Nóng những cuộc “khủng bố”
Mới đây, vụ việc giả danh phụ huynh để đón học sinh không thành quay ra uy hiếp, xúc phạm giáo viên tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Hà Nội) khiến nhiều phụ huynh học sinh cùng thầy cô lo lắng vì thủ đoạn cực kỳ tinh vi.
Cụ thể, sự việc xảy ra vào khoảng 10 giờ ngày 28/9, khi cô Trần Thu Hà đang trong giờ giảng bài thì nhận được cuộc điện thoại từ số máy: 0898574xxx. Người gọi điện thoại nhận là người nhà của học sinh Nguyễn Thanh T. và xin phép cô giáo để cho đón con về sớm do gia đình có việc riêng.
Đối tượng còn nói rõ ngày sinh, nốt ruồi và các đặc điểm nhận dạng khác của học sinh T. Khi giáo viên trả lời do không nhận được thông báo của bố mẹ cho con về sớm nên không đồng ý. Sau khi thuyết phục không được, đối tượng nói rõ là chủ nợ của bố học sinh T và liên tục gọi điện cho giáo viên, nói lời thiếu lịch sự, đe dọa cô giáo phải thực hiện theo yêu cầu là đưa học sinh ra cổng trường.
Vụ việc được báo lên Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Phan Đình Giót và cơ quan Công an để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
Trước đó (ngày 21/9), sự việc tương tự xảy tại Trường Tiểu học Đội Cấn 1 (thành phố Thái Nguyên, Thái Nguyên). Theo đó, giáo viên chủ nhiệm nhận cuộc gọi từ số máy lạ xưng là người nhà của em học sinh N. Người này nói, bố cháu bị tai nạn, đang hấp hối, gia đình đang rất bối rối, không có ai đến đón cháu được nên nhờ cô đưa cháu về giúp để cháu nhìn mặt bố lần cuối.
Cô giáo gọi điện về cho mẹ của học sinh để xác minh nhưng chưa liên hệ được. Nghĩ gia đình đang có việc gấp, cô vội vàng đưa cháu về nhà. Khi cô giáo đến nhà, chị P. (phụ huynh của học sinh) rất sốc khi đang ở nhà, chưa hết giờ học mà thấy cô giáo đưa cháu về.
Mẹ học sinh N. cho biết trước đó vài ngày, chị có nhận được tin nhắn đòi nợ. Tin nhắn không nói rõ chủ nợ là ai, khoản vay là bao nhiêu. Chị N. nghĩ là tin nhắn nhầm nên chị không phản hồi lại.
Sau đó, đối tượng tiếp tục nhắn tin với nội dung đe dọa, nói rõ thông tin cá nhân của các con chị, và dọa sẽ cho các cháu nghỉ học. Không dừng lại ở đó, đối tượng đòi nợ còn điều xe cứu thương và bình gas dọa nổ trường học. Hiện vụ việc đang được Công an thành phố Thái Nguyên điều tra, xác minh làm rõ.
Cô Trần Thu Hà - Trường Tiểu học Phan Đình Giót kể lại vụ việc bị đối tượng lạ xưng là phụ huynh học sinh và đe dọa. |
Siết chặt an toàn trường học
Ngay khi xuất hiện thủ đoạn mới nhằm vào môi trường học đường, Công an quận Thanh Xuân (thành phố Hà Nội) đã chỉ rõ phương thức thủ đoạn hoạt động của nhóm tội phạm tín dụng đen mục đích định “bắt cóc” con tin là con cái của các “con nợ” để uy hiếp.
Công an quận Thanh Xuân nhanh chóng phối hợp cùng Phòng GD&ĐT quận ra thông báo gửi các trường học đóng trên địa bàn và yêu cầu lan toả đến các bậc phụ huynh học sinh cảnh giác về hiện tượng giả mạo phụ huynh học sinh gọi điện cô giáo chủ nhiệm yêu cầu được đón học sinh về sớm.
Đồng thời, Công an quận Thanh Xuân tổ chức tập huấn cho hơn 400 cán bộ tổ dân phố, hiệu trưởng các trường trên địa bàn tuyên truyền phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng. Đây sẽ là những tuyên truyền viên tích cực đến từng người dân trong cộng đồng dân cư để nâng cao hiểu biết và tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn tội phạm ngày càng tinh vi.
Triển khai phần mềm Kidonline phối hợp đón trả học sinh là phương án hiệu quả được Trường Mầm non Song Khê (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) góp phần bảo đảm an toàn trường học.
Bà Đào Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Song Khê cho biết, trong phần mềm Kidonline có chức năng điểm danh (đưa, đón trẻ). Nhà trường đã giao nhiệm vụ cho Phó Hiệu trưởng phụ trách phần mềm quản lý này.
“Nhà trường tổ chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên thực hiện các nhiệm vụ trong phần mềm. Trong đó, chú trọng chức năng điểm danh (đưa đón trẻ). Nhà trường đã làm file hướng dẫn chi tiết cách tải, cài đặt phần mềm trên điện thoại thông minh của phụ huynh. Qua đó, việc mạo danh phụ huynh học sinh để đưa đón trẻ sẽ bị phát hiện ngay (nếu có)...”, bà Đào Thị Hằng chia sẻ.
“Phòng còn hơn chống” là thông điệp được ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) nhấn mạnh, tránh những trường hợp tương tự gây mất an ninh trật tự môi trường học đường.
Ông Lê Đức Thuận cho biết, đã nhắc nhở Ban Giám hiệu các trường học trên địa bàn rà soát, cho mời những cá nhân cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh liên quan vụ việc vay nợ (nếu có) đến làm việc nắm rõ nội dung.
Trong đó, đưa ra giải pháp về việc vay nợ không để ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cá nhân và tập thể nhà trường. Đồng thời, báo cáo bằng văn bản gửi về Phòng GD&ĐT, Công an quận (qua Đội An ninh) để nắm bắt.
Ông Lê Đức Thuận cũng lưu ý, các nhà trường ổn định tình hình trong dư luận cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và học sinh, không để ảnh hưởng tới công tác giảng dạy và học tập.
“Ban Giám hiệu các trường phối hợp Công đoàn các trường cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường ký cam kết không vay nợ các tổ chức tín dụng không chính thống.
Đồng thời, hoàn toàn chịu trách nhiệm, kỷ luật của ngành, các quy định của luật công chức, viên chức cũng như các quy định của pháp luật, tránh để ảnh hưởng tới danh dự, uy tín cá nhân và tập thể nhà trường...”, ông Lê Đức Thuận lưu ý đến các giáo viên.