Giá như...

GD&TĐ - Gió mưa ào ạt ngoài khung cửa kính xe. Tôi trở về quê trong một buổi chiều mưa Sài Gòn. Miền Trung quê tôi quanh năm nắng, gió, mưa. Dãi dầu. Tôi yêu nơi này - nơi đã sản sinh ra những con người cứng cỏi, bươn chải.

Giá như...

Dịp này tôi về ăn đám giỗ bà nội, cũng là lúc cơn bão Damrey đổ bộ vào Bình Định quê tôi. Thương lắm... Một người con xa quê nơi đất Sài thành bươn chải, mỗi năm về quê được đôi lần. Lần này tôi ở lại lâu hơn vì còn phải phụ ba mẹ sửa lại nhà vì gian bếp bị sập khi bão đi qua.

Mẹ ơi! Mẹ ơi!...

Tiếng con bé út choe chóe lên, nó bảo:

- Mai mẹ đi chợ mua cho con vài cành hoa, con đi học tặng cô nha mẹ.

Mẹ tôi cười bảo:

- Tôi biết rồi bà cụ non, khổ, đọc hoài, dặn từ cả tháng trước.

Nó cười tít mắt, rồi nhanh nhảu chạy vào bàn ngồi đọc bài ê a. Tôi chợt nhớ ra, gần tới ngày 20/11 rồi sao? Đã bao lâu rồi tôi không gặp thầy cô, những người đã cho tôi hành trang để tôi cắp vào đời. Ánh mặt tôi chợt nhìn xa xăm về phía đồng ruộng kia, nơi những cây lúa đang quằn xuống vì sức nặng của mẩy hạt. Tôi chợt buồn. Dáng cô ngày xưa đã dắt chúng tôi về qua bờ tràn ngập nước. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Đức Huyền, cô giáo dạy tôi khi tôi mới bước vào cấp trung học cơ sở, với biết bao sự ngỡ ngàng, lạ lẫm. Cái tên của cô đã để lại trong tôi vẻ gì đó nhân hậu, trìu mến lắm.

Những ngày tháng 9, tháng 10 mưa gió. Trong lòng tôi thôi thúc một thứ gì đó, tôi nhớ trường. Ngôi trường hơn 10 năm về trước ngày nào tôi cũng đạp xe dăm cây số mỗi ngày. Tôi nhớ lớp, nhớ người cô thân yêu năm nao trên bục giảng. Hành động chiến thắng suy nghĩ. Trên chiếc xe đạp cũ năm nào tôi vẫn thường đi học, tôi đạp xe tới trường.

Tôi dựa xe vào gốc me tây trước trường, thẹn thùng, sợ sệt như một đứa bé mới bước vào lớp Một, tôi đứng hé mắt nhìn từ cổng vào sân.

Một hồi trống vang lên, chuyển tiết, tôi ngỡ ngàng khi thấy cô bước ra từ một lớp học. Tôi vui lắm. Tôi chưa lại chào cô được, vì cô đã bước vào một lớp học khác. Dáng cô vẫn như xưa, vẫn như hồi đầu cô mới ra trường, nét thanh tao, dáng dong dỏng cao, tóc dài ngang hông. Vẫn nét dịu dàng ấy, một không gian lớp học mường tượng trong đầu tôi, với dáng cô đang viết bảng. Thân thương lắm! Tôi yêu nơi này, tôi thương cô, người mẹ thứ hai của tôi, người đã mang cho tôi kiến thức và sự mạnh mẽ.

Thế rồi tiếng trống ra chơi cũng đã điểm. Cô bước ra khỏi lớp, chân tôi như khựng lại, tôi run run, tôi sợ sợ. Tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy. Tôi đi từ từ, tim đập thình thịch, tôi lắp bắp chào:

- Con chào cô ạ...!

Cô cười tươi, nhìn nhìn tôi hồi lâu, rồi bảo:

- Lâu quá hả con, lâu nay cô mới thấy con, con nay làm gì rồi, hay tốt nghiệp chưa?

Tôi rất vui, không ngờ cô còn nhận ra tôi. Thời gian từ một đứa nhỏ ngăm đen, bây giờ ra dáng một đứa con gái, cũng hơn 10 năm rồi. Tôi mạnh dạn nắm lấy tay cô, giọng nghẹn nghẹn, tôi muốn khóc:

- Con nhớ cô, con nhớ lớp mình ngày xưa cô à, ước gì thời gian có thể quay trở lại hả cô?

Nhìn thấy cô vẫn khỏe, tôi vui lắm, một người giáo viên tôi kính trọng, tôi muốn ôm cô như đứa con nít sà vào lòng mẹ, như từng đợt sóng ôm trọn bãi cát vàng. Gặp được cô nỗi nhớ của tôi đã vơi đi phần nào. Ngồi nói chuyện với cô về những chuyện ngày xưa, về hiện tại và gia đình. Cô vẫn còn giữ cái nét vui tính ấy. Cô duyên lắm. Nhưng tôi lại chợt thấy những nếp nhăn ở đuôi mắt của cô. Chợt thấy sao thời gian trôi nhanh quá, thời gian lấy đi tuổi thanh xuân của mỗi người. Những người tôi kính trọng, tôi yêu thương cũng đã già theo năm tháng.

Biết bao năm, tận tụy với lũ học trò ngoan hiền có, tinh nghịch cũng có, nhưng cô vẫn ân cần, không bỏ bê đứa nào cả, đều chăm chút cho tụi trò nhỏ từng nét chữ. Tôi thương cô lắm! Một người cô tận tâm, giảng bài say sưa, và luôn tạo không khí cho chúng tôi hoạt động để giảm sự nhàm chán cho các tiết học.

Sự hi sinh cao cả của cô cho lũ học trò chúng tôi, không sao kể hết được. Có những đứa ra trường rồi mới cảm thấy thấm thía được. Và hiểu được hai chữ “Giá như...” mà cô đã từng viết lên bảng và bảo chúng tôi:

- Sau này các con ra trường rồi, trưởng thành rồi các con sẽ hiểu được trọn vẹn hai từ này…

Hơn 10 năm rồi, tôi không hề gặp hay liên lạc gì với cô cả. Tôi thật sự hối hận. Nhưng trái ngược lại với tôi, biết bao nhiêu thế hệ học trò đi qua nhưng cô vẫn nhận ra tôi. Tôi hỏi cô thì cô bảo:

- Cô ấn tượng với con, một đứa học trò nhút nhát nhưng siêng năng và học giỏi, vì thế cô mới hay gọi con trả bài để con mạnh dạn hơn, phát huy tài năng của mình. Học sinh hay sinh viên gì cũng vậy, hoạt động năng nổ lên con à.

Từng lời nói của cô như khắc sâu vào trong tim tôi. Cô còn nhớ lúc đó tôi như thế nào, ra sao? Tôi ứa nước mắt, tôi cuối mặt xuống, hai tay đan vào nhau lạnh ngắt. Tôi cảm thấy sự hời hợt của tôi trong 10 năm qua. Tôi lắp bắp:

- Dạ, thưa cô, con nhất định sẽ cố gắng, con sẽ làm được.

Cô cười dịu dàng, vỗ nhẹ vai tôi:

- Bây giờ vẫn còn run hả con, ráng lên con, học sau này ra trường đi làm cho đàng hoàng, nở mày nở mặt với gia đình, hàng xóm.

- Dạ, thưa cô.

Hít một hơi thật sâu, mùi hoa sữa thoảng đâu đấy, mở mắt ra là một bầu trời xanh ngắt, không gợn mây. Tôi cảm thấy thoải mái, lòng nhẹ nhàng, không còn cảm giác run rẩy, hồi hộp như mấy ngày trước. Con đường quê như vui hẳn lên đối với tôi. Lũ chúng tôi như những cây lúa kia, quằn xuống vì mẩy hạt - chúng tôi mang trên vai kiến thức tích góp dần bao năm để gánh vào đời. Và luôn cố gắng “bội thu” để không phụ lòng mong mỏi của mọi người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crossetto

Italia cảnh báo ông Zelensky

GD&TĐ - Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crossetto đã cảnh báo Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky chống lại cuộc phản công năm 2023.
Minh họa/INT

Ngộ độc từ bánh mì

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện gửi các tỉnh, thành phố về việc triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.