Già Rơ Châm H’Mút kể chuyện “đan gùi đẹp lấy vợ xinh”

GD&TĐ - Chiếc gùi đối với đồng bào Tây Nguyên là “tác phẩm nghệ thuật” được tạo ra từ những bàn tay khéo léo.

Người dân say sưa đan chiếc gùi truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.
Người dân say sưa đan chiếc gùi truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.

Già Rơ Châm H’Mút kể: “Thời xưa, muốn cưới vợ người con trai bắt buộc phải biết đan gùi. Do đó con trai trong làng luôn cố gắng, phấn đấu đan gùi đẹp để được nhiều cô gái yêu mến…”.

Gùi theo mẹ lên nương

Khi sương sớm còn đọng trên những tán lá rừng, những người đàn ông, phụ nữ ở Tây Nguyên mang gùi lên nương. Người thì dùng gùi đựng cơm, để dao rựa… mang đi làm. Một số đứa trẻ say sưa ngủ trong chiếc gùi cùng mẹ lên nương.

Đối với đồng bào Tây Nguyên, gùi là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Xã Ia Ka (huyện Chư Păh, Gia Lai) là một trong những nơi lưu giữ được nghề đan gùi truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Gùi theo người dân lên nương, đi chợ, lấy nước… mỗi ngày.

Với gương mặt chi chít nếp nhăn, già Ksor Ksôh (làng Mrông Ngó 4, ) cho hay, chiếc gùi đã gắn bó với người dân nơi đây qua nhiều đời nay. Từ xa xưa, những người đàn ông đan gùi, còn phụ nữ phụ trách việc dệt vải.

Nhấp ngụm nước mát, già Ksor Ksôh cho hay, để tạo ra được một chiếc gùi yêu cầu người làm phải kiên trì, cẩn thận và tỉ mỉ. Để làm được chiếc gùi cần phải chuẩn bị tre, nứa. Tuy nhiên, tre và nứa không được quá già hoặc non.

“Để làm được chiếc gùi đẹp phải trải qua nhiều công đoạn và thời gian. Công đoạn khó nhất để đan một chiếc gùi là chẻ và vót thành nan. Những người mới làm chỉ có thể tạo ra chiếc gùi đơn sơ, không có hoa văn. Để đan được chiếc gùi độc đáo, đòi hỏi người nghệ nhân phải có kinh nghiệm, khéo léo và có độ tinh tế”, già Ksor Ksôh chia sẻ.

Nhìn đôi bàn tay chai sạn của mình, già Rơ Châm H’Mút (làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) cho biết, gùi của người đồng bào DTTS có nhiều kích cỡ và tác dụng khác nhau. Có những chiếc gùi dùng để đựng gạo. Một số gùi người dân dùng để đựng nước, đồ ăn hàng ngày mang lên nương, lên rẫy.

Theo già Rơ Châm H’Mút, gùi chủ yếu được làm từ tre và có thêm 2 quai để đeo lên vai. Bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, những người đàn ông người Jrai, BaNa… đã làm ra nhiều chiếc gùi đẹp giành tặng mẹ, vợ, con gái để lên nương rẫy. Bên cạnh đó, người dân cũng đan thêm gùi để tăng thu nhập cho gia đình.

“Chiếc gùi là vật dụng gắn liền với cuộc sống của đồng bào người Tây Nguyên từ nhiều đời nay. Đặc biệt, người phụ nữ sử dụng gùi để địu con khi lên nương. Chiếc gùi lớn lên cùng với những đứa trẻ đến khi chúng lập gia đình rồi già đi. Gửi theo họ lên rừng, đi rẫy, vận chuyển lúa bắp, ra suối lấy nước...”, già Rơ Châm H’Mút nói.

Nghề đan gùi dần bị mai một, tuy nhiên người dân vẫn lưu giữ để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.
Nghề đan gùi dần bị mai một, tuy nhiên người dân vẫn lưu giữ để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.

