Diễn biến trái chiều
Các ngành có số người làm việc tăng nhiều nhất là: Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 122.000 người; ngành xây dựng tăng 116.000 người; GD-ĐT tăng 63.000 người. Số người làm việc trong các ngành nông, lâm, thủy sản tiếp tục giảm nhiều nhất với 179.000 người; tiếp đến là các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm 123.000 người; Hành chính và dịch vụ hỗ trợ, giảm 42.000 người; ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, giảm 40.000 người.
Trong quý này có 511.200 thanh niên thất nghiệp, tăng nhẹ so với quý I/2018. Số người thất nghiệp có trình độ ĐH trở lên đã giảm xuống còn 126.900 người, giảm 15.400 người so với quý I/2018, chiếm 2,47%. Nhóm trình độ CĐ có 70.800 người thất nghiệp, giảm 18.000 người, chiếm 3,82%. Tuy nhiên, nhóm trình độ sơ cấp nghề thất nghiệp lại tăng 3.500 người với số lượng là 23.600 người… Diễn biến này cho thấy, nguy cơ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ thấp đang ngày càng lớn hơn.
Ngược lại, trong phân khúc nhân sự cấp trung và cấp cao tại thị trường Việt Nam quý II/2018, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ chuỗi khối (blockchain) được áp dụng trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, công nghệ trong tài chính, logistics, y tế và nhiều lĩnh vực khác, đang khan hiếm nhân sự có kinh nghiệm. Các doanh nghiệp rất khó khăn trong tuyển dụng các kỹ sư CNTT, mặc dù mức lương rất cao, từ 2.000 USD/tháng đến 3.000 USD/tháng.
Các doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn khi tuyển nhân sự ở tất cả các cấp, quy mô sản xuất tăng nhưng khan hiếm nguồn nhân lực tại địa phương và khu vực lân cận. Đối với các vị trí quản lý, khó khăn do yêu cầu cao về việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong việc vận hành liên quan đến tính tuân thủ, tính kỷ luật và yêu cầu thành thạo ngoại ngữ.
Cấu trúc mới của thị trường lao động
Qua khảo sát tại doanh nghiệp cho thấy, lao động trình độ sơ cấp làm theo dây chuyền và thu nhập ổn định cũng như làm thêm giờ cao nên thu nhập tăng. Tuy nhiên, xu thế phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0, lao động có trình độ cao sẽ chiếm ưu thế về mức thu nhập, cũng như sự ổn định trong công việc.
Quý III/2018, những nỗ lực của Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, nhằm thúc đẩy tăng trưởng sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018. Dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2018 là 7,02%. Các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được ký kết và được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, xu hướng ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp sẽ là những yếu tố tác động đến cấu trúc thị trường lao động.
Quý III/2018, dự báo tổng số lao động có việc làm đạt khoảng 54,26 triệu người, tăng 237.000 người. Một số ngành tiếp tục tăng nhu cầu lao động với mức tăng trên 7% so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống; dệt; in, sao chép bản ghi các loại; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; Thoát nước và xử lý nước thải.
Một số ngành dự báo nhu cầu lao động sẽ giảm như: Nông lâm thủy sản; Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên; Khai khoáng khác; Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; Sản xuất xe có động cơ; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.
Kỹ sư điện có nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch như: Điện gió và điện từ năng lượng mặt trời. Đây là lĩnh vực mới tại Việt Nam, nên doanh nghiệp chấp nhận tuyển các kỹ sư điện đã có kinh nghiệm làm việc trong các nhà máy nhiệt điện hoặc thủy điện và đào tạo để đáp ứng yêu cầu công việc. Các vị trí này đều yêu cầu kỹ năng chuyên môn tốt và thành thạo tiếng Anh.