Giả thuyết về nguyên nhân gây viêm gan bí ẩn

GD&TĐ - Giả thuyết hàng đầu hiện nay về căn nguyên của bệnh viêm gan cấp tính là một đồng yếu tố gây ra nhiễm trùng nặng hơn, hoặc tổn thương gan ở trẻ em nhiễm virus Adeno.

Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể phải ghép gan. Ảnh minh họa.
Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể phải ghép gan. Ảnh minh họa.

Cách tốt nhất chữa viêm gan

PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) - cho biết, viêm gan là viêm sưng ở các tế bào gan. Có thể có nhiều nguyên nhân gây bệnh, như uống quá nhiều rượu, gan nhiễm mỡ, hay tác dụng phụ của thuốc. Bệnh cũng có thể xuất hiện do virus viêm gan họ A, B, C, D, hay E, thậm chí do hệ miễn dịch các tế bào tấn công gan làm gan viêm sưng.

“Tuy nhiên, viêm gan ở trẻ em là rất hiếm. Viêm gan ở trẻ em có liên quan đến virus Adenovirus lại càng khó hiểu hơn vì loại virus này ở khắp nơi. Các bằng chứng hiện nay cho thấy, không có sự liên quan giữa viêm gan ở trẻ em và Covid-19. CDC cũng xác nhận các ca này không liên quan đến Covid-19”, PGS Huỳnh chia sẻ.

Theo chuyên gia này, thông thường, cách tốt nhất chữa viêm gan là ngăn ngừa bệnh. Bởi, thường không có cách chữa trị hiệu quả một khi gan đã sưng viêm. Chữa viêm gan cấp tính chủ yếu là hỗ trợ, tìm ra nguyên nhân chính (loại virus hay lý do khác) và điều trị dứt điểm.

Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể phải ghép gan. Chữa trị viêm gan cấp tính ở trẻ em cũng tương tự. Trẻ em thường được chăm sóc trong đơn vị điều trị tích cực, hỗ trợ, theo dõi, can thiệp ghép gan nếu cần thiết.

Đồng yếu tố gây bệnh

Gần đây, nhiều phụ huynh lo lắng con mình có nguy cơ mắc viêm gan bí ẩn khi trẻ có triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Chia sẻ trên mạng xã hội, không ít phụ huynh tìm địa chỉ uy tín để đưa trẻ đi xét nghiệm men gan. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi Hội Truyền nhiễm TPHCM, các cha mẹ không nên vội vàng xét nghiệm men gan cho trẻ khi con có biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt, trong trường hợp da trẻ không vàng, phụ huynh không nên quá lo lắng về nguy cơ con mắc bệnh viêm gan bí ẩn.

Theo TS.DS Tạ Thanh Sơn - Viện Công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg (Đức), nguyên nhân chính xác của các bệnh viêm gan mới vẫn chưa rõ ràng. TS Sơn dẫn chứng, một số chuyên gia và nhà khoa học phỏng đoán, có thể đại dịch Covid-19 liên quan trực tiếp đến việc bùng phát các ca nhiễm bệnh gần đây.

Cụ thể, hệ thống miễn dịch của trẻ em, đặc biệt là trong những năm đầu đời, đã bị suy yếu do giữ khoảng cách và các biện pháp phòng dịch.

Do đó, trong những năm đầu đời, trẻ em tiếp xúc với ít virus và các loại mầm bệnh hơn. Vì vậy, trẻ không thể phát triển bất kỳ kháng thể tương ứng nào. Hiệu suất hoạt động của một hệ thống miễn dịch cũng bị giảm đáng kể. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh khi trẻ nhỏ tiếp xúc với các mầm bệnh nguy hiểm.

“Viêm gan cũng có thể lây truyền qua thức ăn hoặc nước uống bị ô nhiễm. Tuy nhiên, có thể loại trừ khả năng các trường hợp viêm gan ở trẻ em là do thực phẩm bị ô nhiễm. Theo ghi nhận của WHO, có rất nhiều bệnh nhân là trẻ em từ các nhóm tuổi khác nhau.

Do đó, chế độ dinh dưỡng của trẻ cũng sẽ rất khác biệt để phù hợp theo độ tuổi phát triển. Một loại thực phẩm bị ô nhiễm khó có thể là nguyên nhân gây bệnh cho nhiều trẻ ở các nhóm tuổi khác nhau như vậy”, chuyên gia nhận định.

Theo TS Sơn, các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy, nguyên nhân gây bệnh không phải virus viêm gan loại A đến E như thông thường. Thay vào đó, virus Adeno loại 41 được phát hiện ở 75% trẻ em bị bệnh ở Anh. Virus Adeno cũng được biết đến là nguyên nhân gây ra các triệu chứng cảm nhẹ và nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Các biến chứng nghiêm trọng như viêm gan, có thể dẫn đến suy gan, không điển hình với nhiễm trùng virus Adeno. Những hậu quả nghiêm trọng như viêm gan cấp tính thường chỉ gặp ở người có hệ thống miễn dịch đặc biệt yếu. Virus Adeno trước đây không được xem là nguyên nhân gây bệnh viêm gan ở trẻ em khỏe mạnh.

“Giả thuyết hàng đầu hiện nay về căn nguyên của bệnh viêm gan cấp tính hiện nay là một đồng yếu tố gây ra nhiễm trùng nặng hơn hoặc tổn thương gan ở trẻ em bị nhiễm virus Adeno. Các đồng yếu tố có thể là do tăng tính nhạy cảm, trước đó không tiếp xúc với virus Adeno trong đại dịch; Nhiễm trùng SARS-CoV-2 trước đó hoặc nhiễm trùng khác;

Đồng nhiễm SARS-CoV-2 hoặc một bệnh nhiễm trùng khác; Hoặc tiếp xúc với chất độc, thuốc hoặc môi trường”, TS Sơn chia sẻ. Trong khi đó, các giả thuyết khác được coi là ít có khả năng xảy ra hơn, bao gồm có một biến thể virus Adeno mới hoặc mầm bệnh mới khác.

Theo PGS Trần Huỳnh, hiện, số ca mắc viêm gan bí ẩn rất ít. Do đó, phụ huynh không nên quá lo lắng. Cha mẹ cần theo dõi sức khỏe trẻ. Một số biểu hiện bất thường ở trẻ cần được lưu ý gồm: Sốt, mệt mỏi, biếng ăn, ói mửa, đau bụng, nước tiểu đậm, phân không có màu, đau khớp, vàng da.

Đồng thời, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vắc-xin đầy đủ. Lưu ý đưa con đến gặp bác sĩ nhi khoa ngay khi có những quan ngại về sức khỏe. Trẻ cần được hướng dẫn vệ sinh sạch sẽ như rửa ray, không dụi mắt, tránh tiếp xúc với người bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.