võ sĩ Tô Thị Trang giành huy chương vàng kurash.

Võ sĩ Tô Thị Trang giành huy chương vàng kurash.

Khắc khoải Olympic

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam khẳng định: Thể thao Việt Nam cần nhìn lại mình sau SEA Games 31. Ông Minh đặt ra nhiều vấn đề, như các nước đã cử hết lực lượng mạnh nhất tranh tài chưa? Thông số thi đấu tại những môn Olympic của Việt Nam tại SEA Games 31 như thế nào? Chúng ta cần đầu tư trọng điểm vào những vận động viên nào để hướng tới sân chơi ASIAD, Olympic? Sau SEA Games 31, ngành thể thao Việt Nam cần trả lời được những câu hỏi đó để có lộ trình đầu tư phù hợp, thích đáng.

Thể thao Việt Nam đã xây chắc vị thế số 1 tại SEA Games 31. Nhưng trong thế giới phẳng, Đông Nam Á chỉ là “vùng trũng” của thể thao thế giới. 205 Huy chương Vàng cùng vô số thành tích ấn tượng mà chúng ta giành được ở kỳ đại hội trên sân nhà mới chỉ là điểm tựa và mở ra hy vọng, chứ chưa nói lên nhiều điều khi đặt SEA Games nằm trong tương quan với các giải đấu lớn như ASIAD (châu Á), hay Olympic (tầm thế giới).

Thậm chí, 205 Huy chương Vàng và khoảng cách mênh mông giữa chúng ta với các đoàn thể thao trong khu vực sau SEA Games 31 cũng chỉ giải toả phần nào về bài toán thành tích. Thể thao Việt Nam chưa thể sánh được với Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Philippines trong cuộc đua Huy chương Vàng ở những sân chơi danh giá như Olympic. Vấn đề ở chỗ, giành thành tích cao ở hai đấu trường lớn của châu Á và thế giới không phải là mục tiêu mới, song vẫn là nỗi trăn trở, khắc khoải chưa có lối thoát của lãnh đạo ngành Thể thao.

Tính đến Olympic Tokyo 2020, diễn ra vào năm 2021 do Covid-19, 4 thập kỷ trôi qua từ lần đầu tiên góp mặt tại các kỳ Olympic. Theo đó, kể từ khi Việt Nam hội nhập với thể thao quốc tế và trở thành thành viên chính thức của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thì Thế vận hội mùa hè Moscow 1980 là lần đầu tiên chúng ta góp mặt tại ngày hội thể thao lớn nhất thế giới.

Và đến nay, thể thao Việt Nam đã tham dự 9 kỳ Olympic, với 152 vận động viên tham gia tranh tài. Chúng ta mới giành vỏn vẹn 5 tấm huy chương, bao gồm 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.

Thế vận hội Olympic Rio 2016 là Đại hội thành công nhất của thể thao Việt Nam khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh môn bắn súng xuất sắc giành 1 Huy chương Vàng nội dung 10m súng ngắn hơi và 1 Huy chương Bạc nội dung 50m súng ngắn.

Tuy nhiên, đến Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, thể thao Việt Nam trắng tay và điều đó một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về chiến lược đầu tư và hướng phát triển của ngành Thể thao sau nhiều năm chắc chân ở vị trí top 3 khu vực Đông Nam Á và mới đây là số 1 với kỷ lục 205 Huy chương Vàng.

Không nói đâu xa, thành tích của các quốc gia Đông Nam Á tại Olympic Tokyo 2020 cũng buộc chúng ta phải suy ngẫm. Philippines giành tổng cộng 4 huy chương, trong đó có 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc (boxing nữ) và 1 Huy chương Đồng (boxing nam).

Tấm Huy chương Vàng duy nhất của Philippines thuộc về nữ vân động viên Hidilyn Diaz ở môn cử tạ hạng cân 55kg. Thái Lan giành được 1 Huy chương Vàng (taekwondo nữ) và 1 Huy chương Đồng (boxing nữ). Indonesia với 1 Huy chương Vàng (cầu lông đôi nữ), 1 Huy chương Bạc (cử tạ nam) và 3 Huy chương Đồng (cầu lông đơn nam, cử tạ hạng cân 73kg và 49kg nữ).

Điều đó lý giải cho câu chuyện, tuy đứng đầu SEA Games 31 với thành tích cực “khủng” song thể thao Việt Nam vẫn đặt mục tiêu rất hạn chế ở ASIAD, từ 3 đến 5 Huy chương Vàng. Trong khi đó, thể thao Việt Nam chưa nghĩ tới Huy chương Vàng tiếp theo ở Olympic sau lịch sử được xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thiết lập.

Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cho biết thể thao Việt Nam sẽ cần tập trung vào một số môn trọng điểm để giành huy chương Olympic, trong đó liên thông với ASIAD. Nhưng làm gì, làm như thế nào để tránh lãng phí tiền bạc, nhất là nguồn lực con người còn là ẩn số.

“Chúng ta có chiến lược đầu tư Olympic, lựa chọn các vận động viên trọng điểm xuất sắc. Tuy nhiên, trong 20 năm, thể thao Việt Nam rất khó có huy chương Olympic. Đó là nhiệm vụ bất khả thi. Ở ASIAD, chúng ta cũng đã khó giành Huy chương Vàng bơi, điền kinh.

Các vận động viên thế giới rất mạnh, được đầu tư mạnh. Vì vậy, chúng ta cần tập trung nguồn lực cho ASIAD và đầu tư xã hội hóa ở cấp độ địa phương cho SEA Games đồng thời cần khoanh vùng kỹ lưỡng mới có thể đầu tư đúng đắn” – ông Phấn trao đổi sau SEA Games 31.

Và ông Phấn cũng thừa nhận một thực tế rằng, thể thao Việt Nam chưa thể khoanh vùng để đầu tư đầy đủ, bài bản và chuẩn mực theo quy định quốc tế. Thế nên, cơ hội vận đông viên đoạt Huy chương Vàng châu lục và thế giới còn khó khăn.

Với thực lực hiện nay, vận động viên Việt Nam đạt được vinh quang đã phải cố gắng rất nhiều khi chưa thể được đầu tư mạnh như đối thủ. Số các vận động viên Singapore dự SEA Games ít, nhưng thành tích ở các môn Olympic lại rất tốt. Ở ASIAD và Olympic, Việt Nam ít huy chương hơn Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore.

Vậy nên, thể thao Việt Nam muốn vươn tầm ASIAD hay Olympic thì cần phải có một lộ trình đầu tư có hệ thống. Hệ thống ấy kéo dài nhiều năm, được giám sát chỉ đạo chặt chẽ, được đầu tư cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Bài học về Ánh Viên vẫn còn nguyên tính thời sự và nhiều ý nghĩa.

Từ tài năng hiếm có của thể thao Việt Nam, được đầu tư mức kỷ lục nhưng đổi lại, “cô gái thép” chỉ thống trị được “ao làng” với 25 Huy chương Vàng SEA Games. Tham vọng tiệm cận châu lục và thế giới vỡ tan tành!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