Gia tăng bệnh nhân đột quỵ não ở Lạng Sơn, nhiều trường hợp tử vong

GD&TĐ - Trong những ngày thời tiết chuyển lạnh, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ não có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân gây đột quỵ là do sự bất ổn của tuần hoàn máu não. Nguồn: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.
Nguyên nhân gây đột quỵ là do sự bất ổn của tuần hoàn máu não. Nguồn: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, trước đây mỗi tháng Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận khoảng 15 bệnh nhân bị đột quỵ não, nhưng chỉ trong tháng 10/2021, đơn vị đã tiếp nhận trên 40 trường hợp đột quỵ não với các mức độ khác nhau, trong đó nhiều trường hợp nặng dẫn tới tử vong.

Đáng chú ý là các bệnh nhân này không được phát hiện sớm đột quỵ, vào viện khi đã quá “giờ vàng” (4,5 giờ kể từ khi khởi phát bệnh) nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn, để lại di chứng nặng nề và tử vong ở người bệnh.

Vì sao trời lạnh làm gia tăng nguy cơ đột quỵ?

Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) xảy ra khi dòng máu cung cấp cho một phần của não, nuôi các cơ quan đặc biệt là não đột nhiên bị chặn lại hoặc khi có một mạch máu trong não bộ bị vỡ khiến máu tràn ra ngoài đè ép vào các tế bào não.

Khi các thành phần mỡ máu như cholesterol, LDL bị rối loạn sẽ lắng đọng trên thành mạch và thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa. Những mảng xơ vữa này làm lòng mạch hẹp dần và tắc nghẽn, ngăn cản dòng máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả não bộ, gây ra biến chứng đột quỵ não cực kỳ nguy hiểm.

Nhiệt độ thay đổi đột ngột đòi hỏi hệ thống mạch máu sẽ phải có các phản xạ để thích nghi với sự thay đổi đó. Khi mạch máu co lại, tuyến thượng thận sẽ tăng tiết catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại vi.

Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch, mạch máu kém đàn hồi, xơ cứng, máu tăng độ quánh do tăng cholesterol, lòng mạch bị thu hẹp, các cục máu đông hình thành khiến lưu lượng máu qua não giảm đến 20%.

Khi gặp thay đổi đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, sức cản ngoại vi tăng cao gây đứt, vỡ mạch máu não sẽ dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ và nguy cơ tử vong cao.

Dấu hiệu đột quỵ

Các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm:

- Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt, méo miệng.

- Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.

- Khó phát âm, nói không rõ, nói ngọng bất thường.

- Hoa mắt, mờ mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động.

- Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.

- Ngoài ra, người bệnh có thể gặp cơn thiếu máu não thoáng qua với các triệu chứng giống hệt đột quỵ nhưng chỉ xảy ra trong vòng vài phút. Cơn thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo tình trạng đột quỵ sắp xuất hiện.

Thời gian “vàng” (3 đến 4,5 giờ từ khi xuất hiện các dấu hiệu trên) cho bệnh đột quỵ rất quan trọng, mỗi phút qua đi, mức độ tổn thương của hệ thần kinh càng nặng nề hơn. Vì vậy, khi có các dấu hiệu đột quỵ, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, giúp giảm di chứng nặng và giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh.

Những người có nguy cơ bị đột quỵ khi trời lạnh?

- Có những cơn đau đầu, đau thắt ngực không rõ nguyên nhân.

- Hay hồi hộp, tim đánh trống ngực hoặc cảm giác hụt nhịp tim.

- Luôn cảm thấy mệt mỏi khó thở nhiều, thở khò khè, đau mỏi cơ bắp, bị chuột rút.

- Mạch đập quá nhanh hoặc quá chậm khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi bình thường

- Béo phì, thừa cân, ít vận động.

- Hút thuốc lá thường xuyên hoặc uống rượu bia nhiều.

- Có người thân trong gia đình bị bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu.

- Bị đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu.

- Nữ trên 45 tuổi, nam trên 40 tuổi.

- Với những người từng bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, trời lạnh sẽ làm tăng nguy cơ nặng/tái phát.

Cách phòng tránh đột quỵ khi trời lạnh

- Nên ngủ trong phòng kín gió, đủ ấm.

- Buổi sáng thức dậy không nên ra khỏi chăn và xuống giường quá đột ngột, cần có thời gian để cơ thể thích ứng với điều kiện bên ngoài.

- Cần tăng cường bổ sung các loại rau, trái cây nhiều chất xơ (bơ, cam, táo, chà là, chuối,...), sử dụng thực phẩm giàu chất béo chưa bão hòa như omega 3, omega 6 ít nhất 2 ngày trong tuần (cá hồi, cá trích, cá thu,...).

- Hạn chế ăn đồ chiên xào, đồ nướng, thịt đỏ và tất cả những đồ ăn chứa chất béo bão hòa. Nên ăn thịt trắng, thịt gia cầm bỏ da, đồng thời, nên ăn ít muối và hạn chế đường.

- Tránh sử dụng các loại nước uống có gas và thực phẩm đóng hộp.

- Tránh các chất kích thích như trà đặc, rượu, bia, cà phê, thuốc lá.

- Lựa chọn các bài tập thể dục phù hợp, đi bộ 30 phút mỗi ngày cũng có thể giúp phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.