Chính bà giáo Chu Liên cũng chẳng thể ngờ, con đường nhỏ cheo leo từ địa phận xã Phù Nham lên núi, giờ lại trở thành quen thuộc mỗi ngày…
Lớp học không biên giới
Một ngày cuối tháng 8, cơn mưa rừng bất chợt xối xả đổ về bản Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái). Nơi giữa bản, ngôi nhà sàn mang tên Homestay Chu Liên mới dựng còn thơm mùi tre, gỗ vẫn sáng đèn. Bọn trẻ đội mưa, ríu rít hò nhau nhanh chóng ổn định chỗ ngồi trên những hàng ghế gỗ.
Dưới nếp nhà sàn, ông Vàng A Mang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Suối Giàng trong bộ trang phục truyền thống khởi động những nét chữ “ngoằn ngoèo” đầu tiên trên tấm bảng đen. Vừa nắn nót từng đường phấn, thoáng chốc ông Mang lại quay xuống nhìn về phía bọn trẻ đang mắt tròn, mắt dẹt dõi theo.
Tranh thủ giải lao, ông Mang bảo: “Đây là chữ Mông nguyên gốc, nên nhiều người nhìn thấy lạ. Giờ ngay cả đồng bào mình cũng không mấy ai biết nữa, nhất là thế hệ trẻ. Vì thế, nghe cô Liên mở lớp, mời giảng dạy thì tôi đồng ý luôn. Giúp cô Liên cũng là giúp đỡ bà con mình. Tôi muốn khơi dậy và phát triển chữ truyền thống của dân tộc”.
Với diện mạo khác hẳn người bản địa, cô gái Hoàng Thanh Hằng cũng nổi bật trong lớp bởi sự chăm chú, hào hứng trước mỗi nét chữ mới được thầy Mang giới thiệu. Hằng tâm sự, cô có một dự án khởi nghiệp về du lịch ở Suối Giàng. Khi qua Chu Liên Homestay, tình cờ gặp lớp học tiếng Mông nên đã đăng ký tham gia. Bất ngờ hơn nữa, Hằng biết lớp học còn dạy cả tiếng Anh. Ngay lập tức cô đăng ký tham gia trợ giảng, vì bản thân cũng thành thạo ngôn ngữ này.
Ngôi nhà sàn nằm giữa bản Pang Cáng là homestay Chulienhome. |
“Tiếng Anh là đòn bẩy để phát triển du lịch. Tôi khá bất ngờ khi giữa vùng cao Suối Giàng lại tổ chức được một lớp học ngôn ngữ này. Ý nghĩa hơn khi biết bọn trẻ ở đây được học hoàn toàn miễn phí. Tôi cũng muốn làm điều gì đó giúp các em nên không ngần ngại tham gia. Hy vọng rằng, từ lớp học này, bọn trẻ sẽ tự tin đón tiếp những vị khách nước ngoài ghé thăm để phát triển du lịch cộng đồng”, Hằng bộc bạch.
Còn với cô bé Vàng Thị A, bản Pang Cáng thì vài tháng nay, lớp học đã trở thành điểm hẹn mang lại nhiều bất ngờ, thú vị. Đều đặn mỗi tối, A ăn cơm rất sớm để kịp giờ tới lớp. Nhà ở xa, nên em được bố đưa đón. A chia sẻ, thỉnh thoảng trên bản cũng tiếp những vị khách người nước ngoài, em rất thích nhưng không thể trò chuyện vì không hiểu tiếng.
“Nhờ có lớp học, giờ em có thể chào hỏi những vị khách nước ngoài đến bản. Em sẽ cố gắng đi học đều mỗi ngày để sau này trở thành hướng dẫn viên giới thiệu với du khách khắp mọi miền về những nét đẹp của quê hương mình. Không những thế, năm học tới này lên lớp 3 có môn Tiếng Anh, em không còn phải lo lắng nữa”, A bộc bạch.
Cô giáo Chu Thị Tú Liên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Hoàng Văn Thụ (thị xã Nghĩa Lộ) là người đứng ra mở lớp học. Cô Liên gọi đây là lớp học không biên giới, bởi cùng lúc giảng dạy nhiều ngôn ngữ, kiến thức. Người dạy, người học cũng không giới hạn về độ tuổi, dân tộc, địa bàn…
Lớp học diễn ra vào mỗi tối các ngày: Thứ 2, 3, 4, 7 và Chủ nhật. Ngoài chữ Mông do ông Mang đảm nhiệm, phần tiếng Anh được các cô giáo ở dưới thị xã dạy trực tuyến, một số bạn trẻ giỏi tiếng Anh đang làm du lịch ở Suối Giàng trợ giảng. Hàng tuần sẽ có các buổi trò chuyện qua Zoom với khách nước ngoài do cô Liên kết nối. Riêng cô giáo Liên trực tiếp đảm nhận dạy tiếng phổ thông, cơ bản là ôn lại kiến thức và luyện chữ cho học sinh.
“Vì nội dung giảng dạy chủ yếu là văn hóa giao tiếp và giới thiệu về bản sắc dân tộc Mông thông qua hình thức trao đổi, trò chuyện, nên học sinh và bà con không bị áp lực. Mọi người đến lớp với tâm lý thoải mái, vui vẻ nên cũng dễ dàng tiếp cận, lĩnh hội kiến thức hơn”, cô Liên bộc bạch.
Mặc dù danh sách học sinh hiện tại chỉ có hơn 20 em, song lớp học luôn thu hút đông đảo trẻ em và người dân tham gia. |
Từ một chuyến thực địa…
Cô Chu Thị Tú Liên là cái tên quen thuộc, với nhiều đổi mới, sáng tạo trong ngành Giáo dục thị xã Nghĩa Lộ những năm qua. Từ năm 2021, cô lại được nhắc đến với một vai trò mới, là chủ Homestay Chulienhome và một lớp học dạy ba thứ tiếng: Mông, Anh, phổ thông. Cũng từ thời điểm này, cô được bọn trẻ vùng cao Suối Giàng gọi với một danh xưng khác, gần gũi, mộc mạc hơn – bà giáo Chu Liên.
Theo cô chia sẻ, cơ duyên của sự gặp gỡ này bắt đầu từ một chuyến khảo sát thực địa để lấy tư liệu viết sách vào tháng 4/2021. “Thời điểm đó, tôi là một trong những người trong hội đồng viết sách chương trình giáo dục địa phương của Sở GD&ĐT Yên Bái. Trong đó, có nội dung giới thiệu về văn hóa dân tộc Mông. Tôi đã nghĩ ngay đến Suối Giàng vì điểm này không quá xa, lại hội tụ đầy đủ tất cả những yếu tố đặc trưng, bản sắc nhất của cộng đồng người Mông”, cô Liên tâm sự.
Đưa cậu con trai duy nhất cùng đi, cô Liên mong muốn con sẽ có thêm trải nghiệm mới. Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu thực địa, cả 2 mẹ con cùng bị đất và người vùng cao “mê hoặc”. Từ những biển mây bềnh bồng vờn núi non hùng vĩ, đến không khí trong lành giữa bạt ngàn chè cổ thụ, sự thanh bình, trầm mặc và thân thiện, mến khách của bà con bản địa... “Tôi yêu mọi thứ ở Suối Giàng nên khi nghe con trai nói muốn khởi nghiệp ở đó, tôi đã đồng ý ngay”, cô Liên nói.
Bên cạnh học tập, bọn trẻ còn được tham gia nhiều hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa bản địa. |
Thế rồi, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn ban đầu, một homestay du lịch cộng đồng rộng 8.000m2 được gây dựng ngay giữ bản Pang Cáng. Bên cạnh nếp nhà truyền thống, hơn 6.000m2 còn lại là vùng trà cổ thụ và trang trại trải nghiệm mang đậm nét đặc trưng của Suối Giàng.
Tưởng rằng ở vùng đất mới, mọi thứ sẽ xa lạ. Song điều khiến cô Liên hoàn toàn bất ngờ là bà con rất thân thiện. Từ những khúc tre dựng nhà, đến mớ rau, bắp ngô… bà con đều dễ dàng chia sẻ, góp sức. Sự dễ mến của người vùng cao khiến cô muốn nói nhiều điều hơn với họ, nhưng vướng rào cản ngôn ngữ.
“Để phá rào cản này tôi quyết định học tiếng Mông. Rồi lại muốn trang bị cho nhân lực homestay của mình. Khi mời thầy giảng dạy, thấy bọn trẻ bản địa đến xem, nghe tôi lại khát khao mở rộng hơn. Khi triển khai ý tưởng, sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã đã tiếp thêm động lực để tôi khởi động lớp học”, cô Liên tâm sự.
Ban đầu, lớp học chỉ có gần 10 học sinh ở bản Pang Cáng đăng ký tham gia. Rồi mỗi tối, ánh đèn điện, tiếng đọc chữ, cười nói từ homestay như có sức hút đặc biệt, khiến danh sách ngày một dài thêm. Hiện nay, lớp học có hơn 20 trẻ các độ tuổi thuộc bản Pang Cáng tham gia thường xuyên. Nhiều buổi, lớp học “quá tải” do một số trẻ ở các bản lân cận và phụ huynh tìm đến học “ké”.
Qua sự kết nối của cô giáo Liên, đội văn nghệ bản Pang Cáng hoạt động thường xuyên và có nhiều cơ hội quảng bá điệu múa Mông rộng rãi hơn. |
“Đó là gia tài tôi muốn để lại!”
Cho đến giờ chính cô Liên cũng chẳng thể ngờ, con đường nhỏ cheo leo nối từ địa phận xã Phù Nham (thị xã Nghĩa Lộ) ngược non cao Suối Giàng lại trở thành quen thuộc mỗi ngày… Những đoạn dốc cua, đường lổn nhổn đá thử thách tay lái, giờ đã được trải bê tông phẳng lỳ.
Mỗi sáng, cô Liên vẫn thực hiện nhiệm vụ ở trường học dưới thị xã Nghĩa Lộ. Chiều tối, cô vượt hơn 10km ngược trở về homestay và lớp học tại bản Pang Cáng, đều đặn và thường xuyên. “Giờ hơi vất vả vì phải đi lại thôi, chứ vài năm nữa nghỉ hưu rồi tôi về ở hẳn thì tập trung làm được nhiều thứ hơn nữa”, cô Liên nói.
Trong trang phục dân tộc Mông, sau ánh lửa bếp đá bập bùng, cô Liên giới thiệu với du khách về từng loại trà, cách pha thuần thục không khác nào một người dân bản địa. Bọn trẻ chưa phải đến lớp, nên cứ thấy homestay có khách là lại ghé chơi, giao lưu và quan sát từng hoạt động diễn ra. Từ văn nghệ, ẩm thực, trải nghiệm hái chè, làm chè…
Từng tham gia đưa dân ca, dân vũ Thái, Mường vào trường học, rồi làm cố vấn cho màn đại xòe của thị xã Nghĩa Lộ, nay trên đất Suối Giàng, cô Liên lại khiến bà con bản địa bất ngờ với sự am hiểu về bản sắc người Mông. Mà theo chia sẻ của chị Mùa Thị Hằng, Đội trưởng Đội văn nghệ bản Pang Cáng thì chính họ cũng không ngờ văn hóa truyền thống của mình lại đẹp đến thế, được yêu thích đến thế.
“Từ khi có homestay này, chúng tôi không chỉ được học tiếng Anh để giao tiếp với du khách, mà còn được kết nối để giới thiệu những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Đội văn nghệ truyền thống giờ sinh hoạt đều đặn hơn nên biểu diễn hay hơn. Ngoài biểu diễn tại homestay, chị em còn nhận biểu diễn cho các chương trình du lịch cộng đồng khác, vừa có thêm chút thu nhập lại vừa quảng bá bản sắc văn hóa rộng rãi hơn”, chị Hằng bộc bạch.
Cô Liên chia sẻ còn ấp ủ nhiều ý tưởng cho homestay cũng như mảnh đất Suối Giàng và sẽ thực hiện dần trong thời gian tới. Với khát vọng phát triển du lịch bản địa, cô Liên bảo, không thể chỉ chăm chăm làm giàu cho bản thân, mà phải có cộng đồng. “Muốn như vậy, trước tiên phải thay đổi cách nghĩ, kiến thức… của bọn trẻ và người dân nơi đây”, cô Liên nói.
Thừa nhận đây là việc làm không hề đơn giản, cô Liên lý giải, phần do nhận thức, song phần lớn do nếp nghĩ, cách làm mang tính “tự phát” đã “ăn sâu, bám rễ” trong tư duy bà con từ rất lâu. Muốn thay đổi cần sự kiên trì rất lớn. Đơn cử như việc học tiếng Anh, theo cô Liên thì phải mất tới 3 tháng hè, tụi nhỏ mới có thể sử dụng thuần thục một số câu chào hỏi, giao tiếp cơ bản.
Hiện đã bước vào năm học mới nên lịch học phải điều chỉnh giãn cách và chỉ diễn ra vào tối thứ 7, Chủ nhật hàng tuần. Tôi cũng không thể lên Suối Giàng mỗi ngày như trước. Như thế đồng nghĩa với việc chúng tôi ít có dịp gặp gỡ nhau. Nhưng cũng giống như homestay, lớp học sẽ tồn tại song hành. Tôi tin, bọn trẻ sẽ còn gắn bó, đồng hành để hoàn thiện mình hơn. Đó là gia tài tôi muốn để lại, chứ không đơn giản chỉ là nếp nhà kia… - Cô Chu Thị Tú Liên