Giả thuyết mới về cách xây kim tự tháp Ai Cập

GD&TĐ - Sự hùng vĩ và bí ẩn của kim tự tháp đã quyến rũ chúng ta trong nhiều thế kỷ, song chúng được xây dựng như thế nào đến nay vẫn còn là điều khó hiểu.

Kim tự tháp bậc thang Djoser có thể đã được xây dựng bằng công nghệ thang máy thủy lực. Ảnh: Getty Images
Kim tự tháp bậc thang Djoser có thể đã được xây dựng bằng công nghệ thang máy thủy lực. Ảnh: Getty Images

Các nhà nghiên cứu Pháp đưa ra giả thuyết rằng kim tự tháp có thể được xây dựng với sự hỗ trợ của hệ thống thang máy thủy lực.

Người Ai Cập cổ đại đã xây dựng Kim tự tháp bậc thang cho Pharaoh Djoser vào thế kỷ 27 trước Công nguyên và đây là công trình cao nhất vào thời điểm đó (khoảng 62 mét). Cách xây kim tự tháp này với một số khối đá nặng tới 300kg vẫn là bí ẩn kéo dài hàng thế kỷ.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One, tác giả Xavier Landreau (Viện Cổ kỹ thuật CEA, Pháp) đã đưa ra một lý thuyết độc đáo cho rằng, kỹ thuật sử dụng năng lượng nước có thể đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng Kim tự tháp Djoser.

Thang thủy lực

Kim tự tháp Djoser được xây dựng dưới thời trị vì của pharaoh Djoser thuộc Vương triều thứ 3 và luôn là chủ đề tranh luận giữa các nhà sử học và khảo cổ học.

Về bản chất, nghiên cứu cho thấy, Kim tự tháp Djoser có thể được xây dựng với sự hỗ trợ của hệ thống thang máy thủy lực vào năm 2680 trước Công nguyên. Nhóm nghiên cứu tin rằng nước được dẫn vào 2 trục bên trong chính kim tự tháp và được sử dụng để nâng một chiếc phao chở những viên đá xây dựng đồ sộ. Thuyết nâng thủy lực hiện bổ sung thêm một góc nhìn mới hấp dẫn cho cuộc thảo luận về cách thức xây dựng kim tự tháp.

Xavier Landreau và nhóm của ông cho rằng khu vực bao quanh đập Gisr el-Mudir bí ẩn, kích thước 650 x 350 mét gần kim tự tháp, có thể hoạt động như một “đập kiểm tra” để thu nước và trầm tích.

Đập này, trước đây được cho là một pháo đài, đấu trường lễ hội hoặc chuồng gia súc sẽ kiểm soát và lưu trữ nước từ những trận lũ lớn, cũng như lọc bỏ trầm tích và bụi bẩn để chúng không làm tắc nghẽn đường nước.

Nhận định trên đưa chúng ta đến một phần độc đáo khác của giả thuyết, đó là một cơ sở có khả năng xử lý nước. Nó gồm một số ngăn được đào xuống đất bên ngoài kim tự tháp, cho phép trầm tích lắng xuống khi nước chảy qua từng ngăn tiếp theo.

Sau khi được xử lý, nước có thể chảy vào các trục kim tự tháp. Phần hấp dẫn ở đây là lực của nước dâng lên có thể được sử dụng để giúp vận chuyển đá xây dựng lên cao.

Thuyết nâng thủy lực mới lạ này không chỉ làm sáng tỏ quá trình xây dựng Kim tự tháp Djoser, mà còn gợi ý về việc đánh giá lại bối cảnh rộng hơn của các hoạt động kỹ thuật của người Ai Cập cổ đại.

Bằng cách đưa ra giả thuyết rằng những công nghệ như vậy có thể đã tồn tại từ hàng nghìn năm trước, nghiên cứu này thách thức những quan niệm cố hữu về khả năng của các nền văn minh cổ đại. Ngoài ra, nghiên cứu còn khuyến khích các học giả khám phá những di tích và công trình khác thông qua góc nhìn tương tự, nhằm vén màn bí mật ẩn giấu về sự khéo léo trong kỹ thuật.

gia thuyet moi ve cach xay Kim tu thap Ai Cap (2).jpg
Trục bên trong của Kim tự tháp Djoser. Ảnh: CNN

Vẫn còn những bí ẩn

Theo nhóm nghiên cứu, khi đi sâu hơn vào các phương pháp mà người Ai Cập cổ đại sử dụng, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về xã hội của họ, không chỉ phản ánh trình độ công nghệ, mà còn là mối liên hệ sâu sắc với các nguồn tài nguyên thiên nhiên xung quanh. Do vậy, nghiên cứu này không chỉ đơn thuần là về một kim tự tháp, nó còn đại diện cho một hướng đi dẫn đến sự hiểu biết về sự tương tác năng động giữa môi trường, công nghệ và văn hóa thời cổ đại.

Tuy nhiên, hành trình khám phá chưa kết thúc. Vẫn còn nhiều câu hỏi cần trả lời, chẳng hạn như nước chảy qua các trục chính xác như thế nào, hoặc thậm chí có bao nhiêu nước vào thời điểm đó.

Hơn nữa, nhóm tác giả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các phương pháp xây dựng truyền thống như ram dốc có thể đã được sử dụng cùng với hệ thống nâng thủy lực độc đáo này. Do vậy, cần có thêm các cuộc điều tra và nghiên cứu để có được bức tranh toàn cảnh.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận sự phấn khích xung quanh giả thuyết mới này. Theo các tác giả, kết quả có được mở ra một hướng nghiên cứu mới cho cộng đồng khoa học, sử dụng sức mạnh thủy lực để xây dựng các kim tự tháp Ai Cập. Bài học rút ra ở đây là quá khứ không phải lúc nào cũng là một bí ẩn.

Với các công cụ phù hợp và tư duy quyết tâm, chúng ta có thể khám phá ra những sự thật ẩn giấu từ lâu. Cuối cùng, trong khi các kim tự tháp vẫn sừng sững, vang vọng những câu chuyện từ biên niên sử của thời gian, hành trình tìm kiếm tri thức của các nhà khoa học vẫn không ngừng nghỉ.

Theo The Earth

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.