Muốn cưới vợ phải biết đan gùi

Già Rơ Châm H’Mút chia sẻ, từ thời xa xưa khi con trai muốn cưới vợ phải biết đan gùi. Những ai đan gùi càng đẹp, hoa văn độc đáo sẽ được nhiều cô gái quan tâm, yêu quý.

Theo già Rơ Châm H’Mút, trước đây nếu muốn biết chàng trai nào đan gùi giỏi chỉ cần nhìn qua đôi bàn tay. Người nào có nhiều vết chai sạn chứng tỏ thường xuyên đan gùi. Những chàng trai này sẽ được gia đình nhà vợ yêu quý và hãnh diện với mọi người.

“Thời xưa, muốn cưới vợ người con trai bắt buộc phải biết đan gùi. Do đó con trai trong làng luôn cố gắng, phấn đấu đan gùi đẹp để được nhiều cô gái yêu mến. Thời nay nghề đan gùi đã mai một dần, nhưng vẫn được người dân trong làng lưu giữ, truyền dạy lại cho con cháu”, già Rơ Châm H’Mút tâm sự.

Từ ngày theo mẹ lên nương, chiếc gùi đã gắn bó với chị Rơ Châm Bye (làng Mrông Ngó 4, xã Ia Ka) mỗi ngày. Mỗi khi lên rẫy, đi chợ hay đi lấy nước giọt, chiếc gùi luôn theo chị Rơ Châm Bye.

“Chiếc gùi mình đang đeo là do bố và chồng mình đan. Do được làm cẩn thận, tỉ mỉ nên nó bền lắm, đeo mấy năm nay rồi chưa bị hư hỏng. Ở đây phụ nữ không dùng làn nhựa đâu, ai cũng thích đeo gùi thôi. Dùng gùi vừa hạn chế rác thải nhựa, lại tiện dụng trong đời sống”, chị Rơ Châm Bye cho hay.

Không chỉ tại xã Ia Ka, ở làng Hăng Rinh (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) nhiều người già vẫn giữ được nghề đan gùi truyền thống.

Già làng Rơ Lan Hào cho biết, đan gùi là nghề truyền thống của người đồng bào DTTS ở Tây Nguyên. Gùi có mặt khắp nơi trong cuộc sống của người dân nơi đây. Chiếc gùi được gác bếp, lên nương, địu trên đôi vai của người phụ nữ trong làng.

Hiện nay, nghề đan gùi đã dần mai một đi. Tuy nhiên, vẫn còn một số làng người dân vẫn say sưa với nghề đan gùi và truyền dạy lại cho con cháu.

Ông Phạm Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Chư Păh cho biết, hiện nay nghề đan gùi đã dần mai một. Tuy nhiên, tại xã Ia Ka người dân vẫn lưu giữ nghề truyền thống này. Người dân đan gùi để sử dụng hàng ngày và bán giúp tăng thu nhập. Không những vậy, nơi đây đã thành lập một câu lạc bộ đan gùi. Qua đó, những nghệ nhân, người cao tuổi vừa đan gùi lại có thể truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo GD&TĐ trao quà từ thiện cho học sinh ở xã Tam Chung và Mường Chanh.

Những chuyến tác nghiệp đáng nhớ

GD&TĐ - Với phóng viên Báo GD&TĐ tại miền Trung, mỗi chuyến tác nghiệp vào mùa mưa lũ, thiên tai luôn là những hành trình với muôn vàn cảm xúc đáng nhớ…

Cô giáo Trần Thị Thương - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 xã Mường Mươn (Mường Chà, Điện Biên) trao tặng quà cho học sinh.

Cô Hoa thiện nguyện

GD&TĐ - Ở nhiều trường của vùng cao Tây Bắc, cô và trò hay gọi Hoàng Thị Hoa bằng tên gọi thân thương - “Cô Hoa thiện nguyện”.

Bảo vệ quyền lợi nhà giáo

Bảo vệ quyền lợi nhà giáo

GD&TĐ - Báo GD&TĐ - kênh thông tin quan trọng giúp đội ngũ GV thay đổi cách nghĩ, cách làm, đồng thời đòi lại công bằng, thay đổi cuộc đời, số phận.