Ngày 9/11, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức buổi gặp mặt các cơ quan báo chí nhân tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng, chống AIDS (ngày 1/12) với chủ đề: “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
Ông Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, Việt Nam đang tập trung vào 2 hướng để giảm HIV/AIDS. Đó là tạo hàng rào bảo vệ K=K và ngăn chặn HIV ở nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới).
Ông Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS |
Tuy nhiên, công tác này đang gặp phải rất nhiều khó khăn về nguồn lực để đạt được mục tiêu.
Bên cạnh đó, HIV/AIDS đang có diễn biến phức tạp. Xu hướng gia tăng nhiễm nhiều nhất ở nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM. Bởi, quần thể này ẩn và rất khó tiếp cận.
ThS Bùi Hoàng Đức - Phó trưởng phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho biết tại Việt Nam, số người nhiễm HIV là 249.000. Số ca bệnh quản lý trên hệ thống là 321.000 người.
Từ khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện năm 1990 đến nay, số người tử vong do HIV là 113.698.
Số lượng ca nhiễm HIV có xu hướng giảm rõ ràng từ năm 2007 - 2019. Tuy nhiên, từ năm 2020, tỷ lệ ca phát hiện mới tăng trở lại.
Chỉ trong 9 tháng năm nay, cả nước có 10.219 ca mới được phát hiện và 1.126 người tử vong.
Trong đó, hơn 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, TP.HCM.
Từ năm 2021, đường lây chủ yếu là qua đường tình dục chiếm tới 80%, lây truyền qua đường máu có xu hướng giảm.
Năm 2019, tỷ lệ lây nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn là khoảng 65%. Năm 2020, con số này tăng lên 75%. Năm 2021, con số này là 79,1%.
Điều đáng báo động là tình trạng lây nhiễm HIV trong giới trẻ đang gia tăng nhanh trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới). Hiện, số người có HIV là nam giới chiếm đến 84,4%.
Bên cạnh đó, gia tăng tỉ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục, hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex (sử dụng chất khi quan hệ tình dục), quan hệ tình dục tập thể,… khả năng tiếp cận triển khai can thiệp khó.
Để tiếp cận với những nhóm nhiễm HIV mới, nhiều tổ chức xã hội cũng tổ chức các chương trình truyền thông, tư vấn HIV.
Trong đó, có nhóm cộng đồng người chuyển giới nữ (VENUS), hay các phòng khám dành cho cộng đồng LGBT, cung cấp PrEp (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV),…
Qua đó, giúp những người trong cộng đồng nguy cơ cao như MSM có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế.